Teen đừng tưởng ông bà đã già là không thể dạy chúng mình học đâu nhé!
Teen đừng tưởng ông bà đã già là không thể dạy chúng mình học đâu nhé!
Bà tớ nói tiếng Anh như… gió
Thời của ông bà chúng mình, đâu có được học ngoại ngữ. Vậy mà, rất nhiều ông bà giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Nga nữa!
Bạn Thanh Mai (chuyên Trần Phú, Hải Phòng) tự hào: “Tớ không phải dân chuyên Anh nhưng nhờ bà tớ kèm cặp mỗi ngày mà trình độ tiếng Anh của tớ được nâng cấp. Ban đầu tớ ngạc nhiên vì bà không qua trường lớp nào, vậy mà từ cấu trúc ngữ pháp đến cách phát âm của bà rất chuẩn. Dù hiện nay có nhiều từ mới nên bà chưa rõ thôi”.
Trước đây bà của Thanh Mai là du kích thời chiến tranh chống Mỹ. Lúc đầu bà cũng chỉ đi học lớp bình dân học vụ để xóa mù chữ, nhưng sau thấy như vậy vẫn chưa đủ, bà muốn mình có thể phiên dịch tốt khi cả làng bắt được giặc để lấy lời khai. Hơn nữa, “thần tượng” của bà là Bác Hồ, thấy Bác rất giỏi ngoại ngữ nên hàng ngày bà cố gắng trau dồi kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Đến giờ, thỉnh thoảng dạy Mai học, có nhiều từ bà không biết, bà lại lấy giấy bút ra ghi lại và học thuộc. Có những từ Mai phát âm chưa đúng, bà chỉnh ngay. “Tớ rất khâm phục tinh thần ham học hỏi của bà, và cả trí nhớ minh mẫn vô cùng của bà nữa. Nghe bà nói tiếng Anh hay lắm. Bà đã giúp tớ say mê học tập hơn”.
Sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn, nhưng điều ấy không làm nản chí lòng hăng say học tập của ông bà chúng mình. Ngày ấy, Việt Nam nhận được nhiều sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước anh em, đặc biệt là các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba…, nên người dân Việt cũng mong muốn biết được ngôn ngữ của nước bạn. Cho nên khi thấy ai có chút kiến thức là có thể truyền đạt lại cho người khác. Nhưng chúng tớ thấy lạ là có rất nhiều ông bà vẫn còn nhớ được kiến thức đó, dù trải qua mấy chục năm trời. Phải thực sự nghiêm túc học tập, ham mê và trau dồi hàng ngày thì ông bà mình mới có thể ghi nhớ lâu như vậy.
Nghe bà đọc "Kiều" mà "say"
Ngày nay chúng ta có rất nhiều phương tiện thông tin để giải trí. Nhưng còn thời ông bà thì sao? Cách giải trí phổ biến nhất là nghe các vở chèo, tuồng, ngâm thơ. Chính vì ngâm thơ nhiều mà ông bà mình thuộc nhiều. Thậm chí như “Truyện Kiều” có đến 3254 câu lục bát mà các cụ vẫn nhuần nhụy ngâm ca đến… làu làu! Trong khi đó, trong SGK chỉ có mấy đoạn trích thôi nhưng teen đọc ra rả mà... chữ thầy vẫn trả thầy.
Hoàng Anh và bà (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Nghe bà tớ lẩy “Kiều” là tớ say liền! Cả một quyển dài như vậy mà bà đọc thuộc. Tớ nghe đến khuya mà bà vẫn còn ngâm nga đọc nữa. Ban đầu tớ thấy mấy bạn cùng lớp khoe bà các bạn ấy thuộc “Truyện Kiều”, tớ về hỏi thử bà tớ, không ngờ bà tớ cũng vậy”- Hoàng Anh (Hà Nội) tấm tắc kể chuyện.
Bạn có biết bí quyết học thuộc thơ của ông bà mình không? Khi chúng tớ hỏi chuyện bà của Hoàng Anh, bà cười bảo rằng “Bà chẳng có bí quyết gì. Chỉ vì nhiều khi thấy buồn thì ngâm “Kiều” cho khuây khỏa. Khi đọc rồi mới thấy đúng là có nhiều người cũng khổ như cô Kiều, nên càng thấy thương, lại càng đọc và nhớ”. Bà đã cho chúng tớ hiểu rằng, hóa ra khi học Văn là mình cố gắng hóa thân vào nhân vật thì mới cảm nhận hết bài học. Và làm gì cũng vậy, phải tập trung, nghiêm túc làm việc mới đạt hiệu quả cao.
“Mỗi thời một khác”! - câu nói quen thuộc của teen nhằm biện minh cho lối sống của mình khi bố mẹ hay ông bà nhắc nhở. Dù là những người sinh ra ở thời đại trước, nhưng những tư tưởng hiện đại ngày nay ông bà cũng rất hiểu. Do đó, thỉnh thoảng teen nên thủ thỉ với ông bà, chúng tớ chắc chắn rằng bạn còn học nhiều điều thú vị nữa ở các bậc cao niên nữa đấy.
Lê Bình