NHNN cho biết sẽ tiếp tục đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh khoản của nền kinh tế, ổn định thị trường ngoại hối, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm lãi suất. Trong trung hạn, NHNN sẽ hiện đại hóa công cụ chính sách tiền tệ, giảm tình trạng đô la hóa, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Phát biểu tại cuộc họp Thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF/WB) năm 2020, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết với độ mở kinh tế lớn (kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương hơn 200% GDP), khủng hoảng COVID-19 đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế trong nước qua cả kênh tổng cung và tổng cầu.
Mặc dù vậy, nhờ các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô được bình ổn, lạm phát trong 9 tháng đầu năm kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế.
Để hỗ trợ hoạt động kinh tế, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp như giảm lãi suất điều hành 3 lần kể từ đầu năm với mức giảm 1,5-2 điểm phần trăm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh khoản của nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại hối qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người dân vào đồng nội tệ, hướng dẫn các tổ chức tín dụng miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán...
Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh khoản của nền kinh tế, ổn định thị trường ngoại hối, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay.
Trong trung hạn, NHNN sẽ tiếp tục nâng cao năng lực điều hành, hiện đại hóa công cụ chính sách tiền tệ, giảm tình trạng đô la hóa, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng