Sự kiện hot
4 năm trước

Phó Thống đốc NHNN: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm ít nhất 40% lợi nhuận để hạ lãi suất

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, lợi nhuận riêng của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó Thống đốc: Lợi nhuận của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm ít nhất 40% để hạ lãi suất - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: VTV)

Theo đưa tin từ VTV, tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận riêng của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

"Ví dụ Vietcombank năm trước lãi 22.000 tỉ đồng thì năm nay phải giảm 30 - 40% của cái lãi. Tức ít nhất đóng góp khoảng 8.000 tỉ đồng cho vấn đề hạ lãi suất", Phó Thống đốc cho biết.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thông qua mở rộng gói chính sách tiền tệ từ 185.000 tỉ đồng lên 300.000 tỉ đồng.

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc NHNN cho biết trong thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi (giảm 2% - 2,5%) có qui mô lớn.

Theo số liệu của NHNN, đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng (trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội là 40.000 khách hàng) với dư nợ 17.927 tỉ đồng (trong đó, NHCSXH 1.400 tỉ đồng). Đồng thời các TCTD đã thực hiện miễn giảm lãi suất cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỉ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 – 3%/năm. Trong đó, các TCTD đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số cho vay đạt 165.08 tỉ đồng. Dự nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỉ đồng), Bán buôn bán lẻ (43.000 tỉ đồng), Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản (16.000 tỉ đồng).

Về lãi suất, NHNN cho biết mặt bằng lãi suất huy động của TCTD đã liên tiếp giảm ở cả kì hạn ngắn, trung và dài hạn. Hiện lãi suất huy động tiền gửi VND phổ biến trong khoảng 0,1 – 0,5%/năm đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng; 4,3 – 4,75%/năm đối với tiền gửi có kì hạn 1 đến dưới 6 tháng; 5,3 – 6,8%/năm đối với tiền gửi có kì hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kì hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 – 7,4%/năm.

Mặt lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.

Theo NHNN, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suât đã góp phần giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ vốn có chi phí hợp lí cho doanh nghiệp, người dân vay để phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: