Ảnh hưởng từ làn sóng dịch thứ tư đã kéo lợi nhuận quý IV của VietinBank sụt giảm mạnh hơn 45% khi chi phí dự phòng tăng gấp 6 lần. Tuy nhiên, tính chung cả năm "ông lớn" Big4 này vẫn lãi gần 17.600 tỷ đồng, vượt xa những cái tên lớn của nhóm cổ phần như VPBank, MB.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.219 tỷ đồng.
Trong năm tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng 17,2% trong khi chi phí hoạt động tăng gần 7%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 22,8% so với năm trước.
Các mảng kinh doanh chính vẫn giữ đà tăng trưởng, một số mảng như kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và đặc biệt là chứng khoán đầu tư có lãi thuần sụt giảm mạnh.
Riêng trong quý IV, lợi nhuận ngân hàng giảm tới gần 46% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do chi phí dự phòng tăng cao, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm trước từ hơn 700 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng tăng tới 14,2% đạt hơn 1,53 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 11,4% đạt 1,13 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng mạnh 17,3% đạt 1,16 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, số dư nợ xấu ngân hàng tăng vọt gần gấp rưỡi con số cuối năm trước từ 9.597 tỷ đồng lên 14.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,95% lên 1,26%. Ngân hàng cũng đã tăng cường trích lập dự phòng, số dư dự phòng rủi ro cho vay tăng gấp đôi trong năm với 25.795 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết đã trích lập hơn 90% số dự phòng phải trích lập theo Thông tư 03, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 180%, cao hơn 37% so với năm 2020.
Trong năm 2022, VietinBank dự kiến kế hoặc tăng trưởng lợi nhuận từ 10% đến 20%; tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; tín dụng tăng trưởng khoảng 10% - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Diệp Bình
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết