Lợi dụng lòng tin của những người dân chất phác tại các vùng nông thôn, một số đối tượng tự giới thiệu là nhân viên của một trang mạng tìm đến tận nhà thuyết phục họ “quảng cáo” mô hình làm ăn kinh tế. Chịu mất một số tiền không nhỏ, nhưng khi được hỏi thì nông dân lại mù mờ chẳng biết mạng là gì ?...
Lợi dụng lòng tin của những người dân chất phác tại các vùng nông thôn, một số đối tượng tự giới thiệu là nhân viên của một trang mạng tìm đến tận nhà thuyết phục họ “quảng cáo” mô hình làm ăn kinh tế. Chịu mất một số tiền không nhỏ, nhưng khi được hỏi thì nông dân lại mù mờ chẳng biết mạng là gì ?...
Trong một dịp công tác tại thị xã Tân Châu, chúng tôi được cán bộ Hội Nông dân nơi đây cho biết, thời gian gần đây có người xưng là nhân viên của một trang mạng quảng cáo đề nghị Hội Nông dân xã giới thiệu mô hình nuôi lươn để đăng với chi phí 8 triệu đồng. “Lúc đầu họ hỏi thăm tình hình nông nghiệp, sau thì đặt vấn đề quảng cáo. Không có nhu cầu nên chúng tôi lựa lời từ chối ngay”. Từ thông tin này, phóng viên Báo An Giang có cơ hội tìm hiểu rõ hơn. Theo chân anh Võ Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa (huyện Phú Tân), chúng tôi đến nhà ông Ng. P. L. để lấy tư liệu viết bài về mô hình nuôi vịt an toàn sinh học. Mặc dù đã được cán bộ địa phương giới thiệu hẳn hòi, nhưng những phút đầu tiếp xúc, vợ chồng nông dân này khá e dè. Hỏi ra thì mới hay, trước đó họ “dính phải quả lừa” của một nhóm người làm quảng cáo nên ông bà rất bức xúc. Ông kể: “Hai đứa nó ăn mặc khá lịch sự đi xe máy tìm đến nhà tui. Tưởng là cán bộ kiểm dịch, hay của Phòng Nông nghiệp xuống làm việc nên vợ chồng tui đon đả mời vào trà nước trò chuyện. Ai ngờ…”. Theo ông thông tin, hai người (một nam, một nữ) lúc đầu giới thiệu là “người trên tỉnh” thấy mô hình chăn nuôi hay nên tìm hiểu. Hỏi nhiều về kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời tham quan chụp hình mô hình chăn nuôi vịt rồi đặt vấn đề quảng cáo trên trang mạng. Họ đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục, mở sổ sách chứng minh nhiều nông dân nhờ đăng quảng cáo trên mạng mà “ăn nên làm ra”… Gia đình ông L. làm nghề chăn nuôi nhiều năm nay, mô hình nuôi vịt siêu thịt đạt hiệu quả cao, mang về cho thu nhập rất khấm khá… Nếu quảng cáo cũng dễ bán sản phẩm hơn. Nghe bùi tai, vợ chồng ông đồng ý chi 1,1 triệu đồng để hai người này viết bài đăng quảng cáo trên mạng.
|
Ông Ng. P. L.
|
Khi chúng tôi hỏi địa chỉ trang mạng thì vợ chồng ông nhìn nhau cười trừ. “Mạng là gì vợ chồng tui hoàn toàn mờ mịt. Mạng miếc gì có biết đâu, chỉ nghe nói là đăng quảng cáo thì nhiều người biết đến nên chi tiền”, ông lý giải. Ông bà còn cho hay, có hợp đồng quảng cáo nhưng trong tay ông bà cũng không được giữ một bản nào. Vợ ông L. nói: “Hai đứa chừng 25,26 tuổi, lễ phép trước bà, sau ông nên chúng tôi tin tưởng không suy nghĩ gì nhiều!”. Đáng nói là thời gian gần đây lại có một người nam gọi điện thoại đến đòi chi thêm 5 triệu đồng tiền quảng cáo, kêu ông bà chuyển nhanh qua tài khoản. Ông kiên quyết từ chối, dọa báo với chính quyền nên họ không gọi nữa.
“Sau này tụi tui cân nhắc hơn với loại quảng cáo như vầy!...”, lão nông rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Qua vụ việc trên, nông dân cần thận trọng hơn với những mời gọi đăng quảng cáo trên mạng để tránh mất tiền vô ích. Đồng thời, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức cảnh giác và có biện pháp ngăn chặn các đối tượng giở trò gạt gẫm nông dân.
KHÔI NGUYÊN
theo Angiang