Mặc dù không phải là người mê tín nhưng bà Lan từng có những giấc chiêm bao mà khi tỉnh dậy, mọi thứ như chuẩn bị xảy ra. Hay chính ông Hưng, người có thâm niên 36 năm “sang cát” cho người quá cố cũng từng gặp phải tình huống… bốc nhầm mộ.
Bà Đỗ Thị Lan trở về căn nhà nhỏ lúc 2h sáng sau khi hoàn tất công việc bốc mộ. Ảnh: Cao Tuân
Giấc mơ kỳ lạ
Xòe đôi bàn tay đầy nốt chai sần, bà Đỗ Thị Lan (ở thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) giải bày nỗi lòng qua lời tâm sự buồn: “Bàn tay này cầm tay người chết đã nhiều, nên chẳng có ai dám cầm tay của tôi nữa”. Trong năm, bà Lan kiếm sống bằng những việc làm thuê lặt vặt, lên rừng nhặt củi, đổi muối gạo, nhưng từ tháng 10 Âm lịch đến nửa đầu tháng Chạp thì bà chạy như đèn cù với công việc bốc mộ. Có đêm, một tay bà “thay áo” cho mấy nhà liền.
Bà Lan tâm sự: “Công việc này chỉ làm vào lúc nửa đêm. Khi bốc mộ, người ta kị nhất là ánh nắng mặt trời vì có ánh nắng chiếu vào sẽ làm hỏng xương người quá cố. Đặc biệt, hơi khí tích tụ dưới mộ khi cạy nắp quan tài ra cũng rất độc, ai hít phải loại khí này rất dễ bị ngất hoặc bị ám ảnh tâm lý trong thời gian dài. Theo quan niệm dân gian thì trời tối “cất nhà” cho người chết mới được mát mẻ và giúp người đó tìm đường về nhà dễ dàng hơn”.
Với bà Lan, để sống và tồn tại với cái nghề “đặc biệt” này vô cùng khó khăn. Là phụ nữ nên bà chịu không ít áp lực từ dư luận xã hội. Hơn 30 năm gắn bó với công việc bốc mộ, bà Lan có không ít kỷ niệm nghề mà khi kể đến khiến người nghe phải giật mình kinh sợ. Đó là lần bà nhận lời “sang nhà” cho một thanh niên chết trẻ ở tận Lai Châu. Vì gia đình đó có điều kiện nên khi chôn cất, quan tài được đặt làm bằng một loại gỗ rất tốt. Bản thân anh này trong thời kỳ mang bệnh cũng được gia đình chạy chữa bằng nhiều loại thuốc bổ. Có lẽ vì thế mà để cho chắc chắn, gia đình đã để đúng 6 năm sau mới quyết định “sang nhà” cho anh.
Bà Lan kể, 12h đêm, gia đình đưa bà cùng một thầy cúng xuống khu mộ làm lễ. Vì “thầy” phán chưa đến giờ lành nên việc “sang nhà” cho người thanh niên phải dời lại đến 4h sáng. Tranh thủ thời gian chờ đợi, bà Lan nằm chợp mắt lấy sức. Giấc ngủ chưa sâu, bỗng bà thấy trước mắt một thanh niên mặc áo trắng nói với bà rằng: “Đừng phá nhà, tôi vẫn còn sống nguyên vẹn đây”(?).
Giật mình tỉnh dậy, bà đem giấc mơ kỳ lạ kể với người nhà gia chủ. Gia chủ là người cẩn thận, họ bèn xin ý kiến thầy cúng. Thầy phán, người thanh niên đã chôn cất được 6 năm nên chắc chắn đã “sạch sẽ” rồi, vẫn cứ tiến hành bốc.
Khi nắp quan tài bật ra, mọi người đều giật mình bởi thi thể người thanh niên vẫn còn nguyên vẹn. Nhìn cảnh tượng đó, có người sợ hãi ngất ngay tại chỗ. Sau khi tham khảo ý kiến, gia đình đã quyết định chôn lại.
Một lần khác, nhận lời bốc mộ cho một gia đình ở xã bên, khi bà Lan đi qua ngôi mộ liền kề, bà có cảm giác như có ai níu chân lại. Phải mất đến vài phút và nhờ người khác trợ lực, bà Lan mới thoát khỏi cảm giác đó. Sau khi làm xong công việc cho gia chủ, bà không dám đi qua ngôi mộ kì bí đó nữa.
Bà Lan kể lại, đêm ấy về nhà, bà Lan lại mơ thấy một người phụ nữ với gương mặt không còn nguyên vẹn, đau đớn nhìn bà kêu cứu. Chị ta nói rằng, nhà bị sập, cơ thể đang bị côn trùng gặm nhấm, sắp mất hết chân tay. Sau khi tỉnh dậy, bà Lan vội vã đạp xe sang xã bên và tìm đến gia đình có ngôi mộ đặc biệt ấy kể hết sự tình, thân nhân của người nằm dưới mộ đã quyết định nhờ bà Lan bốc mộ cho người quá cố.
Sau khi chọn được giờ lành, bà Lan tiến hành đào mộ. Khi vừa chạm đến nắp quan tài, mọi người đều giật mình khi nhìn thấy nắp đã bị bật ra, trong hòm có rất nhiều tổ mối, kiến đang “kiếm sống”. Sau khi làm một số nghi lễ cần thiết, bà Lan vội vã “sang nhà mới” cho người đã khuất.
Những gia chủ khốn khổ vì bốc nhầm mộ
Những “ngôi nhà mới” cho người đã khuất đang được xây dựng.
Trong số những phu mộ chúng tôi gặp, câu chuyện khiến nhiều người “choáng” là trường hợp bốc nhầm mộ. Ở cái tuổi 78, nhưng đến nay ông Nguyễn Thanh Hưng (Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn còn nhớ câu chuyện này.
Ông Hưng tâm sự: “Nghề này liên quan đến người chết, đến tâm linh nên mình làm cũng phải có cái tâm, phải cực kỳ trách nhiệm. Vì nếu để xảy ra sai sót, sau này gia chủ gặp những chuyện không hay thì mình cũng mang tội. Tôi nhớ nhất là chuyện một gia đình bốc mộ cho bà cụ 80 tuổi, mất 4 năm trước. Sau khi đốt bó nhang, chúng tôi làm công việc đào mộ. Người con trai cả được giao nhiệm vụ mở các lớp vải liệm, tách quần áo, làm sạch xương cho bà cụ. Đến phần giữa cơ thể, bỗng nhiên anh ấy giật thót, rồi hét lạc cả giọng: “Sao lại mặc áo yếm? Hôm liệm cho bà rõ ràng không có”. Mọi người trong nhà tá hỏa kiểm tra, lúc đấy mới hay đã đào nhầm mộ người khác là một cô gái chết trẻ, nằm gần mộ bà cụ. Thế là gia đình ấy một mặt tìm đúng chỗ mẹ mình nằm để đào lên, làm lại từ đầu, mặt khác tìm cách thông tin cho gia chủ của ngôi mộ kia. Người nhà cô gái chết trẻ kia đến, khóc dở mếu dở vì họ chưa có ý định cải táng trong năm đó”.
Tuy nhiên vì sự đã rồi, hài cốt đã đưa lên và không thể “trả lại nguyên trạng” được nên gia đình cô gái đành nhờ ông Hưng hoàn thành nốt công việc.
Câu chuyện bốc mộ nhầm không phải là hy hữu. Bà Lê Thị Lãng (62 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội), một người làm nghề thầy cúng đã kể về trường hợp bốc mộ cho một thanh niên ngoài 30 tuổi bị đột tử. Câu chuyện xảy ra vào cuối năm 2011. Bà Lãng kể, lúc nhờ bà ra mộ phần làm lễ động thổ thì mộ bị mất bia và người nhà chỉ nhớ mang máng vị trí vì xung quanh cũng có vài ngôi mộ nằm cạnh cỏ mọc um tùm. Đất được đào lên để lộ ra phần nắp áo quan, đám trai làng dùng sức cậy mở nắp quan tài lên thì những người có mặt lúc ấy cũng được một phen “hú vía”. Đập vào mắt họ lại là thi thể của một… cụ ông đã ngoài 70 tuổi mới mất được gần 2 năm với chiếc khăn xếp và bộ quần trắng, áo the đen.
Thân nhân của cụ già biết chuyện đã làm ầm lên, họ trách móc gia đình người thanh niên kia. Sau một hồi giải thích, gia đình cậu thanh niên kia phải tạ lỗi bằng cách chịu toàn bộ chi phí cúng lễ, hoàn thổ cho gia đình kia.
Lý giải về việc này, bà Lãng cho biết, hai gia đình này chôn người thân ở vị trí sát nhau, lại bị mất bia mộ cùng với việc lâu ngày không ra thăm mộ nên dẫn tới chuyện nhầm lẫn trên.
Bà Lan kể, 12h đêm, gia đình đưa bà Lan cùng một thầy cúng xuống khu mộ làm lễ. Vì “thầy” phán chưa đến giờ lành nên việc “sang nhà” cho người thanh niên phải dời lại đến 4h sáng. Tranh thủ thời gian chờ đợi, bà Lan nằm chợp mắt lấy sức. Giấc ngủ chưa sâu, bỗng bà thấy trước mắt một thanh niên mặc áo trắng nói với bà rằng: “Đừng phá nhà, tôi vẫn còn sống nguyên vẹn đây”(?).
C.Tuân – N.Minh
Gia đình&Xã hội