Nếu chẳng may gây ra xì-căng-đan nào đó, các nhân vật chính sẽ bị đưa lên “bàn thớt” với những “nhát chém” đau đến thấu xương.
Nếu chẳng may gây ra xì-căng-đan nào đó, các nhân vật chính sẽ bị đưa lên “bàn thớt” với những “nhát chém” đau đến thấu xương.
Đã "ném" là "ném" thẳng tay
Tạo topic trên diễn đàn để bỉ bai, nói xấu ai đó vốn là chuyện không mới nhưng phải một vài năm trở lại đây, hội chứng “ném đá" ăn theo sự kiện mới tạo thành những “cú nổ”. Không cần biết xì-căng-đan to hay bé, chỉ cần nhân vật chính “bị ghét” sẽ có ngay một "rừng người" sẵn sàng đưa họ lên “bàn thớt” để "chém".
Mới đây, chỉ vì mạnh mồm bào chữa rằng “con gái tôi hát hay, không xứng đáng bị loại”, gia đình Quỳnh Anh – thí sinh tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent đã bị cư dân mạng “ném đá” tới tấp. Ban đầu chỉ là những comment sặc mùi “chợ búa” trên Youtube, sau đó lan thành hội trên Face với hơn 14.000 lượt antifan. Điều đáng nói là ngôn từ mà cư dân mạng dành cho gia đình cô bé hết sức tục tĩu, phảm cảm: “đã xấu còn xa, giọng như ma lại còn xông pha hát", “em có thể sủa bằng 6 thứ tiếng cớ sao lại loại em”... Chưa hết, xì-căng-đan này còn bị hội chế Doraemon “nhại” lại, vừa để mua vui, vừa bỉ bai, thóa mạ những nhân vật chính.
Gia đình Quỳnh Anh đã bị cư dân mạng "ném đá" không thương tiếc
Có lẽ chưa năm nào Việt Nam Idol lại “tạo bão” như năm vừa rồi. Khi Lều Phương Anh lọt vào Top 3 cuộc thi, cô đã bị hàng loạt antifan ném đá hội đồng. Từ Facebook, yahoo cá nhân cho đến các forum, lượng người bỉ bai, nói xấu cô chiếm tỷ lệ áp đảo. Thay vì công nhận sự cố gắng của Lều qua mỗi vòng thi, họ lại đua nhau “bắt lỗi” cách cô hát, biểu diễn trên sân khấu và không ngại buông “lưới chửi”. Đến khi bị out thì fan của Phương Anh lại quay sang “dìm hàng” Uyên Linh. Chỉ đến khi cả hai vào cuộc, sự việc mới dần lắng xuống.
Trước đó, Thùy Dung cũng bị cư dân mạng gán cho biệt danh là “hoa hậu đầu đất” vì xì-căng-đan “từng bị đuổi học và phải thi lại tốt nghiệp”. Có cảm tưởng như sau lưng scandal luôn tồn tại một "rừng người" rảnh đến mức chỉ chuyên đi “ném” người khác và hả hê khi thấy “con mồi” phải hứng chịu những “cơn mưa đá”.
Hoa hậu Thùy Dung từng trở thành tâm điểm của những "cơn mưa đá"
"Ném đá hội đồng" - không được phép "khác biệt"
Ngoài giọng điệu, ngôn từ đầy tính phản cảm thì một đặc điểm chung, đáng sợ hơn rất nhiều là khi đã “nhúng tay” vào, bạn không có quyền được “khác biệt”. Tức nếu có ý định bênh vực đối tượng thì người đó thể nào cũng bị các thành viên còn lại “ném” đến khi nào phải chịu thua mới thôi.
Trà My (19 tuổi) chia sẻ: “Có một lần, mình tỏ thái độ thông cảm cho một cô nàng đang bị số đông trù dập thì bị các mem khác hùa vào lăng nhục, chửi bới. Cảm thấy lời ra tiếng vào không hay, nên mình out ngay, chẳng dám comment thêm từ nào nữa dù thực lòng mình rất muốn an ủi bạn ấy”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiền và dễ dàng bỏ qua như Trà My. Rất nhiều trường hợp, do không giữ được bình tĩnh nên từ trạng thái "đang yên đang lành”, họ bỗng “nổi cơn tam bành”, lao vào “đấu khẩu” nhằm bảo vệ danh dự bản thân. Thế là, từ một người, họ quay sang “ném đá” nhiều người và “ném đá” lẫn nhau. Comment này nối tiếp comment kia khiến chuyện đôi lúc chẳng có gì ầm ĩ, bỗng được "xé ra to” và khi không kiểm soát được nữa thì những màn hỗn chiến trong thế giới ảo rất có thể sẽ dẫn đến những pha đấu đá bên ngoài cuộc sống thật.
Ảnh minh họa
"Ném đá" cũng là một dạng bạo lực
Có nhiều lý do vì sao người ta thích chơi trò “dìm hàng” này. Cảm giác hả hê khi nhìn thấy đối tượng bị chính đồng loại của mình ăn hiếp hoặc rảnh, chẳng có việc gì làm nên nhảy vào “bình loạn” cho vui. Nhưng chính sự vô tâm quá thể đó đã lại trong lòng các nạn nhân những vết thương sâu hoắm. Hành vi thóa mạ bằng ngôn từ là một dạng bạo lực về tinh thần. Bạo hành tinh thần không chỉ diễn ra trên các website, Facebook mà còn cả email, điện thoại và nó có thể cướp đi mạng sống của một con người.
Hoa hậu Thùy Dung từng bộc bạch rằng: "Sau khi kết quả học tập bị phát hiện, cô ngại đi ra ngoài vì sợ bị mọi người chỉ trỏ bàn tán. Online cũng không dám vì những comment bêu rếu kia vượt quá sức chịu đựng của mình. Cô chỉ còn biết nhốt mình trong phòng và lặng lẽ khóc".
Kết
Nhiều ý kiến cho rằng: Không có lửa làm sao có khỏi. Những hành động, tính cách “khó ưa” thì “ném đá” cũng đáng. Nhưng có nhiều cách tích cực để bạn bày tỏ quan điểm của mình thay vì "quẳng" vào ai đó những lời lẽ độc địa. Không chỉ làm tổn hại đến danh dự nạn nhân, trò đùa ác ý này còn nuôi dưỡng virus hận thù, ghen ghét bên trong bạn và biến bạn thành một con người khác. Vì thế hãy kịp phanh lại trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Xuân Hưng