Nợ đọng xây dựng cơ bản tăng không được khoanh vùng trong khi công trình khởi công mới cứ mọc lên tràn lan. Sự việc đang diễn ra ở Ninh Bình.
Tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đang thực sự diễn ra ở nhiều địa phương. Thực tế tình trạng này đang khiến cho thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Theo thông tin phản ánh đến báo chí, ở Ninh Bình tình trạng dự án “đội vốn” đang được xảy ra, đặc biệt trong khi những dự án bỏ hoang kéo dài nhiều năm, gây nợ đọng lớn chưa được “khoanh vùng” thì có hàng loạt dự án mới được “mọc” lên tràn lan.
Đó là chỉ trong một thời gian ngắn đã có liên tiếp hàng loạt dự án ở tỉnh Ninh Bình được đưa ra đấu thầu dưới hình thức Khảo sát, thiết kế bản vẽ và thi công xây lắp (EC). Hình thức đấu thầu này chỉ quy định cho những dự án thực sự cấp bách về thời gian khi đã có đủ vốn.
Cụ thể đó là dự án đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình và hai Đội Quản lý thị trường. Dự án này tỉnh Ninh Bình phê duyệt. Tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ đấu giá quyền sử dụng đất và thanh lý tài sản đất của Khu trụ sở làm việc hiện tại của Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình.
Bên cạnh đó là dự án xây dựng trung tâm công tác xã hội tỉnh Ninh Bình. Dự án mở thầu gói thầu số 01 vào ngày 17/7/2016. Theo quyết định, tổng mức đầu tư dự kiến 63 tỷ 500 triệu đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.
Hàng loạt dự án mới được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư
Dự án, nâng cấp tuyến đường vào khu du lịch Kênh Gà (Giai đoạn 1) do Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Gói thầu này được mở thầu ngày 22/7/2016. Tổng mức đầu tư hơn 179 tỷ. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương thuộc chương trình phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là 112 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác giai đoạn 2016 – 2020 là 67,511 tỷ đồng.
Điển hình cho tình trạng giá trị đấu thầu cao gấp vài chục lần so với số vốn hiện được bố trí đó là dự án xây dựng Trường THPT chuyên Ninh Bình. Theo phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của UBND tỉnh Ninh Bình thì, dự án có tổng mức đầu tư hơn 396 tỷ. Nguồn vốn đó là từ ngân sách Trung ương bổ sung trong cân đối cho địa phương giai đoạn 2016 – 2020 (51%): 202.222 triệu đồng; từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất theo cơ chế đặc thù khu đất phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư: 194.292 triệu đồng.
Theo nguồn tin của phóng viên, hiện dự án này tỉnh mới bố trí được 10 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020, vậy nhưng Chủ đầu tư là Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã mở thầu (EC) với giá trị gói thầu gần 400 tỷ đồng?.
Có thể nói, việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đã có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Thế nhưng tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thực sự đáng lo ngại nếu như không có biện pháp quản lý tốt.
Dự án Trường Đại học Hoa Lư đã bỏ hoang khoảng 10 năm nay
Minh chứng rõ ràng nhất có lẽ là dự án Trường Đại học Hoa Lư do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư bị bỏ hoang khoảng 10 năm nay đã thấy phần nào tính thiếu hiệu quả. Bởi dự án này dự kiến tổng mức đầu tư xấp xỉ nghìn tỷ đồng nhưng do mới bố trí được số vốn 200 tỷ đồng nên dự án không hoàn thành được và đã bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm…
Tự thực tế trên có thể thấy rõ, khi nợ đọng xây dựng cơ bản tăng không được "khoanh vùng" trả nợ dứt điểm mà công trình khởi công mới cứ "mọc" lên như vậy thực sự đáng lo ngại.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia luật cho rằng, khi nợ đọng lớn chưa được giải quyết mà tiếp tục đầu tư dự án mới đã có dấu hiệu vi phạm chỉ thị 1792/CT-TTg Thủ tướng chính phủ.
Theo chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 và Luật Đầu tư, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31 tháng 12 năm 2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến cần phải hoàn thành năm 2012 (theo tiến độ trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2012). Số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho một số dự án đang thực hiện hoặc dự án mới nhưng phải hạn chế tối đa. Dự án mới phải là dự án thực sự cấp bách, có quyết định đầu tư thiết kế cơ sở. Quy định và trình tự ưu tiên bố trí nguồn vốn đã được thể hiện rất rõ trong Chỉ thị đó là ưu tiên trả nợ, đến công trình chuyển tiếp, hai danh mục này sau khi không còn nợ mới được phát triển thêm các công trình đầu tư mới.
Như vậy, câu hỏi đang được đặt ra, với hàng loạt dự án đầu tư nêu trên khi không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất có nguy cơ làm tăng nợ công và nợ đọng xây dựng cơ bản, vậy Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính nghĩ gì về điều này?. Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước vấn đề nợ đọng?
Có lẽ hơn lúc nào hết, Thanh Tra chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần vào cuộc quyết liệt để xử lý đúng người, đúng tội.
Theo Báo Gia đình Việt Nam