Từ nhỏ tôi đã sống với bà. Bà đã hơn 80 tuổi, tóc bạc trắng mây. Bà thích uống nước vối và cũng chẳng biết từ bao giờ nước vối đã trở thành thứ nước quen thuộc như thứ nước đã nuôi lớn cả tuổi thơ tôi.
Từ nhỏ tôi đã sống với bà. Bà đã hơn 80 tuổi, tóc bạc trắng mây. Bà thích uống nước vối và cũng chẳng biết từ bao giờ nước vối đã trở thành thứ nước quen thuộc như thứ nước đã nuôi lớn cả tuổi thơ tôi.
Quê tôi không trồng cây vối, chính vì vậy, khi còn nhỏ, trong mắt tôi cây vối vẫn còn mới mẻ lắm. Nhưng qua lời kể và đôi bàn tay của bà, chén nước vối giản dị mà đậm đà hương vị trở thành thứ nước thân thuộc hàng ngày.
Bà nói với tôi vối thường mọc bên bờ suối, con ngòi, lá vối giống như lá cây doi. Vối có hai loại, một loại lá nhỏ hơn bàn tay, màu vàng xanh, thường gọi là "vối kê" hay "vối nếp". Loại thứ hai lá to hơn bàn tay, hình thoi, màu xanh thẫm gọi là "vối tẻ". Hoa vối nở rộ thành từng chùm lung linh trong tiết trời độ cuối xuân. Mỗi chùm hoa là sự đan cài của hàng trăm nụ hoa nhỏ xíu li ti . Quả vối chín có màu đỏ thẫm, giống quả bồ quân, ăn có vị hơi chát và đắng.
Mỗi lần đi chợ mua vối, bà đem rửa sạch cho vào ấm, sau đó cho nước lạnh vào đun đến sôi. Nước vối có thể uống nóng hoặc uống lạnh tùy theo sở thích của từng người trong gia đình. Nụ vối cũng được đun hoặc có thể được hãm trong nước sôi như cách hãm trà.
Nước vối có màu đỏ nâu nhạt, uống có vị đắng nhẹ, hơi ngòn ngọt, hương thơm ngai ngái. Thưởng thức từng ngụm nước vối trong miệng, bạn sẽ cảm nhận được sự mát lành, thanh khiết.
Nước vối bây giờ được bán rất nhiều tại các cửa hàng, nhưng độ thơm mát và đậm đà thì không thể sánh được với chén nước vối do chính tay bà nấu. Chén nước nhỏ bé và giản dị ấy đã đong đầy cho tất cả tình thương mà bà dành cho tôi.
Nguyễn Nguyễn