Hôm nay, ngày cả thế giới tôn vinh người phụ nữ, dành cho họ lời khen ngợi, ca tụng và những món quà hay những bó hoa tươi thắm. Tuy nhiên, tại bến “chợ người” TP. Vinh (Nghệ An) lại có những người phụ nữ trên tay không phải là những thứ "xa xỉ" đó mà là thúng mủng, cuốc liền, dao rựa… bán sức để mưu sinh, với họ không có ngày 8/3.
Hôm nay, ngày cả thế giới tôn vinh người phụ nữ, dành cho họ lời khen ngợi, ca tụng và những món quà hay những bó hoa tươi thắm. Tuy nhiên, tại bến “chợ người” TP. Vinh (Nghệ An) lại có những người phụ nữ trên tay không phải là những thứ "xa xỉ" đó mà là thúng mủng, cuốc liền, dao rựa… bán sức để mưu sinh, với họ không có ngày 8/3.
Trong những ngày này, khắp nơi trên phố phường đều ngập sắc hoa, những người phụ nữ mang áo váy xinh xắn được những “đấng mày râu” nâng niu, chiều chuộng chở đi mua quà, nghỉ ngơi, ăn uống… Còn tại cái “chợ người” này thì những “bóng hồng” lại lầm lũi với áo lao động sờn vải, chiếc nón cũ rách nát, đôi găng tay lòi những ngón tay gầy guộc xương xẩu…
Những “bóng hồng” tại Tam giác quỹ nơi gọi là “chợ người” đang chờ người thuê.
Hằng ngày, họ có mặt tại ngã ba “Tam giác quỷ” cạnh bến xe Vinh từ sáng sớm, địa điểm này được người dân địa phương gọi là “chợ người” vì nó là nơi những chị em từ các huyện lẻ tập trung về đây bán sức lao động để kiếm thu nhập.
Thường những chị em có mặt tại đây là những người không có việc làm hay những người đã làm xong mùa màng tập trung về đây để tìm bán sức lao động.
Chị Thanh – một “bóng hồng” đến từ xã Nghi Liên cho biết: “Nhà có mấy sào ruộng hai vợ chồng tranh thủ làm mấy hôm là xong, không có việc chi nên em đạp xe lên đây kiếm việc, ai thuê chi thì làm nấy. Việc chi cũng làm được hết, bốc vác, xếp gạch, phụ hồ, lau chùi nhà… đều nhận hết miễn là việc làm kiếm thu nhập”.
Chồng chị Thanh cũng tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thợ nề để kiếm thêm tiền chi phí cho con cái học hành.
Mỗi gia đình đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết họ đều là những hộ nghèo của địa phương, không có nghề ổn định, thu nhập bấp bênh.
Trời lạnh các chị phải đốt lửa sưởi ấm và làm nóng chai nước chè mang theo để uống.
“Lấy chồng được gần 4 năm ni rồi, hai vợ chồng không làm chi ra tiền nên lên đây để kiếm việc làm. Ngày có người thuê thì cũng được 50 – 70 ngàn, ngày ít thì 30 ngàn, cũng có ngày không có ai thuê thì chỉ lên đây ngồi ngửi bụi kể chuyện rồi đạp xe về thôi…”, chị Hải (29 tuổi) quê xã Nghi Kim, Nghi Lộc cười nói.
Ở cái “chợ người” này hoàn cảnh như chị Hải, chị Thanh không phải ít, nên hầu hết ai nấy cũng khó khăn và hiểu được nhau hơn. Thành ra các chị cũng có những quy định chung là nếu người nào đã được thuê thì phải nhường những người chưa được thuê để cuối ngày ai cũng đưa về cho gia đình có được chút tiền chi tiêu trong ngày.
Có mặt tại “chợ” cả ngày, các chị mang theo cặp lồng cơm để buổi trưa ở lại ăn tranh thủ rồi chờ người đến thuê việc. Lật những chiếc cặp lồng, có khi là cái hộp nhựa được đậy nắp cẩn thận, bữa trưa đạm bạc chẳng có gì ngoài lưng cơm trắng nấu từ buổi sáng mang đi đã nguội lạnh, chút dưa muối mặn, miếng cá kho mặn, có người thì luộc quả trứng chấm muối ăn qua bữa trưa.
Do tất cả đều xuất thân từ hoàn cảnh tương tự nhau nên bữa trưa các chị thường ngồi cùng ăn chung với nhau, người có cá góp cá, người có cà góp cà, người rau, người canh rau vặt…. Câu chuyện bữa trưa xoay quanh những công việc họ nhận được buổi sáng, rằng công việc vất vả không, phù hợp với sức mình không, rằng ông chủ, bà chủ thuê có tốt bụng không…
Ăn vội bữa cơm trưa dưới hè phố để đợi khách đến thuê đi làm.
Những khi không có người thuê, các chị ngồi nép vào trong hè, khi phát hiện thấy có người đang tìm người giúp việc lập tức các chị đổ xô ra để cho khách chọn. Rồi vội vàng lấy “bộ đồ nghề” của mình lao theo bóng chủ để đi làm việc.
“Nói đến thu nhập thì không thể nào nói trước được, bữa có bữa không rứa thôi. Việc thì ít, nhưng có ngày có đến gần 30 người cùng đứng đón khách thuê nên may mắn mới có được việc mà làm. Ngày mô cũng rứa thôi, ai giám nghĩ chi đến ngày 8/3, chỉ mãi lo nghĩ rằng ngày ni sẽ được thuê và trả tiền cho mình để trang trải cuộc sống thôi”, chị Ngọc (35 tuổi) tâm sự khi chúng tôi nhắc đến ngày Quốc tế phụ nữ.
Cứ thế, một ngày trôi qua và họ trở về với con, với chồng và gia đình khi mà màn đêm đã lên đèn kín phố. Nhiều hôm về đến nhà thì chồng con đã đi ngủ rồi, tắm rửa và ăn vội bát cơm nguội rồi đi ngủ để lấy sức cho buổi “chợ” sáng mai.
Đối với họ, ngày 8/3 cũng trôi qua nhẹ nhàng như những ngày bình thường khác vì những khó khăn của cuộc sống, vì miếng cơm manh áo cho gia đình, vì con cái học hành… tất cả còn đè nặng lên vai các chị, các mẹ nên họ đã bỏ qua tất cả, không giám mơ hay nghĩ đến ngày lễ thiêng liêng mà thế giới, đặc biệt là đàn ông đã dành riêng cho họ…
Ngô Toàn
Theo PLVN