Sự kiện hot
11 năm trước

Phú Xuyên (Hà Nội): 1 quả trứng gà thuê được 3m2 đất

Báo Thanh tra đã có loạt bài điều tra về tiêu cực ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, trong giai đoạn khởi đầu xây dựng nông thôn mới.

Báo Thanh tra đã có loạt bài điều tra về tiêu cực ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, trong giai đoạn khởi đầu xây dựng nông thôn mới.


Một phần đầm Đông Đê đã được xã bàn giao cho ông Cường. Ảnh: Thế Lữ

Đó là: Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, hành xử thô bạo với công dân chống tiêu cực. Các sai phạm trên đã được UBND huyện Phú Xuyên làm rõ một phần và mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) đã chính thức có kết luận, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý.

Hơn cả “cướp ngày

Dấu hiệu vi phạm pháp luật của lãnh đạo xã Hồng Thái được lộ rõ ngay từ việc bất ngờ thu hồi hệ thống đầm nuôi trồng thủy sản (khu vực đầm Đông Đê) mà trước đây xã đã giao thầu cho ông Đồng Văn Mừng và Đồng Văn Trường (người của xã). Hàng chục mẫu ao hồ và ruộng trũng được thu hồi rồi bỏ hoang 8 tháng liền gây lãng phí về đất đai và bức xúc trong nhân dân. Điều đáng nói là, xã đã lấy 813 triệu đồng để đền bù hỗ trợ cho 2 chủ đầm. Khoản tiền này các chủ lò gạch nộp lại cho xã, để bồi hoàn cho các hộ dân bị ảnh hưởng do hệ thống khói lò gạch làm hư hại mùa màng và ảnh hưởng sức khỏe.

Sai phạm thứ hai là khoản tiền 813 triệu đồng đem bồi thường cho chủ đầm, xã không viết phiếu thu, phiếu chi. Vì vậy, nhân dân nghi ngờ xã có lập “quỹ đen”. Để làm rõ dấu hiệu sai phạm này, ngày 10/5/2012, sau một thời gian Thanh tra huyện xác minh, UBND huyện Phú Xuyên đã có Kết luận số 471/KL-UBND nêu rõ: “UBND xã đền bù số tiền 813 triệu đồng do thanh lý hợp đồng trước thời hạn đối với hai cá nhân (số tiền này không phải do ngân sách xã chi ra), được thanh toán bằng biên bản giao nhận tiền ngày 24/3/2011, song UBND xã không viết phiếu chi là chưa đảm bảo quy định. Vấn đề này yêu cầu UBND xã, đồng chí kế toán ngân sách xã rút kinh nghiệm”.

Ngày 26/5/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Xuyên có Kết luận số 49 cũng khẳng định: “Xã Hồng Thái có vi phạm trong nguyên tắc quản lý kinh tế là việc thu chi số tiền trên không có chứng từ hóa đơn, không gửi vào tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định”.

Sai phạm trong quản lý đất đai được nhận diện: Chủ trương cải tạo các khu hồ đầm thành khu sinh thái để đem lại nguồn lợi lớn hơn cho nhân dân, phù hợp với hình ảnh nông thôn mới đã được Đảng ủy xã nhất trí giao cho UBND xã thực hiện và HĐND xã đã ra nghị quyết phê duyệt dự án và trình UBND huyện Phú Xuyên chờ phê duyệt.

Trong thời gian chờ huyện phê duyệt thì UBND xã Hồng Thái đã vội vàng ký hợp đồng với ông Ngô Chí Cường (ở xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên) thực hiện Dự án “Nuôi trồng thủy sản, đặc sản, trồng cây ăn quả, cây cảnh, cây công trình kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái”.

Ngày 23/9/2011, xã đã tiến hành bàn giao mốc giới, mặt bằng với tổng diện tích 55,54 mẫu đất (tương đương 20ha). Tuy nhiên, phải đến ngày 29/11/2012, UBND huyện Phú Xuyên mới có Quyết định số 876/QĐ-UBND về việc chấp thuận và đồng ý cho thuê đất.

Trước đó, ông Dũng tự ý áp dụng giá thuê đất là 378 ngàn đồng/sào/năm. Thời gian thực hiện dự án là 29 năm.

Rõ ràng, UBND xã đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai. Đó là cho thuê đất và giao đất khi chưa được phép, cho thuê đất quá thời hạn quy định, mức giá cho thuê mỗi m2 đất chỉ nhỉnh hơn 1 ngàn đồng, phớt lờ các quy định của Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế về việc phối hợp xác định giá cho thuê đất.

Về mức giá thuê này, nhiều bà con ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái bức xúc: Chúng tôi là vùng thuần nông, sống nhờ ruộng. Bây giờ xã lấy 20ha ruộng và ao hồ cho thuê 29 năm, nhiều người dân chúng tôi mất đất trồng lúa. Nếu tính mỗi m2 đất chỉ hơn 1 ngàn đồng tiền thuê, thì mỗi quả trứng gà giá hơn 3 ngàn đồng ở quê tôi đã thuê được 3m2 đất. Rõ ràng hơn cả cướp ngày!

Cơ quan CSĐT khẳng định: UBND xã Hồng Thái vi phạm khoản 1, Điều 67 Luật Đất đai 2003 quy định: “Thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 70 của luật này là 20 năm… Thời hạn cho thuê đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 20 năm”.

Điều 70 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3 ha đối với mỗi loại đất” (khoản 1); “trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 5ha” (khoản 4). Như vậy, sai phạm đã được nhận diện quá rõ.

Cần xử lý nghiêm

Với những sai phạm trên, Cơ quan CSĐT đã có công văn gửi Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên đề nghị: Giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và Đảng ủy, UBND xã Hồng Thái có hình thức kiểm điểm kỷ luật đối với các cá nhân có sai phạm trong nguyên tắc quản lý kinh tế để rút kinh nghiệm chung.

Đề nghị UBND huyện Phú Xuyên ra quyết định hủy bỏ hợp đồng thuê đất giữa UBND xã Hồng Thái với cá nhân ông Ngô Chí Cường.

Ngoài các vấn đề đã được làm rõ trên, một số người dân phản ánh đến Báo Thanh tra yêu cầu phản ánh, xem xét hành vi dằn mặt người chống tiêu cực của UBND xã Hồng Thái. Cụ thể: Ông Hoàng Văn Dậu là người đại diện đứng đơn tố cáo các dấu hiệu sai phạm ở xã. Tuy nhiên, trên bản tin truyền thanh xã Hồng Thái đã phát nhiều lần bôi nhọ danh dự của ông Dậu. Đó là vào lúc 6 giờ 14 phút ngày 5/10/2012 có đoạn: “Với luận điệu của người đi ngược lại với đường lối của Đảng và Nhà nước… gây bè phái với chính quyền thôn, xã… việc làm của ông Phạm Hoàng Dậu đã làm mất ổn định an ninh địa phương, làm mất nét đẹp văn hóa của nhân dân Duyên Yết và truyền thống xã…”.

Với nhiều việc làm sai phạm như chính quyền xã Hồng Thái, nếu người dân không đoàn kết, kiên quyết đứng ra đấu tranh vì sự tiến bộ của quê hương như ông Dậu thì những người dân thôn quê này sẽ còn chịu thiệt thòi đến bao giờ?

Thế Lữ
theo Thanh tra

Từ khóa: