Sự kiện hot
2 năm trước

Nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh, công ty chứng khoán chỉ ra 6 mã cổ phiếu ngân hàng tiềm năng

Mirae Asset Việt Nam cho rằng tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ phục hồi bằng với mức trước đại dịch trong năm 2022 với động lực chính từ mảng bán lẻ.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2022 dự kiến sẽ vượt 13%.

Theo đó, do khu vực ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế, nên định hướng tăng trưởng tín dụng cao trong trung hạn sẽ cần được thực hiện. Trong quý I/2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ khá cao, tương đương với mức trước đại dịch (quý I/2019). 

Nhóm chuyên gia cũng kỳ vọng các khoản vay thế chấp mua nhà sẽ là động lực chính của khối ngân hàng bán lẻ vào năm 2022. Mặt khác, nhu cầu tín dụng từ khối ngân hàng doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng do kinh tế phục hồi vào năm 2022. 

Kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2011–2012, các ngân hàng đã cố gắng đa dạng hóa rủi ro tín dụng, cũng như mở rộng lợi suất danh mục tín dụng. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ do đó tăng mạnh, từ 20% năm 2011 lên hơn 40% năm 2019, gần với mức của các nền kinh tế phát triển trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, mảng trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phát triển. Công ty chứng khoán cho biết cả NHTM tư nhân và NHTM Nhà nước đang tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp (để có lợi suất cao hơn), trong đó tỷ trọng TPDN cao hơn ở Techcombank, VPBank và MB.

Công ty chứng khoán cho biết trong năm 2021, có nhiều ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thành công dẫn đến cải thiện hệ số CAR và sau đó là có thêm dư địa để mua thêm trái phiếu doanh nghiệp.  

Bên cạnh đó, thanh khoản dồi dào dự kiến vẫn được duy trì trong năm 2022. Các ngân hàng cũng tiếp tục đa dạng hóa nguồn huy động vốn. 

Trong năm 2021, việc sử dụng vốn liên ngân hàng và huy động từ các khoản vay quốc tế đã gia tăng đáng kể. Các bên cho vay ròng lớn nhất là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Eximbank trong khi các bên vay ròng lớn là VPBank, HDBank, Techcombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, MB.

Vốn huy động ròng liên ngân hàng của top 7 ngân hàng vay ròng lớn nhất nêu trên tăng 75% so với cùng kỳ. Điều này đã cho thấy dư địa thanh khoản dồi dào trong hệ thống, khiến nguồn vốn liên ngân hàng trở thành nguồn vốn chi phí thấp.

Dù vậy, nhóm chuyên gia vẫn lưu ý rằng  nợ xấu của các ngân hàng dự báo sẽ tăng nhẹ vào 2022, do kết thúc Thông tư 14. Dự báo khoảng 50% tổng các khoản nợ tái cơ cấu sẽ có khả năng cao trở thành nợ xấu 

Song, các ngân hàng đã chủ động tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như “dự phòng” lợi nhuận cho năm 2022.  Những cái tên đáng chú ý là Vietcombank, VIB, Techcombank, ACB và MB.

Về hoạt động kinh doanh, thu nhập từ lãi kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong 2022. Trong khi thu nhập ngoài lãi được kỳ vọng sẽ tích cực trở lại nhờ sự hồi phục của hoạt động banca và dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Đồng thời nguồn thu nhập đến từ việc thu hồi nợ xấu đã xóa có thể là một nguồn thu nhập đột biến. Vì vậy, mặc dù trích lập dự phòng được dự báo tăng nhẹ vào 2022 và 2023 do hệ quả của dịch COVID-19, tăng trưởng thu nhập cả từ lãi và ngoài lãi sẽ giúp bù đắp lại tác động tiêu cực lên lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022.  

6 mã cổ phiếu ngân hàng đáng lưu ý

Theo Mirae Asset Việt Nam, sau lần điều chỉnh gần đây, ngành ngân hàng đang được giao dịch tại mức PB trailing thấp so với quá khứ. Do đó, đây là cơ hội đầu tư vào các ngân hàng (đặc biệt là NHTM cổ phần tư nhân) có chất lượng tài sản tương đối tốt và có lợi thế về chi phí huy động vốn.

Bên cạnh đó, yếu tố về công nghệ cũng được dự báo sẽ có tác động lớn trực tiếp vào việc cải thiện tỷ lệ CASA của ngân hàng và cũng như lợi nhuận.

Với những phân tích trên, công ty chứng khoán đưa ra 6 mã cổ phiếu đáng lưu ý trong năm 2022 là TCB, VIB, VPB, VCB, BID, CTG. Trong đó Techcombank, VIB, VPBank là những ngân hàng tư nhân có triển vọng tăng trưởng thu nhập cao và chất lượng tài sản tương đối tốt.

Cụ thể, Techcombank dự báo có lợi nhuận ròng đạt 27.483 tỷ, tăng 18% so với năm ngoái. Thu ròng từ lãi đạt 31.870 tăng hơn 19%.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của VIB có thể đạt hơn 10.530 tỷ, tăng hơn 31% so với năm 2021. Hơn nữa cũng có thông tin ngân hàng đang đàm phán lại phí trả trước cho Hợp đồng Banca với đối tác. Dự kiến ghi nhận trong năm 2022.

Chuyên gia kỳ vọng trong năm 2022, VIB sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng với mức ROE cao nhất ngành ngân hàng với mức dự phóng là 29,4%.  

Về VPBank, mức lợi nhuận trước thuế có thể tăng đến hơn 74% so với năm 2021, đạt 25.472 tỷ đồng.  Tỷ lệ an toàn vốn cao (CAR) sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng trong trung hạn. Kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài cũng sẽ thúc đẩy CAR của VPB.

Đối với các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank là ngân hàng chất lượng tài sản tốt cũng như kỳ vọng tăng trưởng ROE vẫn ở mức cao trên 20%. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank dự báo ở mức 32.005 tỷ, tăng hơn 16%; tổng tài sản đến cuối năm là 1.588.184 tỷ, tăng hơn 12%. 

"Ông lớn" còn lại là BIDV có lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 27.424 tỷ, tăng hơn 101% so với năm 2021; tổng tài sản có thể đạt hơn 2 triệu tỷ, tăng 14%. Trong khi lợi nhuận trước thuế của Vietinbank ước đạt 22.259 tỷ, tăng  26% so với cùng kỳ.

Phương Nga
Theo Doanh Nghiệp Niêm yết

Từ khóa: