Sự kiện hot
13 năm trước

Phép tính đau xót ở nghĩa trang hài nhi

Xót thương cho những hài nhi bị bỏ rơi người dân làng Đồi Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã lặng lẽ thu nhặt, đem về chôn cất. Nghĩa cử cao đẹp ấy được người tiếp nối suốt hơn chục năm qua.

Xót thương cho những hài nhi bị bỏ rơi người dân làng Đồi Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã lặng lẽ thu nhặt, đem về chôn cất. Nghĩa cử cao đẹp ấy được người tiếp nối suốt hơn chục năm qua.

Thiện nguyện tiếp nối

Gọi là “tiếp nối”, bởi công việc này không phải chỉ do một, hay một vài người làm. Nhiều gia đình trong thôn, vợ mất thì chồng thay vợ, mẹ yếu thì con thay mẹ, chị bận thì em thay chị… hay hàng xóm bảo nhau cùng nhau làm.

Cả làng chung tay, chung sức, có người còn bỏ công sức đi khắp các bệnh viện, phòng khám trong vùng, xin lại những thai nhi sau khi bị nạo hút để đưa về an táng.

Không quản sớm hôm, xa xôi, bất cứ lúc nào trong làng cũng có người túc trực để đón nhận những hài nhi bất hạnh.

Những ngôi mộ hài nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc. Mỗi ngôi mộ này là nơi an nghỉ của hàng trăm hài nhi. Tổng số hài nhi ở nghĩa trang ước tính lên tới 50 – 70 nghìn.

“Ban đầu là do một vài người dân chứng kiến cảnh các “em” bị vứt bỏ trong bệnh viện, rồi nay nghe chuyện có cháu bị bỏ rơi ngoài đống rác, mai nghe chuyện có em bị để lại ven đường… quá thương xót các em nên họ nhặt, xin đem về.

Lúc đầu họ cũng chỉ dám lén lút chôn ở ngoài cánh đồng. Nhưng số lượng cứ nhiều dần, mọi người truyền tai nhau, được dân làng ủng hộ, nhường lại một ít đất ruộng để làm chỗ chôn cất” – ông Nguyễn Văn Thạo, trưởng xóm đạo Đồi Cốc kể lại nguồn gốc ra đời của nghĩa trang hài nhi.

Từ chỗ phải làm lén lút, việc thu nhận, an táng các hài nhi đã trở thành nghĩa cử cao đẹp được người dân làng trân trọng. Thôn Đồi Cốc còn cử một nhóm riêng gồm 7 người chuyên trách đảm nhiệm công việc này – nhóm có tên “Đội bảo vệ sự sống”.

“Dù là những bào thai mới hình thành thì đó cũng là một sinh linh, một sự sống cần được tôn trọng và bảo vệ. Các em bị bỏ rơi, đã không được sống trọn kiếp người, thì chúng tôi cũng muốn đưa về chôn cất để các em có nấm mồ yên mả đẹp, có nơi để cầu nguyện cho các em” – ông Thạo chia sẻ.

Hôm chúng tôi đến nghĩa trang, trời mưa tầm tã. Nhưng mưa thì kệ mưa, cô Nguyễn Thị Lập, một người làng Đồi Cốc vẫn tất tả ra thăm nghĩa trang, xem hôm nay đã có “em” nào được đưa về chưa để còn kịp thời chôn cất cho các “em”.

Cô cẩn thận hạ những chiếc túi nilon đen treo lủng lẳng trên chiếc móc ở cửa nhà kho xuống, cô Lập xót xa bảo: “Đều là những thai nhi bị “bỏ” cả đấy. Ngày nào cũng có, ít cũng khoảng chục em, nhiều thì hai, ba chục… Ai không biết thì sợ chết khiếp, nhưng người làng này thì quen rồi”.

Quả thực, việc tiếp xúc, mai táng cho những hài nhi vô tội đã trở nên quen thuộc với dân làng. Người làng ai có việc đi qua, ghé vào thăm nếu thấy có các “em” được đưa về, đều có thể tự tay chôn cất.

Trẻ con trong làng ngày ngày rủ nhau ra cầu nguyện cho các “em”, thậm chí tự tay mai táng cho các em nếu người lớn chưa làm kịp. Có những người bà, người mẹ, mới sáng tinh sương đã lặng lẽ ra đây quét dọn, hương khói để nghĩa trang bớt phần hoang lạnh.

Ở lăng thờ trong nghĩa trang lúc nào cũng đặt sẵn một cuốn sổ, để khách vãng lai và người dân làng khi ra thắp hương, cầu nguyện có thể ghi lại cảm xúc, suy nghĩ hay đơn giản một lời nguyện cầu cho những linh hồn nhỏ bé.

Ông Nguyễn Văn Thạo cho biết, hằng năm dân làng còn tổ chức lễ Thánh dành riêng cho các hài nhi ở đây vào ngày 28/12 hằng năm.

Những phép tính đau xót

Công việc thiện nguyện ở nghĩa trang hài nhi đã trở nen quen thuộc, thành một phần đời sống của người dân thôn Đồi Cốc, song có một điều mà họ không thể nào quen nổi, đó là thực tế số lượng những thai nhi bị đưa về đây mỗi ngày một tăng.

 “Các thai nhi phần nhiều mới 2, 3 tháng tuổi, mới chỉ là cục thịt nhỏ xíu nằm trong lòng bàn tay, ước chừng một lạng, hai lạng nên thủ tục chôn cất khá đơn giản. Ngày trước, chúng tôi để từng em vào những niêu đất nhỏ, gói vào mấy lần túi ni - lông rồi bọc lại vào vuông vải trắng sau đó cho vào niêu, đổ xi măng trộn vào cán phẳng.

Nhưng bây giờ, số lượng hài nhi ngày càng nhiều, mà diện tích nghĩa trang có hạn, chúng tôi phải chuyển sang để các em vào các “tiểu” để tiết kiệm diện tích. Mỗi tiểu cũng để được hai, ba chục em…” – cô Nguyễn Thị Lập, người thôn Đồi Cốc bùi ngùi nói.

Cô bảo ngày nào các em cũng được đưa về, ít thì chục em, nhiều thì hai, ba chục. Tính trung bình mỗi tuần nghĩa trang thôn Đồi Cốc cũng thu nhận khoảng 200 hài nhi xấu số. Suốt 10 năm qua, số lượng hài nhi an nghỉ tại đây cũng lên đến con số hàng chục vạn.

Nhắm mắt đầy đau xót, tỏ ý không muốn nhẩm tính, ông Nguyễn Văn Thạo trầm tư nói: “Thực sự là đếm không kể xiết. Không phải nhiều mà chúng tôi tự hào, càng nhiều lại càng đau xót. Những năm gần đây tôi nhận thấy số lượng hài nhi cũng nhiều hơn trước. Chỉ tính quanh quanh vùng này một ngày đã bao nhiêu như vậy, không hiểu trên khắp đất nước này, mỗi ngày có bao nhiêu sinh linh bị tiêu diệt như thế?”

Bất lực trước con số hài nhi khổng lồ, những người dân làng chỉ biết gắng thu vén để có thêm diện tích nghĩa trang cho các em.

Những huyệt mộ được đào sâu hơn, những tiểu nhỏ được thay bằng tiểu lớn để có chỗ cho nhiều em hơn.

Nhưng dù làm thế, họ vẫn nơm nớp với tình hình như thế này, chẳng mấy chốc sẽ đến một ngày, khu nghĩa trang này không đủ chỗ cho các em nữa…

Quỳnh Anh
theo VietnamNet

Từ khóa: