Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tiến hành thanh tra tổng thể, toàn diện các doanh nghiệp kinh doanh taxi tại Hà Nội. Kết quả thanh tra bước đầu cho thấy, hoạt động kinh doanh taxi đang còn tồn tại rất nhiều những bất cập.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tiến hành thanh tra tổng thể, toàn diện các doanh nghiệp kinh doanh taxi tại Hà Nội. Kết quả thanh tra bước đầu cho thấy, hoạt động kinh doanh taxi đang còn tồn tại rất nhiều những bất cập.
Từ đạo đức của người cầm lái
Có thể nói khi hành khách bước lên xe thì họ đã hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào người tài xế taxi. Thế nhưng với thực trạng "lộn xộn" của hoạt động kinh doanh taxi như hiện tại và sự đi xuống về đạo đức của một số không ít các tài xế thì việc sử dụng phương tiện taxi dường như đang gây ra lo lắng cho không ít hành khách khi sử dụng phương tiện này.
Mới đây nhất là việc tài xế của hãng taxi Phú Gia bắt chẹt hai đại biểu dự Đại hội đồng Interpol 6 triệu đồng cho quãng đường dài hơn 10 km. Vụ việc trên không chỉ làm xấu đi hình ảnh về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đó còn như một hồi chuông cảnh báo về ý thức nghề nghiệp của không ít tài xế taxi hiện nay.
Anh Lê Hồng Sơn (phố Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Tôi thường xuyên sử dụng taxi khi có công việc, đặc biệt khi đi công tác nước ngoài. Quả thật so với đa số những nơi tôi đã đi thì ý thức của một bộ phận tài xế taxi Việt Nam còn kém, đặc biệt là thái độ với hành khách.
Còn anh Trần Chí Trung (Mỹ Đình, Hà Nội) thì than thở: Có lần tôi sử dụng taxi để di chuyển trên một quãng đường chỉ hơn 2km, thế nhưng tài xế đòi tới gần 200.000 đồng. Khi thắc mắc thì họ chỉ trả lời gọn lỏn “đồng hồ tính tiền như vậy rồi, biết sao được”. Anh Trung cho biết thêm: “Khi sử dụng 2 hãng taxi khác nhau trên cùng một quãng đường di chuyển có lúc phải trả hai mức giá khác nhau, chênh lệch có khi lên tới gần 100.000 đồng”.
Có thể thấy thời gian gần đây, bên cạnh những gương lái xe đã được tuyên dương vì những hành động đẹp như anh Nguyễn Hữu Thuận (Khoái Châu, Hưng Yên), một tài xế hãng Mai Linh đã thức trắng đêm trả lại gần 200 triệu đồng cho hành khách; anh Nguyễn Huy Ngọc (Thanh Trì, Hà Nội), một tài xế khác của hãng Mai Linh cũng đã trả lại cho hành khách 150 triệu đồng…thì một số không ít các lái xe taxi, đa số thuộc những hãng ít tên tuổi, hoạt động manh mún và chưa có ý thức nghề nghiệp cao.
Đến hoạt động điều hành, quản lý của các hãng taxi
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, Hà Nội hiện có tới 114 hãng taxi với số đầu xe khoảng 16.000. Trong khi với số lượng đầu xe khoảng 14.000 - 15.000 thì thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 36 hãng.
Hiện nay, tình trạng taxi hoạt động manh mún và rất thiếu quy củ. Ngay tại Hà Nội, có tới 43% hãng đăng ký hoạt động với số đầu xe dưới 50 chiếc. Hãng taxi Mùa Xuân mới đây đã bị đình chỉ hoạt động với lý do là doanh nghiệp này không có bộ máy điều hành và chỉ có 5 đầu xe.
Bên cạnh đó còn tình trạng các hãng taxi chuyên bán hoặc cho thuê thương hiệu, các chủ xe chỉ cần làm việc với công ty, nộp lệ phí nhất định mỗi tháng là sẽ được cấp phù hiệu, còn họ hoạt động như thế nào trên đường thì không ai quản lý và chịu trách nhiệm. Điều này gây ra một số lượng rất lớn các taxi dù, hoạt động bát nháo. Tình trạng trên theo quy định là bị cấm, nhưng theo cơ quan chức năng thừa nhận là rất khó kiểm soát. Điển hình như hãng taxi Phú Gia cũng đã bị đình chỉ hoạt động, hãng này có 14 xe nhưng thực chất chỉ có 4 xe là thuộc công ty quản lý, còn lại 10 xe là bán thương hiệu, chủ xe chỉ phải trả 800.000 đồng mỗi tháng để gắn mác taxi Phú Gia.
Theo ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Khi cấp đăng ký kinh doanh phải có những quy định rõ về phương án kinh doanh, bộ máy quản lý và có bao nhiêu xe taxi trở lên thì mới cấp. Quy định chưa rõ ràng nên đã nảy sinh ra tình trạng hoạt động manh mún, có khi chỉ có 3 - 4 xe cũng đã thành lập một công ty và thường xuyên bán trao tay nhau”.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội xin phê duyệt đề án Quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2030. Theo đó, một trong những giải pháp mạnh nhằm quản lý tốt hoạt động taxi là trong giai đoạn từ 2012 đến 2015 sẽ tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi để xây dựng chính sách quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đề án cũng đưa ra giải pháp: taxi hoạt động trong vành đai 3 phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng. Sau năm 2015 toàn bộ taxi trên địa bàn sẽ cùng một màu sơn, khuyến khích các hãng đầu tư phương tiện hỗ trợ người khuyết tật và phải có tối thiểu 30% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch/hãng. Bên cạnh đó, đồng hồ tính cước phải in ra hóa đơn bao gồm các nội dung như: Tên hãng, số điện thoại, thời gian di chuyển, mã số, mã vạch đồng hồ, số tiền, phí cầu phà, số hiệu chuyến, thuế VAT, tổng chi phí…
Tại Hà Nội, tới thời điểm này Bộ Giao thông vận tải đã đình chỉ hoạt động của 4 hãng taxi đó là Mùa Xuân, Lê Gia, Phú Gia và mới đây nhất là Hồng Hưng.
Tuấn Anh
Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản