“Phản cảm sẽ đúng khi vạch áo, khoe ngực mà không có con bên cạnh. Như vậy dù ở trong góc nhà vẫn phản cảm”, chị Nguyễn Nhàn (Vĩnh Phúc) – một người mẹ thường xuyên cho con bú nơi công cộng chia sẻ quan điểm.
Từ trước đến nay vốn xảy ra nhiều quan điểm trái chiều về việc phụ nữ cho con bú nơi công cộng. Bên cạnh những quan điểm cho rằng bà mẹ cho con bú nên kín đáo và giữ “ý tứ” thì cũng có không ít người ủng hộ việc cho trẻ bú nơi công cộng. Vì cữ bú như bữa ăn, con đói con khóc thì mẹ vạch áo, phục vụ nhu cầu của con là điều tự nhiên. Chị Nguyễn Nhàn (Vĩnh Phúc) là một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong nuôi con sữa mẹ đã chia sẻ quan điểm về việc mẹ cho con bú nơi công cộng.
Chị Nguyễn Nhàn (Vĩnh Phúc) chia sẻ quan điểm về việc mẹ cho con bú nơi công cộng.
Phản cảm sẽ đúng khi vạch áo, khoe ngực nơi công cộng mà không có con bên cạnh
Được biết bé nhà chị Nhàn 17 tháng tuổi và vẫn được bú mẹ hoàn toàn. Chị Nhàn chưa có ý định cai sữa cho con.
“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có lẽ mọi người nghe câu này quen mà chưa bao giờ thực sự hiểu về nó. Sữa mẹ chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt là kháng thể trong sữa mẹ là thứ mà không thực phẩm nào có thể thay thế được. Việc cho con bú lâu dài giúp tăng sức đề kháng của con, giúp sự phát triển về cảm xúc, giao tiếp và các hoạt động tinh của bé được phát huy tối đa.
Ngoài ra hệ thần kinh của trẻ phát triển đến năm 7 tuổi, cung hàm đến hơn 3 tuổi mới phát triển tương đối ổn định, não của trẻ đến năm 6 tuổi mới cơ bản ổn định. Việc cho con bú lâu dài giúp hệ thần kinh, não và cung hàm của bé phát triển được toàn diện và tối ưu nhất. Do đó bản thân mình và rất nhiều mẹ sữa khác không có khái niệm cai sữa cho con”. Chị Nhàn chia sẻ.
"Dù trong bất cứ tình huống nào thì hình ảnh, hành động mẹ cho con bú cũng đẹp vô cùng".
Với chị Nhàn, dù trong bất cứ tình huống nào thì hình ảnh, hành động mẹ cho con bú cũng đẹp vô cùng. Chị quan điểm rõ ràng, cũng là hành động vén áo, vạch ti nhưng khi mẹ cho con bú đó chính là lúc mẹ cho con ăn, đó là quyền lợi của các con. Nó là thiên chức, là tình yêu, là sứ mệnh của những người làm mẹ. Nghĩ sai lệch, không đồng tình vô tình lại khiến những mẹ sữa gặp khó khăn khi nuôi con sữa mẹ.
Chị nói: “Cho con bú là điều hết sức tự nhiên. Nếu lên án việc cho con bú nơi công cộng vô hình chung lại phủ nhận chính cái tồn tại, cái sự sống của bản thân chúng ta.
Phản cảm sẽ đúng khi vạch áo, khoe ngực nơi công cộng mà không có con bên cạnh. Như vậy dù ở trong góc nhà vẫn phản cảm”.
Cho con bú mọi lúc mọi nơi.
Giống như nhiều mẹ sữa khác, chị Nhàn cũng phải nghe khá nhiều lời bàn ra tán vào khi cho con bú nơi công cộng. Chị cho biết khi đó chỉ có thể cười và tiếp tục cho con bú. Tự nhận mình là người phụ nữ không được “duyên dáng” cho lắm vì bất cứ lúc nào con muốn ăn, dù là ở trong hoàn cảnh nào, chị cũng đều vạch áo cho con bú.
Chị Nhàn nhớ nhất một kỷ niệm vui của hai mẹ con khi bắt chuyến bay đầu tiên về nhà ngoại ở Daklak. Khi đi qua cửa kiểm tra an ninh, đúng lúc đó con chị nằng nặc đòi ăn. Vậy là hai mẹ con vừa kiểm tra an ninh vừa ăn. Nhân viên sân bay lúc đó còn giúp chị bỏ áo khoác, ba lô, điện thoại và hỗ trợ tối đa để chị cho con bú. Đây là kỷ niệm mà chị nhớ nhất. Vì chuyện cho con bú mà hai mẹ con trở thành tâm điểm của chuyến bay hôm đấy.
"Sống trong xã hội bây giờ việc nuôi con sữa mẹ lại trở thành một việc cần đầu tư công sức, tâm kế mới mong thành công, việc mà đáng lẽ phải là lẽ thường tình".
Vượt qua áp lực vì mọi người chê con “còi”
“Còi” do bú mẹ, phải cai sữa sớm để con ăn các thực phẩm khác, để cao lớn khỏe mạnh là suy nghĩ sai lầm nhưng rất nhiều người lại chưa nhận ra. Khi liên tục bị hỏi sao chưa cai sữa cho con, con “còi” là do bú mẹ, chị Nhàn thường bỏ qua không trả lời.
Theo chị, ngoài cân nặng của con còn rất nhiều tiêu chí khác cũng quan trọng không kém. Nếu quá tập trung vào cân nặng sẽ bỏ qua các tiêu chí khác, như vậy việc phát triển của con không còn toàn diện nữa. Ngoài cân nặng, còn phải quan tâm đến chiều cao, đến giai đoạn phát triển vận động, sự tinh nhanh của con trong xử lý các vấn đề trong cuộc sống.
Chị chia sẻ:“10 người gặp bé nhà mình thì 9 người chê còi. Áp lực lớn nhất vẫn đến từ gia đình, khi mình bị áp đặt chỉ số cân nặng của con, nếu không đạt sẽ cho con ăn sữa ngoài. Đôi khi cũng buồn vì trong hành trình nuôi con sữa mẹ không có người đồng hành. Nhưng ngược lại sự cổ vũ, đồng hành của các mẹ trong cộng đồng mẹ sữa lại là nguồn động lực để mình vững bước tiếp tục cho con bú mẹ hoàn toàn và lâu dài”.
Vượt qua áp lực vì mọi người chê con "còi".
Mặc dù chị Nhàn biết đến các kiến thức nuôi con sữa mẹ trước khi sinh bé, nhưng chị cũng thừa nhận hành trình nuôi con sữa mẹ của chị chưa bao giờ là suôn sẻ, dễ dàng.
Chị cho biết một phần do lỗi từ phía chị. Bản thân chị không chia sẻ cùng chồng được những tác hại của sữa công thức và lợi ích của sữa mẹ, cũng không “đả thông” tư tưởng được cho những thành viên trong gia đình.
Qua trải nghiệm của mình, chị Nhàn thấy rằng các mẹ sữa muốn nuôi con sữa mẹ được lâu dài và dễ dàng, thì ngoài việc tìm hiểu thật kỹ thông tin, đọc sách, gặp chuyên gia còn cần chia sẻ, đả thông tư tưởng những người hỗ trợ mình trong quá trình nuôi con.
Chị nói: “Người đầu tiên và quan trọng hơn cả là chồng, tiếp đến là mẹ chồng, mẹ đẻ để mẹ hiểu rõ con đường mình muốn đi. Nếu người nhà không hiểu thì nên để các chuyên gia nói”.
Chị Nhàn cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm duy trì sữa mẹ sau khi đi làm. Dù mẹ đi làm cả ngày, nhưng chỉ cần có quyết tâm và áp dụng đúng phương pháp, mẹ sẽ chẳng bao giờ hết sữa.
Đối với các mẹ đi làm nhưng vẫn muốn cho con bú sữa mẹ thì cần duy trì lịch vắt hút sữa đúng giờ. Có thể áp dụng lịch vắt hút sữa như tư vấn của bác sĩ Hồng Vân:
- Sáng trước khi đi làm cho con bú 1 bên vắt 1 bên.
- 3 giờ sau hút tiếp 10 phút cho 2 bên (lượng sữa lúc này không quan trọng mà quan trọng là báo hiệu cho cơ thể rằng chúng ta vẫn đang duy trì cho con bú).
- Đến giờ nghỉ trưa vắt 20 phút, 3 giờ sau vắt tiếp 10 phút. Tan làm về cho con bú 1 bên vắt 1 bên.
“Sống trong xã hội bây giờ việc nuôi con sữa mẹ lại trở thành một việc cần đầu tư công sức, tâm kế mới mong thành công, việc mà đáng lẽ phải là lẽ thường tình. Và mình cũng như các mẹ sữa đang nuôi con sữa mẹ cũng sẽ tiếp tục sứ mệnh để truyền tải, giúp đỡ các mẹ sữa đi sau, để các mẹ có hành trình nuôi con sữa mẹ thuận lợi, vui vẻ và hạnh phúc hơn”, chị Nhàn cười và nói.
Hiền Thu - (Ảnh: NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi