Sự kiện hot
13 năm trước

Nhộn nhịp "Làng bánh chưng" Hùng Lô ngày giáp Tết

Đến “làng bánh chưng” xã Hùng Lô những ngày áp tết mới thấy hết được không khí nhộn nhịp, những chuyến xe chở đầy lá dong xanh mượt đang kéo nối đuôi nhau về làng. Các hộ làm bánh chưng Hùng Lô đang “dốc lực” để chuẩn bị bánh phục vụ cho tết cổ truyền đang đến thật gần.

Đến “làng bánh chưng” xã Hùng Lô những ngày áp tết mới thấy hết được không khí nhộn nhịp, những chuyến xe chở đầy lá dong xanh mượt đang kéo nối đuôi nhau về làng. Các hộ làm bánh chưng Hùng Lô đang “dốc lực” để chuẩn bị bánh phục vụ cho tết cổ truyền đang đến thật gần.


Dân làng Hùng Lô gói bánh chưng dịp Tết Nguyên Đán.

Vốn được biết đến là một làng nghề truyền thống về làm bún, miến, nhiều năm trở lại đây, Hùng Lô còn được biết đến là một làng làm bánh chưng có tiếng.

Ông Nguyễn Văn Dung, Trưởng khu 2 xã cho biết, cả khu có tới hàng chục hộ vẫn nhiều năm nay “bám” nghề làm bánh chưng phục vụ ngày thường và dịp lễ tết. Làm bánh quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là dịp tết đến xuân về. Bình thường mỗi nhà chỉ làm 50-100 cái mỗi ngày thì dịp Tết phải 500 cái, có nhà làm đến 1000 cái bánh chưng các loại. Ép xong mẻ bánh vừa luộc, chị Hương lại xoay sang đảo, xóc gạo, để chuẩn bị gói lượt bánh mới, chị cho biết: Trung bình mỗi ngày chị gói 70-100kg gạo, những ngày tết khách đặt nhiều phải 200-300kg gạo mới đủ. Có nhiều năm, tối 30 tết vẫn đỏ lửa, vì mải làm cho khách quá đến lúc đó mới làm cho gia đình để cúng gia tiên.

Những ngày này, hầu hết người xã Hùng Lô thức trắng đêm để nấu bánh chưng. Chị Nguyễn Kim Oanh đã có trên 30 năm tuổi nghề kể: Nấu bánh chưng tương đối đơn giản, nhưng mình phải trực 24/24h để đốt than, pha nước trung bình 1-2 tiếng một lần, đun lửa đỏ hợp lý, đúng quy cách thì chiếc bánh mới có thể chín ngon, thơm bánh, bánh bóc ra có màu xanh, chín đều, bánh rền. Bắt đầu từ ngoài 20 tháng chạp, đêm nào cũng phải luân phiên người trong nhà để thức đêm trông bánh…

Bên cạnh bếp lửa bập bùng, anh Nguyễn Văn Ninh và chị Bùi Thị Thu Hằng kể lại câu chuyện làm bánh chưng cho lễ Quốc giỗ Đền Hùng năm 2010 với một niềm tự hào lớn: "Năm 2010, gia đình tôi được tín nhiệm giao làm 18.000 chiếc bánh chưng để xếp thành chiếc bánh chưng khổng lồ, dâng tiến Quốc Tổ Hùng Vương trong ngày chính lễ . Để làm được 18.000 chiếc bánh chưng cho kịp tiến độ của Ban tổ chức giao, cả nhà tôi đã phải “chạy đôn chạy đáo” để lo nguyên liệu. Nguyên liệu để làm được số lượng 18.000 chiếc ấy lên tới 4 tấn gạo nếp Điện Biên loại ngon, 800kg thịt lợn ba chỉ, 800kg đậu xanh và gần 10.000 chiếc lá dong. Chỉ có 2 vợ chồng gói thì không kịp, tôi phải huy động thêm cả các dì, các cô, và các cháu tập trung gói cho kịp “tiến độ.” Mấy đêm liền thay phiên nhau trông nồi bánh chưng mệt nhưng vui và tự hào vì không mấy người có được cái vinh dự ấy….”

Sau hai năm được vinh dự làm bánh cho Quốc giỗ, cứ mỗi độ tết đến xuân về là gia đình chị Hằng lại bận hơn bao giờ hết. “Khách biết tiếng nên gọi điện đặt liên tục, thậm chí có khách ở tận Hải Phòng cũng tới mua bánh chưng nhà tôi…”, chị Hằng cho biết.

Cụ Nguyễn Thị Lâm, 80 tuổi, khu 2 cho biết cụ làm bánh chưng từ nhỏ, từ khi lớn lên đã bắt đầu phụ giúp gia đình gói bánh. Gia đình cụ có truyền thống làm bánh chưng và các loại bánh khác được truyền từ bao đời nay. Theo kinh nghiệm mấy chục năm làm bánh của cụ Lâm thì muốn cho bánh chưng ngon thì phải rất cầu kì từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Đơn giản như việc chọn số lượng lá cũng phải xem thời tiết. Nếu thời tiết thuận, lạnh thì chỉ cần vừa lá, thông thường gói bộ cần 6 lá. Nếu trời nồm hoặc nóng thì phải làm nhiều lá, như vậy bánh sẽ được bảo quản lâu hơn. Gạo nấu bánh thì có nhiều loại: Gạo nếp Bắc Hà nhưng chọn loại nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu hoặc gạo nếp Điện Biên là ngon nhất. Hạt tròn, trắng, đều và dẻo. Trước khi gói bánh chỉ cần vo sạch gạo trước một giờ để ráo chứ không nên ngâm gạo qua đêm. Đậu xanh cũng phải chọn loại ngon, dẻo. Ngoài ra, bánh chưng muốn ngon, ngậy thì phải chọn được loại thịt ngon, chủ yếu là thịt ba chỉ. Đặc biệt, bánh phải được gói bằng tay, bánh sẽ rất chắc. Thời gian luộc bánh từ 7-10 tiếng…

Những năm trở lại đây, do tác động của nền kinh tế thị trường, cùng với nạn gà nhuộm màu, rau tồn dư chất kích thích tăng trưởng…chuyện “bánh chưng luộc pin” đang trở thành nỗi lo của người dân khi tết đến xuân về thì những nồi bánh chưng đại đang rực lửa trong mỗi gia đình ở Hùng Lô lại càng thêm tính đậm đà, ấm áp của phong vị Tết cổ truyền.

Ngoài trời mưa phùn xen lẫn cái rét lạnh giá của mùa Đông, thì trong mỗi ngôi nhà “làng bánh chưng” Hùng Lô lửa vẫn không ngừng đỏ. Hương vị của những chiếc bánh chưng chuẩn bị ra lò như muốn xua tan cái lạnh tê tái của những ngày cuối đông. Bên bếp lửa hồng, mỗi gia đình lại ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, ôn lại chuyện cũ, chuẩn bị đón Tết với niềm hi vọng chan chứa vào những điều tốt đẹp trong năm mới..

Vũ Bắc
TTXVN/Vietnam+

Từ khóa: