Chiều 22/5, Ban Quản lý di tích, danh thắng Nghệ An cho biết các cán bộ Hán Nôm thuộc Ban Quản lý Di tích Danh thắng Nghệ An phát hiện 36 đạo sắc được lưu giữ cẩn thận trong nhà thờ họ Phan Vân, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành.
Chiều 22/5, Ban Quản lý di tích, danh thắng Nghệ An cho biết các cán bộ Hán Nôm thuộc Ban Quản lý Di tích Danh thắng Nghệ An phát hiện 36 đạo sắc được lưu giữ cẩn thận trong nhà thờ họ Phan Vân, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành.
|
Đạo sắc được tìm thấy ở Nghệ An.
|
Số đạo sắc trên đươc phát hiện trong đợt kiểm tra khảo sát một số di tích danh thắng trên địa bàn huyện Yên Thành, Nghệ An để thu thập thông tin phục vụ công tác nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử văn hóa dòng họ. Những đạo sắc này được phong cho 18 vị Quận công thuộc dòng họ Phan đã có công trong việc bảo vệ đất nước từ thời Lê đến thời Nguyễn như Phan Cảnh Quang, Phan Cảnh Huy, Phan Cảnh Các…
Trong số 36 đạo sắc đang được lưu giữ cẩn thận tại nhà thờ họ Phan Vân, có 16 đạo sắc có niên đại thời nhà Lê, còn lại là các đạo sắc có niên đại thời Nguyễn. Đặc biệt trong số các đạo sắc này có một đạo sắc được viết trên vải lụa gấm do vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Chính Hòa (1692) tự tiến phong sắc cho Phan Cảnh Các, một vị công thần có công lao rất lớn trong việc bảo vệ đất nước với chức vụ “Thư vệ sự tước Quận công, đặc tiến phụ Quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Yên Quận công, thượng trụ quốc, thượng giai”.
Tấm sắc phong lụa gấm này có chiều dài 1.5m, rộng 60cm, gồm 375 chữ Hán được viết theo lối chữ thảo chân phương, bên trái sắc có dấu triện ghi niên hiệu nhà vua và ngày ban sắc. Ban Quản lý Di tích, danh thắng Nghệ An cho biết đây là lần đầu tiên ở Nghệ An phát hiện được một số lượng đạo sắc lớn tại một dòng họ, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cha ông để lại.
Những đạo sắc này là kho tư liệu quý hiếm phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử, nhân vật, văn hóa dòng họ trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung bộ trong thời gian tới.
Theo Vietnam+