Sự kiện hot
3 năm trước

PHS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu VIB

Theo PHS, tăng trưởng tín dụng của VIB đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với CAGR 30.4% trong giai đoạn 2018-2020, cao nhất toàn ngành, và vượt xa tốc độ trung bình ngành 16,5% từ 2018-2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE). Theo đó, PHS cho biết VIB dẫn đầu tăng trưởng nhờ mở rộng các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cho vay mua ô tô của VIB dẫn đầu với thị phần 30% toàn thị trường, trong khi mảng Cho vay mua nhà có tăng trưởng cao nhất thị trường (tăng trưởng 96% vào năm 2017, 45% vào năm 2018, 46% vào năm 2019 và 41% vào năm 2020). Do đó, tăng trưởng tín dụng của VIB đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với CAGR 30.4% trong giai đoạn 2018-2020, cao nhất toàn ngành, và vượt xa tốc độ trung bình ngành 16,5% từ 2018-2020.

Khả năng cải thiện NIM được hỗ trợ bởi chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số. NIM của VIB tăng từ 2,9% vào năm 2016 lên 4,1% vào năm 2020, thuộc top những ngân hàng có NIM cao nhất ngành.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết: “Do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động cho vay mua ô tô và vay mua nhà để ở của ngân hàng, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng tín dụng từ 23,3% trong báo cáo trước còn 20%. Qua đó, đưa thu nhập lãi thuần đạt 10.546 tỷ đồng (tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Đồng thời, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VIB trong năm 2021 lên mức 71,6%. Qua đó đưa chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 91% lên 1.812 tỷ đồng, tương đương 12,8% tổng thu nhập hoạt động. Từ đó, lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh giảm so với báo cáo trước còn 5.298 tỷ đồng (tăng trưởng 14%)”.

Bộ phận phân tích của PHS sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS điều chỉnh giảm giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 45.700 đồng/CP và khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.

PHS cũng đưa ra rủi ro: (1) Áp lực từ dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tới hoạt động của VIB trong năm nay; (2) Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất trong ngành, và việc gia tăng thu hồi tài sản đảm bảo do dịch Covid-19 sẽ khiến cho VIB phải đối mặt với rủi ro tín dụng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu VIB giảm 1,4% xuống còn 41.000 đồng/cổ phiếu.

Nhật Minh

Theo KTDU

Từ khóa: