"Tôi đã đọc cuốn "con đường đi lên của các tỷ phú Nga" thì tôi thấy, ở Việt Nam đang lặp lại. Những người giàu chủ yếu lên bằng BĐS, chủ yếu lên bằng đất thì đó là những hiện tượng cần khảo sát kỹ".
"Tôi đã đọc cuốn "con đường đi lên của các tỷ phú Nga" thì tôi thấy, ở Việt Nam đang lặp lại. Những người giàu chủ yếu lên bằng BĐS, chủ yếu lên bằng đất thì đó là những hiện tượng cần khảo sát kỹ".
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - ảnh: Xuân Hưng
Như VnMedia đã đưa ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, trong đó có ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Quyền về vấn đề lợi ích nhóm. Trong bài này, VnMedia xin giới thiệu với độc giả cuộc trao đổi của ông với báo giới xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, như ông đã nhận định rằng, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong 10 năm qua là không thành công. Vậy, điều này có phải hoàn toàn là do những bất cập trong cơ chế chính sách?
Bất cập cơ chế chính sách là có nhưng không nhiều, dù là có. Như tôi đã nói, Luật đất đai năm1993 và sau đó là bổ sung năm 2003 - 2004 đã đưa ra những tiêu chí, những vấn đề, tuy nhiên, nghiên cứu về mặt phát luật về đất đai thì thấy rằng những tiêu chí đó còn chung chung, chưa rõ cho nên quá trình lập quy hoạch sử dụng đất của các địa phương vẫn dừng lại ở quy định chung, mà quy định chung thì rất dễ tạo kẽ hở cho các tổ chức tuỳ tiện.
Tuy nhiên, bất cập ở đây chính là việc tổ chức thực hiện, nhất là trách nhiệm của các ngành các cấp. Đứng trên tổng thể thì chúng ta nói là chúng ta thực hiện đúng chính sách, nhưng ở từng địa phương, từng ngành thì đều bị phá vỡ. Rất nhiều dự án triển khai không hiệu quả do thực hiện quy hoạch. Ví dụ như những sân bay nằm chết, những khu công nghiệp không ai vào…. vừa lãng phí đất đai vừa lãng phí nguồn lực, ngân sách. Đó là những cái thể hiện lợi ích cục bộ của địa phương, của một nhóm người không đứng trên lợi ích tổng thể của quốc gia.
Vậy thì bài toán trách nhiệm, lợi ích nhóm có phải là nguyên nhân chính của những bất cập, thưa ông?
Địa phương nào, nhóm người nào cũng đều nghĩ đến lợi ích, đó là chính đáng. Nhưng lợi ích đó phải đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia, mà địa phương thì không làm được việc đó. Cái này đòi hỏi vai trò của các bộ ngành quản lý nhà nước theo ngành, theo lĩnh vực hoặc đa ngành đa lĩnh vực. Đứng trên tổng thể quốc gia đó, anh có cho phép hay không cho phép. Vai trò của các bộ ngành trong điều tiết vĩ mô là rất quan trọng, xem nơi đó làm cảng, làm sân bay có hiệu quả hay không, đầu tư kinh phí vào đó có thích đáng hay không… Sau vai trò quản lý nhà nước thì đến vai trò thanh tra, kiểm tra và đó là vai trò vĩ mô.
Thưa ông, việc có quá nhiều khu công nghiệp, cảng biển, rồi đất nông nghiệp bị thu hẹp… phải chăng là do có sự liên kết giữa các nhóm lợi ích?
Trong báo cáo thẩm tra của Ban tư pháp với báo cáo của ban phòng chống tham nhũng của chính phủ năm 2011 có một câu là: cử tri và nhân dân cả nước cho rằng cơ chế xin cho đã được sửa đổi trong nhiều văn bản để khắc phục nhưng nó lại được biến tướng từ dạng này sang dạng khác và có ý kiến cho rằng có sự không khách quan trong hoạch định chính sách bảo vệ lợi ích của một nhóm người. Theo tôi, cái đó cần phải được kiểm tra thanh tra, giám sát để làm rõ.
Cần phải nói rằng, việc lập khu công nghiệp, kinh tế, cảng biển, sân golf… đều rất cần thiết để chúng ta hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2010 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. nhưng cái cần thiết đó nó nằm ở đâu, làm như thế nào để có hiệu quả thì rõ ràng quản lý của chúng ta quá kém. Có nơi có hiệu quả nhưng rất nhiều nơi không hiệu quả, có nơi thực hiện tốt, nhưng rất nhiều nơi lãng phí. Trách nhiệm đầu tiên là của các địa phương khi đề nghị sân golf hay khu công nghiệp… nhưng trách nhiệm lớn hơn nữa vẫn là của các bộ ngành quản lý cho phép người ta làm. Khi không có hiệu quả, lãng phí thì lại không có ai rà soát trách nhiệm của người cho phép. Ở nước ngoài thì anh phải từ chức ngay. Anh cho phép làm một cái cảng biển mà giờ chỉ để cỏ mọc thôi thì anh phải từ chức chứ?
Vậy, ông nhận định như thế nào về lợi ích nhóm?
Cái này thì không thể nói theo cảm giác. Cũng như việc cấm chơi golf hay điều chỉnh giờ học, tất cả những quyết sách của nhà nước phải dựa trên sự nghiên cứu khảo sát một cách bài bản, phải dựa trên khoa học, pháp luật và tập quán, dựa trên hiệu quả kinh tế và cả cơ chế sinh học của con người… chứ lợi ích của người dân không thể làm thí nghiệm được mà phải trên cơ sở một cách rất nghiêm túc.
Việc lợi ích nhóm, thì đó là dư luận và cũng có những biểu hiện, nhưng chúng ta đánh giá như thế nào thì phải tiến hành thanh kiểm tra, giám sát, trên cơ sở tất cả những hoạt động đó để đưa ra kết luận.
Thưa ông, ông có quan tâm đến vấn đề này hay không?
Vấn đề lợi ích nhóm thì đại biểu Quốc hội rất quan tâm, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến đại biểu quốc hội. ĐBQH không chỉ phản ánh, bảo vệ ý chí hiệp thương của cử tri nơi bầu ra mình mà phải bảo vệ lợi ích ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Với tư cách cá nhân, ông nhận xét như thế nào về vấn đề lợi ích nhóm?
Lợi ích nhóm thì biểu hiện rất nhiều, như việc giầu lên một cách bất bình thường ở một số quan chức hay ở một số tập đoàn kinh tế… chúng ta thấy ở những nước phát triển, lợi nhuận của họ có quy luật và không có lợi nhuận nào giống lợi nhuận của tập đoàn kinh tế của Việt Nam, cũng không có lợi nhuận nào như đối với một số quan chức, mặc dù sự giàu có này rất chìm.
Tôi đã đọc cuốn "con đường đi lên của các tỷ phú Nga" thì tôi thấy, ở Việt Nam đang lặp lại. Những người giàu chủ yếu lên bằng BĐS, chủ yếu lên bằng đất thì đó là những hiện tượng, nhưng những hiện tượng này vận hành ra làm sao trong cái quản lý của chúng ta thì cần có khảo sát kỹ. Nếu đưa ra một nhận định gì bây giờ thì e rằng sớm quá, phải có điều tra, khảo sát…
Thưa ông, trong vấn đề không thành công của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì trách nhiệm của những người liên quan và của QH ra sao?
Quốc hội đã nhận trách nhiệm. Trong các khoá, 10, 11 và 12 đều nhận rồi, đó là công tác giám sát còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, chưa đi vào cụ thể để giám sát một cách sát sao hơn nữa. Ở Quốc hội các nước có câu là “sát sao và truy đuổi”, là đi đến cùng của mọi sự việc. Giám sát mà không đi đến cùng, chỉ đưa ra kết luận chung chung, những kết luật chỉ đi vào không khí thôi thì chả có tác dụng gì. Việc giám sát phải chỉ rõ từng địa chỉ, những con người cụ thể thì mới đi vào cuộc sống và có hiệu quả được.
Với những cá nhân không thuộc Quốc hội thì khó, vì xác định trách nhiệm phải thông qua căn cứ của pháp luật, pháp luật quy định trách nhiệm cho anh là gì và anh làm được gì. Trong chế độ công vụ ở Việt Nam, thì khi có một sự việc gì xảy ra, muốn xác định trách nhiệm cá nhân thì cần phải xác định chứng cứ, nhưng điều này rất khó vì mọi việc người ta cứ đem ra bàn tập thể, và người ta quyết định tâp thể. Do vậy, khi có gì đó thì toàn bộ tập thể chịu. Nhưng ở các nước thì vai trò cá nhân là rất quan trọng. Người ta xác định trách nhiệm cụ thể của từng cấp và cứ như vậy mà làm. Anh vào hành lang pháp lý, anh sai là anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và ra tù luôn.
Cái này là cái chúng ta đang dần khắc phục và tôi hy vọng là với bộ máy chính phủ mới, cac bộ ngành mới, với việc chuẩn bị sửa đổi hiếp pháp năm 1992 thì chế độ công vụ, chế độ trách nhiệm nhà nước sẽ xác định rõ hơn nữa.
Xuân Hưng
Theo VnMedia