Mong muốn lớn nhất của anh Sáng Phan là có thể tự trồng rau quả sạch để vợ và hai con có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe hàng ngày.
Với những người trồng rau trên sân thượng, chắc sẽ một vài lần biết đến cái tên Sáng Phan (tên thật là Phan Minh Sáng), bởi anh không chỉ là người trồng rau sạch cho gia đình mà còn tự làm tháp rau từ năm 2013.
Sẵn khoảng sân rộng, nhà mới làm, ông bố trẻ Sáng Phan đã trồng rất nhiều các loại rau ăn lá và các loại quả leo giàn như cà chua, dưa chuột, đậu cove. Anh mong muốn có đủ rau sạch để cả nhà thưởng thức hàng ngày. Có những thời điểm dư rau, anh lại hái tặng bạn bè, người thân.
Anh Sáng Phan bên gia đình nhỏ của mình.
Theo kinh nghiệm đã học được từ khi còn là sinh viên Đại học Nông lâm Thái Nguyên, cùng những kiến thức tự mày mò, tìm hiểu, anh Sáng Phan chủ yếu trồng rau trên tháp. Với anh, tạo tháp rau là cách hiệu quả tận dụng được rác thải nhà bếp, tự tạo nên một “hệ sinh thái” để cây được cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng. Vì vậy, với kinh nghiệm thực tế, anh Sáng Phan thấy trồng rau trong tháp khá tươi tốt và tốn ít công chăm sóc bởi loại tháp luôn có ưu điểm vượt trội là tự ủ phân từ rác nhà bếp.
Theo anh Sáng Phan, để có được một tháp rau vừa đẹp vừa tạo nên môi trường hiệu quả cho cây rau phát triển, anh thường chọn loại thùng sạch, có độ bền cao. Thùng có thể tích 200 lít với chu vi tháp 183cm. Tháp rau cần một tính toán khoa học như tạo độ thông thoáng, hứng nắng, độ rộng hốc trồng rau và lượng dinh dưỡng trong tháp.
Su hào trồng trên tháp.
Su su sai quả nhờ tháp rau.
Các loại rau quả được trồng xen kẽ.
Cà chua.
Dưa chuột.
Để đạt hiệu quả tốt nhất cho việc trồng rau, anh Sáng Phan khuyên nên thêm giá thể như xơ dừa, vỏ lạc, vỏ trấu, rơm rạ, giấy vụn… cùng với rác nhà bếp với tỉ lệ 1:2. Điều này giúp ống thoáng khí, thoát nước tốt và hạn chế tốc độ phân hủy để điều chỉnh cân bằng dinh dưỡng. Đây không phải là yêu cầu cần thiết của tháp rau nhưng điều này sẽ hỗ trợ cho trùn quế khỏe mạnh và cung cấp hữu cơ tốt hơn.
Anh Sáng Phan cho biết, ưu điểm vượt trội của tháp rau đó là sau 2 tháng ổn định thì tháp luôn tự bổ sung chất dinh dưỡng nhờ vào ống phân hủy rác ở giữa tháp (ruột tháp). Tuy nhiên nếu ít rác bếp có thể bổ sung phân bón hữu cơ cho tháp một vài lần/ năm.
Anh Sáng Phan cũng lưu ý, nếu để tháp thiếu ẩm trong một thời gian dài hay không lâu bổ sung rác thải nhà bếp thì trùn quế cùng các vi sinh vật có lợi sẽ chết và dinh dưỡng trong đất sẽ kém đi. Những loại rau có bộ rễ lớn sẽ nhanh làm đất bạc màu nên khi đó cần bổ sung thêm phân bón.
Đậu cove sai quả.
Điều tuyệt vời nữa đó là tháp rau có giá thể tốt sẽ giữ ẩm tốt và thoát nước tốt. Tuy nhiên, tháp rau không cần tưới nước thường xuyên hơn mức cần thiết vì dinh dưỡng trong đất có thể bị rửa trôi ra bên ngoài tháp gây lãng phí.
Tháp rau không chỉ là nơi được anh Sáng Phan trồng các loại rau ăn lá mà ngay các loại cây cho củ và cây leo giàn như bầu, bí, mướp… cũng tươi tốt và sai quả.
Ngoài trồng rau trên tháp, anh Sáng Phan còn trồng thêm trong thùng xốp và thùng phuy nhựa để tận dụng tối đa khoảng diện tích sẵn có. Anh thường lấy phân từ ruột tháp trộn đất trồng vào phuy nhựa, thùng xốp để tạo nên nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng.
Trồng cà chua trong thùng phuy nhựa.
Trồng các loại rau trong thùng xốp.
Góc vườn trên sân thượng xanh um rau quả.
Khu vườn có diện tích không lớn nhưng nhờ cách tận dụng diện tích khéo léo với đa dạng các mô hình trồng rau, anh Sáng Phan đã mang đến cho gia đình mình một không gian xanh, trong lành và nguồn thực phẩm an toàn cho sức khỏe.
Thu Thảo - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi