Một cô gái mù nấu ăn không chuyên tiến xa trên đấu trường MasterChef của Mỹ. Một đầu bếp lão luyện mang về cúp vàng sau cuộc thi ẩm thực quốc tế Bắc Kinh. Họ buộc thế giới phải xướng danh ẩm thực Việt Nam.
Một cô gái mù nấu ăn không chuyên tiến xa trên đấu trường MasterChef của Mỹ. Một đầu bếp lão luyện mang về cúp vàng sau cuộc thi ẩm thực quốc tế Bắc Kinh. Họ buộc thế giới phải xướng danh ẩm thực Việt Nam.
“Đó là cách ăn của người Việt”
Trong một thế giới toàn dao sắc, lửa nóng, chén bát dễ vỡ…, một cô gái mù nhỏ nhắn đã vượt qua khoảng 30.000 người sáng mắt để lọt vào top 36 thí sinh dự chung kết cuộc thi truyền hình nổi tiếng MasterChef tại Mỹ. Sau 11 tập, chỉ còn lại 8 người giỏi nhất, trong đó có người mù duy nhất từng dự thi MasterChef trên toàn thế giới này. Hẳn ai cũng biết đó là Christine Hà, cô gái Mỹ gốc Việt đến từ Houston (Texas) này mắc một chứng bệnh về thần kinh khiến bắt đầu giảm thị lực từ năm 19 tuổi và bị mù hoàn toàn từ năm 27 tuổi. Hà đã làm lay động bao trái tim của khán giả khi phô diễn niềm đam mê nấu nướng cháy bỏng của mình với một đôi mắt hầu như không nhìn thấy. Thiếu ánh sáng từ đôi mắt, Hà đã nấu bằng tình yêu từ trái tim!
|
Sở hữu nụ cười rạng rỡ nhưng Christine Hà cũng là thí sinh “mít ướt” nhất cuộc thi MasterChef Mỹ
|
Với thân hình nhỏ nhắn, nụ cười dịu hiền và đôi mắt dễ rơi lệ, Christine Hà có lẽ là ngôi sao sáng nhất trong mùa MasterChef này ở Mỹ. Cô đã làm được nhiều điều hơn là chỉ đơn thuần chứng tỏ tài năng nấu nướng. Hà kể cô đã vô cùng hạnh phúc vì truyền cảm hứng cho người khác với những lá thư của những người hâm mộ đại loại như: “Chị làm em quyết tâm phải vào cho được đội bóng của trường”.
Chứng kiến cảnh Hà lần mò với cây gậy dò đường bước vào trường quay, cảnh cô nghiêng tai lắng nghe tiếng nước reo trong nồi, cảnh cô bị kẹp chảy máu khi làm cua sống..., bao người khuyết tật và cả những người khỏe mạnh đang gặp khó khăn trong cuộc sống được tiếp thêm nghị lực. Một điều khác mà chỉ duy nhất thí sinh gốc Việt 32 tuổi này làm được ở cuộc thi là khiến cho 3 vị giám khảo “chỉ biết gầm gừ, sủa và cắn” buộc phải biểu lộ tình cảm.
Một ông Joe Bastianich có đôi mắt hình viên đạn đã nhổ cả thức ăn ra tay sau khi nếm thử món của đầu bếp tài năng Tanya (lọt vào được đến tận vòng top 11) rồi mắng xối xả, vậy mà phải rơi lệ khi chứng kiến Hà “trình bày món ăn với ánh mắt đầy hạnh phúc, tự hào, đam mê” (theo chính nhận xét của ông).
Một ông Graham Elliot “gầm gừ”: “Ai mà chẳng có khó khăn của riêng mình. Tôi thì tôi chỉ chấm dựa trên chất lượng món ăn” buộc phải “Tôi đồng ý” trước Hà. Một ông Gordon Ramsay “độc ác” nhưng đã làm cả một bài diễn văn khích lệ Hà khá dài ở tập 5, khi thấy Hà thiếu tự tin với món bánh táo của Mỹ (cô chưa từng làm, không nhìn thấy được vỏ bánh đã vàng hay chưa, không biết đường đã phủ đều mặt bánh hay chưa...): “Cái bánh trông rất đẹp, vỏ giòn, hương vị tuyệt vời… Hãy đừng nghi ngờ bản thân mình nữa. Hãy dũng cảm lên!”.
Trước khi chia tay Mike Hill - chàng đầu bếp cao bồi đáng yêu (bị loại ở tập 10), giám khảo Ramsay đã hỏi Hill rằng theo anh ta, ai sẽ chiến thắng. Hill đáp ngay: “Không nghi ngờ gì nữa, đó là người đã nấu giỏi hơn chúng tôi dù không nhìn thấy. Christine, tôi nóng lòng chờ đọc sách nấu ăn của cô”
|
Với nhiều người Việt Nam, khoảnh khắc “đã” nhất khi xem MasterChef của Mỹ là ở ngay tập 1, khi Hà trình diễn trước hàng triệu người xem truyền hình món cá trê kho tộ mà giám khảo Bastianich thốt lên là “một món tuyệt vời!”.
Người phương Tây rất dị ứng với xương, hầu hết những món ăn của họ, nhất là cá, đều phải rút hết xương, chỉ lấy phần thịt phi lê. Vậy mà Hà đã “bê” nguyên món cá dân dã của Việt Nam với từng khoanh còn nguyên xương lên cho mấy ông Mỹ chấm. Không ngoài dự kiến, Ramsay “vặn” ngay: “Tại sao bạn để cá còn xương?”. Hà bảo: “Vì thịt cá trê rất mềm, tôi không muốn nó rời ra, mất đẹp. Tôi thấy để thế hay hơn và vì đó là cách ăn của người Việt”.
Về với cội nguồn
Hai lần gần đây nhất tôi gặp Dương Huy Khải là sau khi anh vừa trở về TP.HCM từ cuộc thi nấu ăn quốc tế Bắc Kinh 2012 và sau chuyến đi tìm hiểu ẩm thực tại Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nội. Nhưng động cơ để Khải quyết định ra đi trong 2 chuyến ấy thì rất khác nhau. Khải bị động và chần chừ trước khi đến Bắc Kinh vì “mình đã già rồi, không còn đi tìm danh vọng nữa, cũng quá là nhỏ nhoi so với thế hệ đầu bếp Việt trẻ tài năng bây giờ”. Chính người bạn thân của anh, đầu bếp Martin Yan (Yan Can Cook) đã thông tin với anh về cuộc thi, giới thiệu anh với ban tổ chức, hoàn tất các thủ tục đăng ký dự thi cho anh, giới thiệu một nhà hàng ở Bắc Kinh để anh mượn tô chén dự thi... “Chẳng lẽ ông không muốn tận dụng cơ hội này để giới thiệu ẩm thực Việt Nam rộng rãi hơn ra quốc tế hay sao?” - bị Martin Yan khích, Khải đồng ý tham gia nhưng phải đến 3 ngày trước cuộc thi, anh mới thực sự quyết định. Có quá nhiều bất trắc với Khải trong một cuộc thi quốc tế có đến 200 đầu bếp từ 34 nước nhưng anh khéo léo biến chúng thành cơ may.
Đầu bếp nổi danh thế giới Martin Yan (Yan Can Cook) trong một lần trả lời phỏng vấn với phóng viên Thanh Niên đã nhận định: “Dương Huy Khải chính là một trong những đầu bếp giỏi nhất thế giới hiện nay”.
|
Chẳng hạn chỉ mượn được bộ chén đựng súp và đĩa lót dưới không tiệp màu: chén trắng đục, đĩa thì trắng trong, anh xếp khăn ăn thành quốc hoa của Việt Nam - sen - che lên trên đĩa trước khi đặt chén lên, gây ấn tượng mạnh cho giám khảo vì trình bày đẹp. Máy móc, bếp núc trục trặc, thí sinh trước lại trễ nửa tiếng… Khải là người cuối cùng “nộp bài” với món súp yến cà chua mà anh chỉ mới sáng tạo ra ngay trong lần đầu nấu ăn với yến cách đó vài tháng. Bởi thế nên món ăn của anh còn nóng hổi và khi giám khảo vừa mở nắp các chén súp ra, hương ngất ngây của sả lập tức bay ra. Huy chương vàng ở hạng mục cá nhân là điều quá bất ngờ với Khải!
|
Dương Huy Khải với chiếc cúp, huy chương vàng nấu ăn quốc tế Bắc Kinh |
Còn với chuyến đi Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nội vừa qua, anh không cần ai khích. Anh đã đặt chân khắp các vùng miền quê hương, từ bắc chí nam để tìm hiểu về ẩm thực Việt và sưu tầm những vật liệu, món ăn mới. Trở về quê hương, Khải khoe anh “trúng số”... hơi bị nhiều, nào là học được món bún tôm ở tận Châu Trúc, nào là tự làm được mắm ruột miền Trung của thời ấu thơ, nào là sáng tạo ra món cơm tấm cá cờ... Món nào anh cũng thổi vào những biến tấu rất riêng để người ăn phải nhớ mãi, sáng tạo tài tình đến độ cả đầu bếp 2 sao Michelin trứ danh Christope Pelé của Pháp phải gật gù trước món mắm ruột cá tưởng đâu ông Tây nào mới nghe cũng đã chạy làng... Anh vẫn không quên cảm giác sướng ran khi bắt gặp rất nhiều xương rồng trên đường ngao du Việt Nam, từ đó “đẻ” ra món gỏi xương rồng, bánh xương rồng, kem xương rồng...
Là học viên tốt nghiệp thủ khoa trường ẩm thực danh tiếng của Pháp Cordon Bleu Academie; là chủ nhà hàng Ana Mandara của giới thượng lưu ở San Francisco, nơi thường xuyên lui tới của các ngôi sao Hollywood như Sean Penn, Will Smith, Sheron Stone và cả những tỉ phú như Lary Ellison; là người đoạt cúp vàng cuộc thi nấu ăn quốc tế Bắc Kinh..., Khải bảo anh đang học được rất nhiều khi tìm về lại với ẩm thực của cội nguồn quê hương, rằng anh quá may mắn vì sinh ra ở một đất nước mà theo nhận định của anh, ẩm thực đứng hàng chí ít là trong top 5 thế giới. Hơn hết, anh tâm sự điều làm anh hạnh phúc nhất là được góp phần giới thiệu cho thế giới biết ẩm thực chính là “độc chiêu” của Việt Nam.
Theo Thanh Niên