Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về là du xuân, dự lễ hội. Đây là dịp để mọi người dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân và tranh thủ vui chơi, tận hưởng những ngày nghỉ an lành sau một năm làm việc và học tập.
Trên khắp cả nước, trải dọc từ Bắc tới Nam có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ, tuy nhiên, có một số lễ hội lớn, có ý nghĩa sâu sắc mà chúng ta không thể nào bỏ qua.
1. Hội Gò Đống Đa (Mùng 5 tháng Giêng)
Hội Gò Đống Đa, Hà Nội diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đặc biệt, tục Rước Rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám Rước Rồng lửa là Lễ Dâng hương, Lễ Đọc văn, Cuộc Tế diễn ra ở đình Khương Thượng, Lễ Cầu siêu ở chùa Đồng Quang…
Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn Võ thuật và Trống trận Tây Sơn, Đua thuyền, Trò chơi dân gian, Hát Tuồng... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tại quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ, lễ hội cũng được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
2. Lễ hội Căm Mường (Đầu tháng Giêng đến mùng 3 tháng 3 Âm lịch)
Dân tộc Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về thần sông, thần núi, thần khe, thần suối và thần rồng. Họ cho rằng cuộc sống có ấm no, đủ đầy hay không là nhờ các vị thần che chở. Chính vì thế, họ tổ chức Lễ hội Căm Mường để dâng lễ vật tạ ơn thần linh và cầu nguyện cho một năm sung túc, điều lành ở lại, điều dữ mang đi. Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc của người dân vùng cao mà rất nhiều du khách mong muốn được chứng kiến một lần trong tiết đầu xuân.
Lễ vật dâng thần linh tuy mộc mạc nhưng lại chứa đầy sự tỉ mỉ và được thực hiện theo nghi thức trang trọng. Mâm lễ vật bên cạnh hoa quả, rượu thịt còn có 18 chiếc thuyền giấy màu xanh lá và màu vàng. Màu xanh là tượng trưng cho rừng núi bạt ngàn, màu vàng là những cánh đồng lúa chín trổ bông, hình ảnh của một năm được mùa, no ấm.
Phần hội theo sau diễn ra rất đặc sắc với màn thổi sáo mẹ, sáo con của những chàng trai, hoà theo tiếng hát ca của những cô gái. Ngoài ra, hội còn có trò chơi ném còn quen thuộc, đẩy gậy, đá gối, té nước giải đen. Người dân tộc Lự sẽ vui chơi hết mình để tận hưởng trọn vẹn niềm vui trước khi bắt đầu cuộc sống thường ngày. Khách du lịch trong những ngày này có thể chứng kiến các nghi lễ truyền thống đặc sắc lần đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, người Lự lại kiêng không cho người lạ vào nhà nên du khách sẽ phải thuê khách sạn ở xung quanh.
3. Lễ hội đền Gióng (kéo dài từ mùng 6 Tết đến hết mùng 9 Tết)
Khai hội vào ngày 6/1 Âm lịch hàng năm, Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ Khai quang, Lễ rước, Lễ Dâng hương, Dâng Hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài Thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
4. Lễ hội Chùa Hương (kéo dài từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch)
Thuộc xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) Chùa Hương tương truyền là nơi đất Phật linh thiêng, nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành nên chỉ cần thành tâm hướng Phật, mọi nguyện cầu nhân dịp đầu xuân sẽ thành hiện thực. Quần thể chùa Hương gồm bến Đục, suối Yến, đền Trình, núi Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, động Hương Tích, suối Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa Cả và nhiều di tích tâm linh khác. Từ bến đò, người dân thường men theo đường núi để ghé thăm các đền, miếu dọc đường, cuối cùng là chùa Thiên Trù và động Hương Tích.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài nhất cả nước. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh. Thông thường, các du khách thường trẩy hội chùa Hương trọn vẹn trong một ngày. Họ bắt đầu sắm lễ sẵn và xuất phát từ đêm để đường xá thông thoáng và kịp về trong chiều.
5. Hội Lim (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch)
Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có nguồn gốc từ hội Chùa, hội Hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương. Đây là lễ hội lớn nhất tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng với làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, trữ tình và sâu lắng, điển hình của vùng Bắc Bộ.
Hội Lim đến nay được đánh giá là gìn giữ bền vững những nét đẹp của lễ hội truyền thống Việt Nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhiều du khách thập phương đã tìm đến Hội Lim để được sống trong một không gian có đủ tiết xuân, âm nhạc, thơ ca, trang phục và cả những trò chơi dân gian vui nhộn.
Các làn điệu quan họ với nội dung ca ngợi công lao dựng và giữ nước của các anh hùng dân tộc, hát về cảnh đẹp đồng quê, về sản xuất lao động và hát về tình yêu đôi lứa. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng đều khiến làm say đắm lòng người. Ngoài ra, du khách được trực tiếp tham gia vào các trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.
6. Lễ hội Cầu Ngư (Ngày 12 tháng Giêng âm lịch)
Ở miền Trung, vào ngày Tết, những ngư dân tại Thừa Thiên Huế lại tất bật chuẩn bị cho lễ hội Cầu Ngư, một nghi lễ quan trọng cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe và cuộc sống người chài lưới thêm sung túc.
Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức 3 năm một lần còn là cách mà người dân làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà tỏ lòng tưởng nhớ vị thành hoàng của làng Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.
Phần hội ở đây rất đặc biệt với nhiều trò diễn hài hước, phóng khoáng nhưng tái hiện toàn bộ cuộc sống của người dân địa phương. Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, giạ xúc ruốc, bủa lưới nậu lưới… Đám trẻ trong làng sẽ mặc trang phục hoá trang thành những con cá nhỏ, người lớn thì quây thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh người ngư dân đánh bắt được cá, giữ và không cho cá thoát ra. Kết thúc hoạt cảnh diễn trò cầu ngư là hình ảnh những con tàu đánh bắt xa khơi của ngư dân trở về bến với cá, tôm, mực đầy khoang.
Lễ hội Cầu Ngư còn có cuộc thi đua trải sôi động, quy tụ rất nhiều tay chèo xuất sắc của vùng. Trải là những chiếc ghe có thể tháo rời các bộ phận, thường được làm bằng các loại gỗ quý hiếm và dùng nhiều kỹ thuật chuyên môn của thợ làm trải.
7. Khai ấn Đền Trần, Nam Định (từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch)
Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm).
Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Hầu hết du khách tới lễ hội Đền Trần đều mong muốn có một tờ ấn và mong ước được thăng tiến trong nghề nghiệp. Ngoài lễ phát ấn, lễ hội còn tổ chức những hoạt động truyền thống như: Múa rồng, múa lân, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người… để phục vụ du khách tham quan.
8. Lễ hội Núi Bà Đen (từ chiều 30 Tết Nguyên đán đến hết tháng 2 âm lịch)
Trong dịp đầu xuân ấm áp ở phương Nam, người dân thường rủ nhau lên Núi Bà Đen ở Tây Ninh để viếng Bà, nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, tài lộc. Núi Bà Đen cao 986 m, là ngọn núi cao nhất Nam bộ. Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu.
Điện Bà nằm ở lưng chừng núi với bức tượng Bà được tạc bằng đồng đen, khoác trên mình y phục lộng lẫy và trang sức lấp lánh. Leo bộ lên núi viếng Bà là cách mà người dân thể hiện lòng sùng kính. Bên trong điện lúc nào cũng mát rượi dù cho bên ngoài có nắng nóng thế nào. Với những thương nhân, họ quan niệm rằng đầu năm đến viếng và “vay mượn” Bà, nhờ vía Bà, lộc Bà, cả năm sẽ làm ăn thuận lợi, tài lộc kéo về rồi đến ngày vía Bà đi trả lễ, tạ ơn Bà.
Bảo An
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng