Gần đây người dân Ninh Bình đang xôn xao về một bức hoạ kỳ lạ được phát hiện tại mái núi đá Cửa Chùa với những hình thù kỳ quái, lúc ẩn lúc hiện.
Gần đây người dân Ninh Bình đang xôn xao về một bức hoạ kỳ lạ được phát hiện tại mái núi đá Cửa Chùa với những hình thù kỳ quái, lúc ẩn lúc hiện.
Đi tìm thực hư của câu chuyện này, phóng viên NTNN đã đến xã Gia Vân, thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Người hành hình tội nhân
Núi đá Cửa Chùa (còn gọi là khu vực núi Thúi Thó) nằm trong Khu bảo tồn sinh thái ngập nước Vân Long, thuộc xã Gia Vân, chỉ cách trung tâm TP. Ninh Bình 17km, cách Hà Nội 82km.
Để đến được hang Thúi Thó, chúng tôi phải đi đò chừng 20 phút. Trước mắt chúng tôi hiện ra một bãi đất khá bằng phẳng, khô ráo, rộng rãi và sạch sẽ.
Vách đá như một bức tường thành khổng lồ, nghiêng chừng 70 độ, cảm giác bất cứ lúc nào vách cũng có thể đổ ụp xuống.
|
Bức họa sau khi được té nước, hiện lên người đàn ông dữ tợn với tay gươm, tay chùy.
|
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên- người đang nghiên cứu bức hoạ này cho biết, từ xa xưa các cụ già trong làng còn mò cua bắt cá ở khu đầm này đã nhìn thấy bức họa sau mỗi lần mưa to.
Từ những chỗ đá bị ướt do ngấm nước mưa hiện ra những bức hình màu đỏ, như vết xăm chìm trên "da thịt" của đá. Và cứ thế, sự ẩn hiện của những hình vẽ được người dân địa phương linh thiêng hóa thành những “hình ma, chữ quỷ”, khiến không ít người đến đây cầu lễ.
Chúng tôi tiến đến vách đá và thấy trên đó những nét mực màu đỏ rất nhạt, nét còn nét mất không thể hình dung thể hiện gì. Chỉ sau khi người lái đò chở chúng tôi đến lấy nước dưới đầm và té lên thì một cảnh tượng như trò ảo thuật hiện ra.
Từ vách đá sần sùi, trắng xóa dần hiện lên những vệt đỏ ối. Nước chảy đến đâu, sắc đỏ xuất hiện đến đó và theo thời gian màu đậm dần lên.
Khi dòng nước chảy hết một khoảnh trên phiến đá, thì hiện rõ hình ảnh một người đàn ông to lớn, đầu tròn, mắt tròn, tai dựng, mặt mũi kỳ dị cổ quái, có vẻ hung tợn, tay dang, chân dạng. Bàn tay trái của người đàn ông kỳ lạ này cầm thanh gươm nhọn có chuôi vẽ nắn nót, tay phải cầm cây chùy lớn cán dài.
Ở cổ dòng xuống một sợi dây trước bụng là hình một chiếc đầu lâu, hoặc một chiếc mặt nạ người. Dưới chân bức hình là 2 hình người khác nhỏ hơn, bị giẫm lên.
Có nước mới hiện lên
Mang những thắc mắc cùng lời đồn đại ma quỷ của bức hoạ, chúng tôi tìm đến chuyên gia PGS-TS Trình Năng Chung- Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam). Theo TS Chung thì đây là bức hoạ đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam và được gọi là loại hình nhai bích họa.
|
PGS-TS Trình Năng Chung đang nghiên cứu bức họa.
|
Và để lý giải vì sao bức hoạ lại lúc ẩn lúc hiện như lời đồn của người dân, TS Chung cho hay, bởi người xưa thường dùng chất liệu khoáng ôxít sắt có màu đỏ sẫm (một dạng đá thổ hoàng), nghiền thành bột rồi hòa với nước mà vẽ lên vách đá vôi. Phiến đá vôi sẽ hút các ôxít sắt này ngấm sâu vào thớ đá, ẩn chứa trong đó và hiện lên một cách tự nhiên trong các hang động hay vách đá dựng.
Ở vách núi có bức vẽ này, có một thời gian dài người dân địa phương đã vô tình biến thành khu lò nung vôi. Nhiệt độ rất cao tỏa ra từ lò nung đã tác tác động mạnh đến vách núi, khiến đá khô kiệt, luôn trong trạng thái háo nước khiến nét vẽ mờ dần. Chỉ khi ta té nước, đá vôi phản ứng với nước, sẽ tái hiện những màu sắc nguyên sơ.
Theo giả thuyết của PGS - TS Trình Năng Chung, bức hoạ này là của một nhóm tác giả và nội dung bức hoạ miêu tả quang cảnh buổi tra tấn hay hành hình tội nhân, khiến ông liên tưởng tới cách hành xử trong triều đại của Vua Lê Long Đĩnh.
Đã có mấy cách lý giải khác nhau về nội dung bức vẽ ở mái đá Cửa Chùa. Có người cho rằng đó là những tác phẩm của người nguyên thủy thuộc văn hóa Hòa Bình cư trú ở hang Thúi Thó gần đó. Lại có ý kiến cho rằng chúng có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan.
Theo ý kiến của PGS Trình Năng Chung, đây không thể là tác phẩm của người nguyên thủy được, bởi những người trong hình vẽ đều cầm thứ vũ khí bằng kim loại mà người nguyên thủy mới chỉ biết đến đồ đá.
Để minh chứng thêm cho nhận định của mình, TS Chung nói thêm, hai chữ “bất bình” bên cạnh bức hoạ được viết bằng chữ Hán là cùng thứ mực thổ hoàng như bức vẽ thể hiện rằng chủ nhân của dòng chữ muốn để lại một thông điệp, đại ý rằng: “Những hình phạt này gây bất bình trong thiên hạ” hay “bất bình với những chuyện trong thời cuộc”…
TS Chung cho rằng hình vẽ này là của một nhóm tác giả được vẽ trong tại một thời điểm vào khoảng 1.000 năm trước thuộc thời kỳ phong kiến.
Thanh Hà
theo Dân Việt