Sự kiện hot
9 năm trước

Nhiều "lỗ hổng" trong vấn đề ATGT đường thủy nhìn từ những tai nạn nghiêm trọng

Liên tiếp hai vụ va chạm giữa tàu thuyền với cầu ngay trong Tháng An toàn giao thông đã lộ rõ những "lỗ hổng" trong việc xây dựng, quản lý hoạt động của cầu, cảng, bến và phương tiện đảm bảo ATGT đường thủy.

Liên tiếp xảy ra tai nạn đường thủy nghiêm trọng

Ngày 6/3, khi một tàu tải trọng hơn 3000 tấn lưu thông trên sông An Thái hướng từ Hải Dương đi Hải Phòng đã đâm vào cầu An Thái thuộc địa phận huyện Kinh Môn, Hải Dương. Sau cú đâm mạnh, chiếc tàu này bị mắc kẹt vào gầm cầu và phải vài ngày sau tàu mới gỡ ra được khỏi cầu.

Vụ tai nạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng cầu An Thái nằm trên tuyến giao thông đường bộ huyết mạch từ Hải Dương đi Quảng Ninh, nên trong thời gian tàu mắc dưới gầm cầu, giao thông bị phong tỏa, người đi xe máy thì phải đi đò qua sông, còn xe ô tô chở hàng, chở khách phải đi vòng đường khác, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

 


2 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra liên tiếp

 

Trong khi các cơ quan chức năng còn đang loay hoay “giải cứu” cầu An Thái khỏi bị sập do tàu thủy húc rạn nứt, thì cây cầu Ghềnh hơn 100 tuổi phải chịu số phận thê thảm hơn khi cả nhịp 2 và 3 của cầu bị sà lan tông đứt gãy, rơi xuống sông. Vụ tai nạn làm gián đoạn hoạt động chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam khiến hàng nghìn hành khách phải khốn khổ chờ đợi tại các nhà ga; các đoàn tàu không thể đi qua được nên phải dùng ô tô để chở khách từ TPHCM xuống Biên Hòa để tiếp tục đi tàu.

Những thiệt hại về kinh tế sau vụ sập cầu Gềnh tiếp tục tăng lên từng ngày. Ngành đường sắt vẫn đang đau đầu xử lý hậu quả của sự cố sập cầu và chưa thể ước tính nổi thiệt hại, còn Bộ Giao thông vận tải cho biết, riêng chi phí làm lại cầu có thể sẽ tốn của Nhà nước từ 250 đến 300 tỉ đồng.

Các vụ tai nạn giao thông đường thủy tuy không diễn ra thường xuyên như đường bộ, nhưng mỗi sự cố đều gây ra mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt là việc các cây cầu bị phá hủy do tàu đâm phải. Song qua tai nạn hy hữu này cũng đã “lộ” ra nhiều vấn đề an toàn giao thông đường thủy mà lâu nay dường như bị lãng quên.

Xuất hiện nhiều "lỗ hổng" trong vấn đề ATGT đường thủy

Liên quan đến vụ việc sập cầu Ghềnh vừa qua, theo điều tra bước đầu của ngành chức năng, nguyên nhân gây ra vụ đâm va nêu trên là do tài công điều khiển sà lan đã vi phạm các quy định về giao thông đường thủy nội địa, đến thời điểm gây tai nạn, chiếc tàu kéo đã quá hạn đăng kiểm gần 3 tháng, nên không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật cho thấy sự coi thường pháp luật của người chủ chiếc tàu kéo mang biển số SG-3745, khi không chấp hành các quy định của pháp luật về đăng kiểm phương tiện giao thông thủy.

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện trên cả nước có 251/532 cầu và công trình vượt sông nằm trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật. Tình trạng này ngoài yếu tố lịch sử còn do sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch ngành đường thủy nội địa qua các thời kỳ; do sự thiếu vốn đầu tư xây dựng. Đặc biệt là do điều kiện tự nhiên, đặc thù kênh mỗi vùng miền đất nước.

Theo ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đánh giá, hiện nay các phương tiện vận tải ngày một tăng lên cả kích thước, chủng loại và số lượng, kích thước trọng tải chủ yếu từ 400 -2.000 tấn. Do vậy, các cầu này đã gây cản trở, khó khăn cho vận tải thủy nội địa, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy...

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, tính đến hết ngày 20/3, cả nước xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 10 người, bị thương 1 người và chìm đắm 25 phương tiện. Những vụ tai nạn này đều gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng không những tới giao thông đường thủy mà cả đường bộ và đường sắt ở một số địa bàn có mức độ giao thông cao.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy là do phương tiện thủy nội địa quá hạn đăng kiểm; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa khi không tuân thủ các quy định ra, vào cảng bến thủy nội địa; công tác hậu kiểm đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn đường thủy nội địa gặp nhiều khó khăn…

Sau vụ sập cầu Ghềnh, rất nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao cầu Ghềnh không có trụ chống va và khung bảo vệ cầu. Theo một số chuyên gia xây dựng cầu đường, những cây cầu mới xây dựng nếu có trụ chống va và khung bảo vệ cầu thì khi xảy ra va chạm cầu sẽ không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ở cầu Ghềnh lại không làm trụ chống va.

Hay việc để các phương tiên quá hạn đăng kiểm vẫn di chuyển là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nguyên tắc là khi phương tiện xuất bến từ một cảng nào đấy sẽ phải làm thủ tục vào bến bốc xếp hàng hóa và ở đó, Cảng vụ kiểm tra đăng ký đăng kiểm, chứng chỉ thuyền viên tuy nhiên điều này lại chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.

Thực trạng người điều khiển phương tiện thủy nội địa khi tham gia giao thông chưa chấp hành các quy định giao thông vẫn còn xảy ra ở một bộ phận và là nguyên nhân trực tiếp gây ra nguy cơ tai nạn giao thông. Giữa chốn mênh mông, việc kiểm tra xử lý vi phạm không thường xuyên, liên tục đã tạo ra sự chủ quan, lơ là, thiếu thận trọng của người điều khiển tàu thuyền, là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn.

Có thể thấy, chứng chỉ hành nghề, bằng lái của những người điều khiển phương tiện đường thủy nói chung cũng đang là “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý giao thông đường thủy hiện nay.

Câu chuyện an toàn giao thông đường thủy dường như đang bị buông lỏng. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết các ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định quản lý hoạt động cảng, bến và phương tiện. Cần tăng cường công tác đăng kiểm phương tiện, người lái, tăng cường tuần tra kiểm soát và kiên quyết xử phạt những trường hợp vi phạm sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả.

Ngoài ra, việc giáo dục pháp luật, để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để phòng ngừa những sự cố giao thông đường thủy đang trực chờ, rất cần phải triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp. Chỉ có đồng bộ hóa các giải pháp như vậy thì các vụ va chạm tương tự như ở cầu An Thái, cầu Ghềnh mới không tái diễn.

Huy Hùng
theo Công lý

Từ khóa: