Mới đây, tại Lễ ra quân Quốc gia Chống Rác Thải Nhựa do Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND TP Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi lời kêu gọi toàn xã hội chung tay chống rác thải nhựa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề toàn cầu và việc chống rác thải nhựa ở Việt Nam được xác định là nhiệm vụ cấp bách. Thủ tướng cũng khẳng định kinh tế - xã hội - môi trường là ba trụ cột của phát triển bền vững, vì vậy phải tập trung hoàn thiện và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilông khó phân hủy.
Thực tế, theo đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, mỗi năm con người đang tạo ra 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tương đương với tổng trọng lượng của con người trên hành tinh này. Trong 10 - 15 năm tới, lượng nhựa sẽ được tạo ra gấp đôi. Ước tính, mỗi năm Việt Nam đang tạo ra 2,5 triệu tấn rác thải nhựa, lớn thứ 4 ở châu Á và là 1 trong 5 quốc gia thải ra biển 13 tấn nhựa một năm. Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông... Đáng chú ý, lượng túi nilông tăng theo từng năm. Đây chính là gánh nặng với môi trường, lâu dài có thể dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Song, để Việt Nam không còn là một trong những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới không phải là một chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi các sản phẩm túi nilon và các bao bì bằng nhựa từ lâu đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen sử dụng của đa số người tiêu dùng. Trong đó, những loại đồ nhựa dùng một lần phổ biến nhất là đầu lọc thuốc lá, đồ uống đóng chai, các loại nắp nhựa, màng bọc thực phẩm, túi đựng rau củ quả, nắp ly nước bằng nhựa, ống hút, đồ khuấy nước, túi nylon và hộp xốp mang đi.
Các chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân cần phải có sự thay đổi. Để loại trừ hiểm họa từ rác thải nhựa, trước hết cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa đại dương; từ đó, giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường; thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, giúp chính quyền, người dân và doanh nghiệp tích cực thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa, túi nilong được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi nhựa, túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng đất và nước bị ô nhiễm bởi các chất thải nhựa sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khoẻ con người.
Không những thế, nhiều loại hộp nhựa, túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp chúng dưới đất sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ,… Đặc biệt trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hoả nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất có hại cho phổi.
Hiểm họa luôn rập là thế nên có thể khẳng định rằng rác thải nhựa được coi là thách thức thứ hai toàn cầu sau biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần có những hành động thiết thực để kiểm soát, ngặn chặn phát thải rác thải nhựa để người dân Việt Nam hiện tại, các thế hệ tương lai như con cháu được sống trong môi trường trong lành. Cũng tại Lễ ra quân quốc gia Chống Rác Thải Nhựa, Thủ tướng đã nêu rõ chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thực hiện phương châm: Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Bảo An
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng