Thời gian qua, làn sóng đầu tư vẫn đang đổ bộ mạnh mẽ vào Thanh Hóa. Các dự án có số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ các "ông lớn" như Flamingo, Sun Group, Vingroup, FLC, TNG... nối nhau khai phá thị trường. Các doanh nghiệp phân bổ đều quỹ đất tại các khu vực từ thành phố Sầm Sơn, thành phố Thanh Hoá, huyện Quảng Xương, huyện Hoằng Hóa, huyện Thường Xuân...
Tập đoàn Sun Group đang triển khai tổ hợp dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô 1.260 ha tại thành phố biển Sầm Sơn. Tập đoàn này cũng đang nghiên cứu triển khai Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng quy mô gần 100 ha tại huyện Quảng Xương.
Trong khi đó, tại thành phố Thanh Hóa, Vinhomes đang mở bán phân khu biệt thự Hướng Dương thuộc khu đô thị Vinhomes Star City, quy mô 147ha.
Hồi tháng 6, T&T Group cũng khởi công xây dựng dự án khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn. Khu du lịch sinh thái Tân Dân có quy mô 84,8ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.660 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng xác lập dấu ấn đậm nét trên mảnh đất xứ Thanh là Flamingo. Trong tháng 10, Flamingo sẽ công bố ra thị trường tổ hợp giải trí và tiệc tùng theo mô hình Las Vegas, Macau thu nhỏ tại biển Hải Tiến (Thanh Hóa). Khi hoàn thành, dự án này sẽ cung ứng ra thị trường hơn 100 nhà hàng ẩm thực đa chủ đề, hơn 200 cửa hàng mua sắm, tổ hợp hơn 40 quán bar - bia club, không gian tiệc tùng lớn nhất Thanh Hoá kèm tổ hợp thể thao biển. Tất cả bố trí tập trung trên tuyến phố đi bộ và con đường lễ hội dài hơn 2.000m của dự án.
Ngoài tổ hợp tiệc tùng Flamingo Hải Tiến, sắp tới tập đoàn Flamingo cũng công bố ra thị trường tổ hợp nghỉ dưỡng theo mô hình công viên chủ đề Universal có quy mô hơn 1.300ha.
Theo ý tưởng của Flamingo, đại dự án được phát triển theo mô hình thành phố du lịch, với các resort chủ đề, công viên chủ đề, các thiên đường giải trí xuyên đêm, trung tâm biểu diễn văn hoá thực cảnh và công nghệ ánh sáng, vườn thú digital... Dự án này được chủ đầu tư kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo du lịch của Hải Tiến (Thanh Hóa) như cách mà Flamingo đã đưa Đại Lải (Vĩnh Phúc) lên bản đồ du lịch hay nâng tầm du lịch Cát Bà (Hải Phòng).
Thị trường tăng sức hút
Với sự góp mặt của nhiều đại gia địa ốc, gần như thị trường Thanh Hoá vẫn khá sôi động trong những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Bất động sản Việt Nam, ba tháng qua, địa phương này có 18 dự án được chào bán ra thị trường, với khoảng 2.235 sản phẩm đa dạng loại hình. Khoảng 950 sản phẩm đã bán thành công, tương đương tỷ lệ hấp thụ 42,5%. Một số dự án mở bán mới có tỷ lệ hấp thụ lên đến 60%.
Sự tăng nhiệt thị trường Thanh Hoá có được một phần từ mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng... Là một trong số đơn vị phân phối nhiều dự án tại Thanh Hoá, ông Trần Hữu Giáp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Gia Địa cho biết chưa bao giờ số lượng khách hàng và nhà đầu tư kéo đến địa phương này đông đảo như quý vừa qua. Hầu hết đều đánh giá, bất động sản Thanh Hóa đang có "thiên thời, địa lợi nhân hoà" và hiện được "đánh thức" sau thời gian dài bị lãng quên. "Với tiềm năng lớn, Thanh Hóa đang chờ thời để tạo sức bật mạnh mẽ của thị trường bất động sản, khi mà mọi nhà đầu tư khắp nơi đang chờ và săn đón", ông Giáp nhận định.
Theo tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải, chuyên gia địa ốc Đại học Ngân hàng TP HCM, năm 2021 sẽ được xem là dấu mốc để bất động sản Thanh Hóa bùng nổ. Thị trường diễn ra sự phân hoá rõ nét, với các khu dân cư, khu đô thị tập trung chủ yếu tại khu vực thành phố Sầm Sơn, các khu nghỉ dưỡng xu hướng nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên sẽ phát triển mạnh tại những nơi chưa bị bêtông hóa như biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), huyện Quảng Xương, Pù Luông (thuộc các huyện Bá Thước và Quan Hóa).
"Trong đó, biển Hải Tiến với lợi thế bãi biển nguyên sơ cùng những rừng dương xanh mát phù hợp để phát triển các resort chủ đề, trung tâm giải trí, thể thao biển. Hải Tiến và Pù Luông cũng được đánh giá là hai khu vực nhiều tiềm năng du lịch tại tỉnh Thanh Hóa, có thể sánh ngang với TP Sầm Sơn", bà Hải đánh giá.
Theo một chuyên gia, 5-7 năm gần đây, các tỉnh miền Trung, trong đó có Thanh Hóa có ba thay đổi lớn liên quan tới chính sách: diện mạo của du lịch cùng sự bứt phá của bất động sản nghỉ dưỡng; nhiều khu kinh tế, trung tâm công nghiệp có sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ; khả năng kết nối với các địa phương trong cả nước, với ASEAN và thế giới.
Hiện nay, Thanh Hoá đã sở hữu hạ tầng giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Tỉnh có cửa khẩu quốc tế với nước Lào; cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn, là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh Bắc Lào.
Để mở đường cho kinh tế phát triển, chính quyền Thanh Hóa cũng có kế hoạch rót gần 35.000 tỷ đồng vào 43 dự án giao thông, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ sẽ là lực đẩy cho tỉnh này chạm tới mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới trong "tứ giác phát triển" khu vực phía Bắc, cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Thanh Hoá còn hơn 2 tiếng, tạo thuận lợi trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng được ví là "Việt Nam thu nhỏ", với nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch. Tỉnh có đặc trưng của nhiều loại địa hình, các hệ sinh thái với ba vùng rõ rệt: trung du - miền núi, đồng bằng và ven biển. Địa phương này cũng sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị.
Mới đây, theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh, dù phải đối mặt với những ảnh hưởng của Covid-19, Thanh Hóa vẫn thu hút 7,3 triệu lượt khách, trong đó có 35.550 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 10.394 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo VnExpress