Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Phân tích cổ phiếu đáng quan tâm ngày 23/5

Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 0,93 điểm (giảm 0,07%) còn 1.240,71 điểm, trong khi đó chỉ số VN30 giảm 1,04 điểm (giảm 0,08%) còn 1.282,51 điểm. Độ rộng thị trường khá cân bằng, toàn thị trường có 209 mã tăng/223 mã giảm, ở rổ Vn30 có 10 cổ phiếu tăng và 17 cổ phiếu giảm. Trong khi đó nhóm midcap và nhóm smallcap đi ngược thị trường và tăng lần lượt 0,69% và 0,86%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên thị trường phiên này là: SAB (-3,93 %), MSN (-2,36%), VCB (-0,92%), GAS (-1,23%), VNM (-1,30%),… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: GVR (+3,27%), DIG (+6,32%), ACB (+1,57%), PNJ (+3,82%), MBB (+0,93%),…

Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 23/5/2022 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:

BSC: Khuyến nghị đối với cổ phiếu FCN

Theo BSC, FCN có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu và thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Đường MACD hiện vẫn đang ở dưới đường tín hiệu tuy nhiên đang có xu hướng cắt lên, đồng thời chỉ RSI đang cho thấy xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu hiện vẫn ở dưới đường MA20 và MA50.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 16.65, chốt lãi tại ngưỡng 20.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 15.5.

Nguồn: BSC

Nguồn: BSC

MBS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu GVR

MBS duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với giá mục tiêu điều chỉnh 35.400 đồng/CP, thấp hơn mức 41.500 đồng/CP trong báo cáo gần nhất do mức định giá EV/EBITDA đối với mảng kinh doanh cao su và gỗ trong khu vực giảm xuống.

Khoản thu từ bồi thường giúp lãi ròng quý I/2022 tăng mạnh 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ VRG ghi nhận 293 tỷ đồng tiền bồi thường từ Khu công nghiệp VSIP III cho việc chuyển đổi đất giúp lãi ròng đạt 1.055 tỷ đồng.

Phần thu nhập từ các hoạt động khác giúp doanh nghiệp bù đắp phần chi phí tài chính tăng lên trong kỳ do không ghi nhận hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và chứng khoán kinh doanh như quý I/2021. Doanh thu trong kỳ gần như không thay đổi trong khi biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 30% nhờ giá cao su vẫn đang ở mức cao.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong quý II/2022, ngành cao su toàn cầu tiếp tục phục hồi, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao khi nhu cầu từ các thị trường lớn tăng nhờ nới lỏng hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung cao su giảm và giá dầu thô tăng cao. Xuất khẩu cao su của Việt Nam nhờ đó sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, MBS cũng lưu ý rủi ro đối với thị trường cao su, gồm: thiếu chất bán dẫn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ô tô, gián đoạn chuỗi cung ứng và khủng hoảng địa chính trị.

Đất khu công nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ và thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 120 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước) trong quý I/2022 nhờ làn sóng đầu tư FDI mới sau khi Việt Nam tái mở cửa đi cùng với nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp hiện hữu. Thị trường bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ là điểm sáng trong năm 2022 thậm chí có thể kéo dài sang năm 2023 với giá thuê đất tăng khoảng 4%/năm (theo CBRE), đặc biệt tại các tỉnh miền Nam.

Định giá: MBS điều chỉnh giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu GVR xuống còn 35.400 đồng/CP, thấp hơn mức từ 41.500 đồng/CP trong báo cáo gần nhất do mức định giá EV/EBITDA đối với mảng kinh doanh cao su và gỗ trong khu vực giảm xuống.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Thanh Thanh

Theo KTĐU

Từ khóa: