Sự kiện hot
11 năm trước

Những “ngọn đèn biển” trên đảo Bạch Long Vỹ

Dantin - “Các anh em chú ý, bến đảo đang rất đông tàu thuyền đánh cá neo đậu, bật đèn phát tín hiệu để tàu khách cập bến đúng nơi an toàn.” “Báo hiệu để tàu đánh cá số hiệu TH 509 cách bờ 12 hải lý về phía Bắc tránh tàu đối diện nhanh!”…

Dantin - “Các anh em chú ý, bến đảo đang rất đông tàu thuyền đánh cá neo đậu, bật đèn phát tín hiệu để tàu khách cập bến đúng nơi an toàn.” “Báo hiệu để tàu đánh cá số hiệu TH 509 cách bờ 12 hải lý về phía Bắc tránh tàu đối diện nhanh!”…Những mệnh lệnh của trạm trưởng ngọn hải đăng Bạch Long Vỹ Bùi Đăng Kim được anh em nhanh chóng thực hiện và thoăn thoắt leo lên tầng tháp hải đăng thao tác.


Ngọn hải đăng BLV

Đó chỉ là một trong những giờ “ốp” của chín anh em ngày ngày trông giữ ngọn hải đăng đảo Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng) và được mọi người gọi là chín “ngọn đèn biển”.

Anh em trông ngọn hải đăng gọi mỗi ca trực của mình là “ốp” của dân khí tượng. “Mỗi ngày chia làm năm ca “ốp” :Sáng, trưa, chiều, tối và đêm, đây là những giờ có thủy triều hoặc biển động. Mọi hoạt động của đèn đều được vận hành bằng máy móc điện tử nhưng anh em lúc nào cũng phải căng mắt, căng tai theo dõi biển để xem hướng gió, cấp độ sóng. Còn những giờ khác, đèn tự động vận hành nhưng anh em vẫn phải trực theo dõi những biến động bất thường để tàu bè đi lại, cập bến đảo an toàn”, Trạm trưởng Kim cho biết.

Đêm “ốp” trắng

Đêm, ca trực của anh Lưu Văn Đức, 34 tuổi (quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng) cùng hai anh khác trở nên khó khăn hơn vì tốc độ gió và sóng biển thay đổi liên tục, trời lại rải sương mù âm u bốn phía . Mải miết điều chỉnh đèn báo hiệu cho thuyền đi lại cập bến đêm, anh Đức và hai anh khác không nói một lời. “Tai nạn trên biển đêm là hay xảy ra nhất, đặc biệt là khi sương mù như hôm nay, hải đăng phải thật chính xác”, anh Đức giải thích

Ca “ốp” của anh Đức kết thúc lúc 2 g sáng. Họ nấu nồi bát cháo cá ăn vội mà mắt díp lại vì buồn ngủ và mệt mỏi. “Những ngày sóng yên, biển lặng không sao, chỉ sợ những đêm gió mùa đông bắc tràn về từ biển, rét căm căm gấp mấy lần trong đất liền, anh em ngại mấy vẫn phải leo lên tầng tháp để “ốp” tàu thuyền biết để tránh gió. “Ốp” xong rồi chân tay tê cứng, chỉ nghe hai hàm răng mình va lập cập vào nhau và không tài nào ngủ lại được nữa vì quá giấc”, anh Đức tâm sự.

Nhưng theo trạm trưởng Bùi Đăng Kim, những lúc gió to sóng lớn hay bão biển ập đến thì chính là những đêm anh em không bao giờ ngủ yên. Giờ “ốp” báo hiệu cho tàu thuyền neo đậu tránh sóng, tránh bão được tăng ca liên tục, ánh đèn hải đăng sẽ được điều khiển quét sáng khắp bán kính 26 hải lý (khoảng 50 km). “Bão cấp 6 trở lên, anh em trực 100 % và chỉ ngủ sau khi bão tan”, Trạm trưởng Kim nói. Đêm như thế, các anh em ở ngọn hải đăng gọi là đêm “ốp trắng”.

Hải đăng là nhà, đảo là quê hương


Lau kính hải đăng, một trong những động tác đầu tiên của ca “ốp”

“Thực phẩm không thiếu, gà lợn, rau xanh anh em tăng gia được cả. Nước ngọt tiết kiệm cũng đủ dùng. Cái thiếu mà anh em không biết làm cách nào khắc phục được là thiếu…người!. Nhớ nhà thì đã rõ ràng, buồn đến phát khóc. Những lúc ấy anh em “thèm” người kinh khủng. Chỉ mong có một ai đó, một khách lạ không quen biết đến thăm cũng được để nói chuyện đất liền cho đỡ nhớ”, trạm phó Hải đăng Tạ Quang Hồng tâm sự.

Ra biển đúng ngày vợ sinh con, đến khi con trai hơn một năm tuổi, anh Đặng Xuân Thịnh (quê Cát Hải, Hải Phòng) vẫn chưa được về thăm nhà. Nhớ nhà, được, nhớ vợ con gia đình, anh Thịnh “Nhiều lần gọi điện về nhà, vợ chuyển máy nghe giọng bập bẹ của con trai gọi “ba ơi” mà mình muốn khóc”, anh Thịnh tâm sự. Anh kể: Mình có gia đình riêng, có vợ và con trai để nhớ, chứ có anh em chưa vợ, nhiều lúc tranh thủ giờ nghỉ “ốp” chạy nhanh ra bến đảo ngắm những tàu thuyền đánh cá và người đất liền cập bến cho đỡ thèm. “Những lần tàu đất liền cập bến, ai nhờ việc gì cũng làm, không nhờ cũng xắn tay vào làm giúp. Người ta hỏi nhà ở đâu, mấy anh em chỉ lắc đầu cười: “Ở trên ngọn hải đăng kia”. “Thế thì buồn chết nhỉ?”. “Không buồn đâu, vì luôn có tàu thuyền an toàn cập bến. Người dân hiểu và cười là mình cảm thấy ấm lòng” , anh Phạm Văn Dương, 25 tuổi (quê ở Hải Dương) chưa có vợ, làm nhiệm vụ đã 4 năm tại hải đăng kể.

“Cả chín anh em trực ngọn hải đăng đều quê ở đất liền cả nên ai cũng mắc bệnh “thèm” người như thế nhưng hễ anh em nào được về nhà nghỉ lại nhớ biển không chịu nổi”, trạm phó Hồng nói thêm. Trạm phó Hồng kể chuyện: Có “lính” của mình là Đỗ Văn Tuyến (quê ở Cát Hải, Hải Phòng) được nghỉ một tháng thay ca (ở đây, mỗi anh em trực ba tháng được nghỉ một tháng- PV), tranh thủ về quê tìm người yêu và cưới vợ. “Cứ tưởng nó ở lỳ nhà cúp phép luôn vì lúc về sốt sắng và háo hức lắm. Ai dè, chỉ mới tuần sau đã thấy cậu ta vác ba lô theo tàu đánh cá mò ra đảo”. Hỏi chuyện, Tuyến bảo: “Nhiều anh em cũng vậy thôi. Nhớ nhà, về thăm nhà mấy ngày lại thấy cồn cào nhớ hải đăng nhớ đảo. Ở lâu, anh em coi hải đăng là nhà, đảo cũng là quê hương thứ hai rồi”.

“Người dân trên đảo Bạch Long Vỹ, kể cả những tàu ngư dân đánh cá ở các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi.. khi cập cảng đều thỉnh thoảng leo lên hải đăng hỏi thăm anh em và cho quà liên tục. Có khi, tàu ngư dân còn đem cho anh em cả những con cá tươi nhất, ngon nhất vừa đánh được “để anh em khỏi phải mua, để dành tiền gửi về cho gia đình”. Anh em ở đây có được thế cũng ấm lòng”, Trạm trưởng Bùi Đăng Kim nói.

Lâm Vĩnh Bình

Từ khóa: