Động thái này diễn ra sau khi TPBank thông báo mua 4 triệu cổ phiếu của TPS nhằm sở hữu 9,09% vốn điều lệ của công ty này.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS – Mã: ORS) thông báo thay đổi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Tổng Giám đốc.
Theo đó, HĐQT TPS quyết định bầu ông Đỗ Anh Tú – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của Công ty nhiệm kì 2016 – 2021 kể từ ngày 4/10/2019. Đồng thời, ông Tú sẽ thôi giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT.
Bên cạnh đó, HĐQT TPS cũng đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Trần Sơn Hải và bổ nhiệm ông Hải giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực.
Ông Tú có trình độ Phó tiến sĩ Đại học Praha – Cộng hòa Séc. Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT của TPS, hiện ông Tú đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và chức danh Tổng Giám đốc CTCP Diana Unicham. Đồng thời, ông Tú là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank.
Trước đó, ngày 26/4, HĐQT TPS đã bầu ông bầu ông Đỗ Anh Tú giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPS nhiệm kì 2016-2021.
Cùng với việc thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT, TPS cũng quyết định bổ nhiệm ông Trần Sơn Hải giữ chức vụ Tổng Giám đốc thay thế cho ông Diệp Trí Minh; đồng thời, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Khánh Hòa giữ chức vụ Kiểm toán nội bộ.
Động thái thay đổi một loạt nhân sự cấp cao của TPS diễn ra sau khi TPBank thông báo mua 4 triệu cổ phiếu của TPS nhằm sở hữu 9,09% vốn điều lệ của công ty này.
Mặc dù hiện tại chưa nắm giữ bất kì cổ phần nào tại TPS nhưng theo giới thiệu trên website, TPS cho biết công ty này đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của TPBank từ tháng 4/2019.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong có tiền thân là CTCP Chứng khoán Phương Đông, được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu là 60 tỉ đồng. Công ty được chính thức đổi tên từ ngày 18/4/2019 với vốn điều lệ là 400 tỉ đồng.
Đáng chú ý, chỉ một tuần sau khi đổi tên, TPS đã đổi logo với bộ thương hiệu tím cam đặc trưng của TPBank.
TPS niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2010 và bị hủy niêm yết vào ngày 10/4/2019 do lợi nhuận sau thuế bị âm 3 năm liên tiếp. TPS (trước là Công ty chứng khoán Phương Đông) là một trong 5 công ty bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 380 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán, lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế TPS đạt gần 4,9 tỉ đồng (trong khi cùng kì 2018 lỗ hơn 10 tỉ đồng). Tổng tài sản tính đến ngày 30/6 đạt gần 233 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với cuối năm 2018.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz