Sự kiện hot
12 năm trước

Nông dân đón lũ

Những ngày đầu tháng 6 âm lịch, nước trên các kênh rạch, nhánh sông tại các huyện, thị đầu nguồn của tỉnh đã ngầu đục phù sa, mùa nước nổi lại về. Những ngày này, mặc dù nước chưa đổ về cuồn cuộn như lúc lũ chính vụ nhưng bà con nông dân đã háo hức chuẩn bị dụng cụ để sẵn sàng khai thác các sản vật mà thiên nhiên ban tặng.

Những ngày đầu tháng 6 âm lịch, nước trên các kênh rạch, nhánh sông tại các huyện, thị đầu nguồn của tỉnh đã ngầu đục phù sa, mùa nước nổi lại về. Những ngày này, mặc dù nước chưa đổ về cuồn cuộn như lúc lũ chính vụ nhưng bà con nông dân đã háo hức chuẩn bị dụng cụ để sẵn sàng khai thác các sản vật mà thiên nhiên ban tặng.


Người dân đầu nguồn chuẩn bị dụng cụ bắt cá linh

Cũng như mọi năm, khi con nước ngoài sông đỏ ngầu, gia đình chú Nguyễn Văn Thạch - ngụ Gò Ba Cụ, ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự-Đồng Tháp soạn lại các “tay lưới” cũ, mua thêm 1 lưới cước về làm đú cá linh.

Bận rộn suốt ngày với câu lưới, vậy mà các thành viên trong gia đình chú ai cũng hớn hở. Tay vừa đương thoăn thoát tấm lưới, chú Nguyễn Văn Thạch cười phấn khởi cho biết: “Nước lên được nửa tháng rồi, con nước rằm tới đây sẽ còn lên cao nữa, tranh thủ đương mấy cái đú cho kịp để chuẩn bị đón nước tràn đồng”.

Làm được 3 cái đú bắt cá linh, cộng thêm vài tay lưới cá rô, cá mè vinh, chú Thạch bảo không có nhiều vốn mua đồ nghề nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ sống cho qua mùa nước. Cô Nguyễn Thị Thủy, vợ chú Thạch chia sẻ: “Mùa nước năm rồi, mỗi ngày tôi với ổng làm kiếm được 50 ngàn đến 60 ngàn đồng, có bữa kiếm cả trên 100 ngàn. Có cá bắt được, hàng ngày khỏi lo tiền mua cá mắm”.

Đa phần người dân xã Thường Thới Hậu A sống bằng nghề nông. Mùa nước lên, bà con dựa vào câu lưới kiếm sống, do đó hiện nhiều hộ dân đã chuẩn bị dụng cụ đánh bắt, chỉ chờ con nước tràn đồng.

Anh Mai Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A cho biết: “Mấy hôm nay, con nước quây đỏ ngầu, bà con đã đẩy xuồng ghe lên bờ trét lại. Ở đây cá lớn không còn nhiều như trước nhưng dù sao lũ về cũng là mùa bà con kiếm tiền. Xã đang chờ nước bên ngoài dâng cao, người dân trang xong đất ruộng sẽ khui bờ bao cho nước vào ruộng”.

Tại huyện Tân Hồng, người dân trong huyện cũng tất bật chuẩn bị dụng cụ đánh bắt cá mùa lũ. Vừa mới sắm cái máy 5,5 ngựa đời mới trị giá 2 triệu đồng từ tiền bán lúa vụ hè thu, anh Nguyễn Văn Móc, ngụ ấp Bắc Trang, xã Tân Công Chí khoe: “Mùa lũ năm rồi máy cũ hư hoài, năm nay tôi sắm cái máy này cho ngon lành để chở cá”.

Anh Móc còn phấn khởi cho biết, mùa lũ năm 2011 anh và người con trai lớn đi giăng lưới, chở cá bán mỗi ngày kiếm được từ 120 ngàn đến 150 ngàn đồng, nhờ đó mà đủ chi tiêu sinh hoạt cho cả 5 người trong gia đình.

Tận dụng mùa nước lên, tại huyện Tam Nông, nhiều hộ nuôi tôm càng xanh mùa lũ đã thuê ruộng và chuẩn bị sẵn con giống thả nuôi. Còn tại huyện Thanh Bình, trong khi chờ con nước tràn đồng, các ao cá nằm ngoài đất ruộng trên địa bàn huyện đã được chủ ao thả cá vào nuôi và hy vọng năm nay có một mùa lũ đẹp để cá phát triển tốt.

Chỉ tay ra ao cá phía sau nhà, chú Nguyễn Văn Phúc, ngụ ấp 1, xã Tân Mỹ, Thanh Bình phấn khởi cho biết, nhờ nước lũ mà mùa lũ năm rồi chú đỡ tốn chi phí mua dầu chạy nước vào ao, cá tra thịt ngon hơn, bán có giá nên gia đình chú thu lợi nhuận gần 80 triệu đồng. Năm nay, khi nước lũ ngoài sông vừa mới bắt đầu lên, chú hùn với một số người bạn đã thả nuôi 800 ngàn con cá tra giống cho 3 ao lớn với diện tích 28.000m2 mặt nước. Các cọc tre, lưới cước để đăng bảo vệ không cho cá ra ngoài cũng được chú chuẩn bị sẵn.

Mùa lũ ở Đồng Tháp thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch. Từ nhiều năm nay, người dân các huyện, thị đầu nguồn đã biết cách sống chung với lũ. Mùa lũ năm nay chỉ mới bắt đầu nhưng bà con đã sẵn sàng đón lũ, đón những con nước, những đàn cá từ thượng nguồn theo về.

Theo Đồng Tháp

Từ khóa: