Sự kiện hot
9 năm trước

Nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Nai: Đầu tư nhiều, thu lãi lớn

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua tỉnh rất chú trọng trong việc đưa những kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.


(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Tiêu biểu như chương trình sử dụng giống mới trong sản xuất đã cải tạo đưa giống mới với năng suất, chất lượng cao cho hầu hết diện tích các cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh như xoài, càphê, sầu riêng, chôm chôm.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây trồng chủ lực với tổng diện tích trên 43.500ha; trong đó có hơn 1.300ha diện tích được khảo sát điều kiện đất, nước để quy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả an toàn.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình chăn nuôi gà chuồng mát có hệ thống lấy phân tự động của trại gà Lâm Thanh Ðức, ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); mô hình nuôi gà đẻ trứng có hàm lượng Omega 3 cao của Công ty Thiên Minh Ân, ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom); mô hình nuôi lợn chuồng kín tại trang trại Hoàng Kim Thanh, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc); mô hình sản xuất nấm mèo giống, nuôi trồng nấm của Công ty sinh học Công Thành, phường Xuân An (thị xã Long Khánh); mô hình trồng bưởi thâm canh cho năng suất 27 tấn trái/ha/năm của ông Vũ Văn Nhượng, tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú)...

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện quy hoạch, chuyển đổi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình này vừa cho ra thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, vừa thân thiện với môi trường....

Bên cạnh đó, rất nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã được nhân rộng. Cụ thể như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ với mô hình 2 vụ ngô, 1 vụ lúa; mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất; xây dựng vùng nông nghiệp thực hành tốt (GAP); công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học.

"Mặc dù nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai vẫn ở giai đoạn đầu phát triển nhưng đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), Tổng Công ty Tín Nghĩa, Công ty trách nhiệm hữu hạn cacao Trọng Đức... Các doanh nghiệp này là những “đầu tàu” để thay đổi cho nền sản xuất nông nghiệp mới sau này," ông Đạo cho biết.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nông ở huyện Cẩm Mỹ là doanh nghiệp đi tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai. Hàng năm, công ty đều tổ chức “Ngày hội ruộng đồng,” đưa phòng thí nghiệm ra đồng, đồng hành với nông dân trong ứng dụng giống và kỹ thuật sản xuất mới. Công ty đã nghiên cứu tạo ra nhiều giống rau màu “Made in Vietnam” chất lượng cao, cạnh tranh tốt với sản phẩm nước ngoài, với doanh thu vượt qua con số 100 tỷ đồng/năm.

“Yêu cầu của đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn lớn, lộ trình dài hơi nhưng vẫn rộng cửa cho doanh nghiệp và nông dân tham gia, vì hoàn toàn có thể khởi đầu từ sản xuất nhỏ lẻ, nghiên cứu bằng phương pháp thủ công rồi đầu tư từng bước theo lộ trình đã định. Vấn đề là phải thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu, manh mún, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất,” ông Trần Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nông cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay, Đồng Nai đã chính thức ký kết hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài việc chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, sự hợp tác này còn mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản Đồng Nai vào thị trường giàu tiềm năng này.

Hiện Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ là đầu mối tiếp nhận và chuyển giao những công nghệ hiện đại đến nông dân để mô hình hay được nhân rộng trong thực tế.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khâu sản xuất cây, con giống ứng dụng công nghệ cao và có mặt hàng xuất khẩu tốt; xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp; mô hình trồng các loại rau, củ, quả tươi có chứng nhận GlobalGAP; trồng cây dược liệu...

Lê Hiền
theo Vietnam+

Từ khóa: