Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã vào cuộc kiểm tra và xác định, tổng số cây bị khai thác trái phép tại rừng phòng hộ Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) là 514 cây, thuộc nhóm V đến nhóm VI, hơn 26m3 gỗ.
Như Báo Đời sống và Tiêu dùng đã phản ánh, thời gian qua, trên 10ha rừng tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã bị tàn phá. Khu vực rừng bị chặt hạ nói trên nằm tại địa bàn xã Quảng Châu, cách đường 22B chừng hơn 500m. Tại đây còn có cả một con đường được mở sâu vào trong rừng để vận chuyển gỗ ra ngoài. Rừng dẻ hàng chục năm tuổi bên cạnh cũng bị tàn phá không thương tiếc, một diện tích lớn rừng quốc phòng cũng bị chặt hạ.
Trước thực trạng trên, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch và các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra xác minh những thông tin mà báo phản ánh.
Kết quả xác định: Khu vực bị phá là rừng tự nhiên do UBND xã Quảng Châu và BCH Quân sự huyện Quảng Trạch quản lý. Đối với diện tích rừng do UBND xã Quảng Châu quản lý thuộc khu vực thực hiện Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu.
Tại hiện trường, xảy ra việc san ủi, tạo tuyến đường trái pháp luật trên diện tích rừng tự nhiên với tổng diện tích là 10,085m2. Trong đó, diện tích do UBND xã quản lý là 9,474m2, diện tích do BCH Quân sự huyện Quảng Trạch là 611m2.
Cơ quan chức năng cũng xác định, có tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật với hình thức khai thác chọn, phân bố rải rác, phần thân gỗ đã bị lấy khỏi hiện trường, tổng số cây bị khai thác là 514 cây thuộc nhóm V đến nhóm VI. Thiệt hại sau khi áp dụng tương quan để tính là 26,7m3.
Ai đã phá rừng?
Theo nhiều người dân địa phương, người trực tiếp đưa máy móc, thuê người chặt phá hơn 10ha rừng nói trên là ông Nguyễn Văn Mựu (trú thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch).
Trao đổi với phóng viên, người này thẳng thắn thừa nhận mình là người khai thác gỗ, tuy nhiên đã được sự đồng ý của Làng Thanh niên lập nghiệp xã Quảng Châu.
“Họ cho tôi vào khai thác thì tôi vào lấy thôi, nghe nói đất đó chuyển cho Làng Thanh niên lập nghiệp rồi nên khi họ cho tôi mới dám chặt”, ông Mựu nói.
Ông Hoàng Đình Vân, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch cho biết: Khu vực rừng bị chặt đã chuyển đổi sang rừng sản xuất từ năm 2004 và được giao cho Làng Thanh niên lập nghiệp xã Quảng Châu. Vị trí mở đường vào chặt phá là Làng Thanh niên lập nghiệp quản lý và có việc chặt phá sang rừng quốc phòng do Huyện đội Quảng Trạch quản lý.
Khai thác sai quy định
Ông Nguyễn Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch xác nhận: Đây là diện tích rừng phòng hộ đã được chuyển đổi và giao cho Làng Thanh niên lập nghiệp Quảng Châu. Đồng thời khẳng định việc cho người khai thác, tận thu gỗ khi chưa có phương án như vậy là sai với quy định.
“Trước khi chuyển đổi, đây là rừng phòng hộ, sau khi chuyển đổi sang rừng sản xuất thì giao cho Làng Thanh niên lập nghiệp. Theo quy định, muốn tận thu gỗ thì phải có phương án trình Hạt Kiểm lâm, được sự chấp thuận của Chi cục Kiểm lâm, còn khai thác như vậy là sai quy trình, thủ tục”, ông Lâm nói.
Theo Hạt Kiểm lâm Quảng Trạch, những người khai thác còn chặt lấn sang rừng thuộc Huyện đội Quảng Trạch quản lý.
Về phía chính quyền địa phương, ông Đàm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND xã Quảng Châu cho hay: Sau khi nhận được thông tin chặt phá rừng quân sự, địa phương có phối hợp với quân sự huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ kiểm tra thực địa. Về lý, nếu diện tích rừng vừa bị chặt đã giao cho Làng Thanh niên lập nghiệp thì đơn vị này phải phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để có phương án tận thu gỗ và giải phóng mặt bằng, tuy nhiên đơn vị này không làm đúng quy trình.
Ngoài ra, việc chặt lấn sang cả rừng do huyện đội quản lý là do xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch đi kiểm tra, phát hiện, còn không thì diện tích rừng bị phát lấn sang còn lớn hơn nữa, phức tạp nữa.
“Mình cũng tin tưởng Làng Thanh niên lập nghiệp là một cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn, không nghĩ là họ sẽ tự ý làm trái cả, họ sát với rừng phòng hộ, rừng quân sự thì lẽ ra họ phải phối hợp với mình, đây họ lại đứng ra tự làm. Ban quản lý Làng Thanh niên họ cho người ngoài vào chặt, trong địa phương thì mình nghĩ là thuê vào để san gạt chứ không biết là vào chặt rừng”, ông Vinh nói.
Nhóm PV
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng