Lòng tham vô đáy, người con gái út của cụ đã chà đạp lên luân thường đạo lý, báo hiếu mẹ ” bằng “hỗn hợp” thuốc trừ sâu, chất thải và mắm tôm.
Lòng tham vô đáy, người con gái út của cụ đã chà đạp lên luân thường đạo lý, báo hiếu mẹ ” bằng “hỗn hợp” thuốc trừ sâu, chất thải và mắm tôm.
Mẹ kể, bom Mỹ - Ngụy ngày xưa không làm mẹ run sợ, ngày xưa cha hy sinh, rồi anh cả hy sinh mẹ cũng có lúc không đau đớn như bây giờ… Nỗi đau cuối đời bị đứa con gái út “khủng bố” bằng “hỗn hợp” thuốc trừ sâu, chất thải và mắm tôm để đuổi mẹ ra khỏi nhà mới là nỗi đau đớn nhất đời; nỗi sợ lòng tham vô đáy của đứa con bất hiếu lớn hơn cả nỗi sợ bom Mỹ - Ngụy…
Ảnh minh họa
Không sợ giặc, chỉ sợ… con đẻ
Ai chứng kiến phiên tòa một ngày cuối tháng 2/2012 tại Tòa án nhân dân huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) hôm ấy cũng ngỡ ngàng đặt câu hỏi: “Đạo lý ở đâu mà con lại hành xử bất luân, ngạo ngược như vậy?”. Bị đơn là một bà cụ 89 tuổi, khuôn mặt già nua, hom hem, mắt không còn nhìn rõ, bước đi như muốn ngã quỵ, phải có người dìu đỡ. Vừa mò mẫm từng bước vào phòng xử án, mắt cụ vừa rưng rưng cố nén nỗi đau không cho người khác thấy. Cụ là Nguyễn Thị Ngừng (SN 1923, ngụ thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây), mẹ của bảy người con, có chồng và một người con là liệt sĩ. Nguyên đơn đưa cụ Ngừng ra tòa chính là vợ chồng người con gái út Trương Thị Đỉnh, những người con mà cụ hằng thương yêu, tin tưởng hết mực khi làm di chúc giao tất cả gia sản cho họ.
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cụ Ngừng trở thành góa bụa khi người chồng đã hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt ở chiến trường, con trai cả của cụ cũng không về nữa sau một trận chống càn Mỹ - Ngụy. Bản thân cụ Ngừng cũng tàn tạ, đau bệnh thường xuyên do bị giặc bắt giam, tra tấn suốt hai năm ròng, khi chúng phát hiện gia đình cụ là một cơ sở cách mạng. Giặc tan, nén nỗi đau, hàng ngày cụ Ngừng cố hết sức làm lụng nuôi dưỡng sáu người con còn lại trưởng thành. Sau một thời gian chắt chiu dành dụm, năm 1978 cụ xây được một căn nhà cấp bốn trên mảnh đất vườn do ông bà để lại. Do bệnh ngày càng nặng, năm 1988, cụ rời nhà đến ở với con trai tại thành phố Tuy Hòa để chữa bệnh. Trước khi đi, cụ gọi vợ chồng người con gái út Trương Thị Đỉnh lại, ân cần dặn dò rồi giao ngôi nhà cùng mảnh đất để vợ chồng này trông coi.
Thế nhưng, trong thời gian mẹ đi vắng, vợ chồng người con út tính toán, mưu toan chiếm trọn mảnh đất và ngôi nhà của mẹ. Năm 1994, không hề hỏi ý mẹ, vợ chồng họ tự ý phá dỡ rồi xây dựng mở rộng ngôi nhà. Năm 1997, vợ chồng này xây dựng tiếp một ngôi nhà nữa bên cạnh và một năm sau, họ tự ý đứng tên kê khai, làm thủ tục và không hiểu bằng “tiểu xảo” gì mà được cơ quan chức năng huyện cấp giấy tờ. Bà cụ nhớ lại: “Năm 2002, trong một lần tôi về thăm nhà, chúng năn nỉ tôi lập di chúc tặng ngôi nhà và toàn bộ đất đai cho hai vợ chồng nó.Tôi nghĩ, con cháu nó cần, mình tuổi đã cao, giữ lại cũng không làm gì nên tôi ưng thuận, ký vào tờ di chúc các con đã viết sẵn”.
Năm 2010, thấy bệnh tình ngày càng nặng, cụ Ngừng trở về ngôi nhà cũ, mảnh đất xưa của mình để nơi thờ phụng chồng, con là liệt sĩ. Thế nhưng dù tờ di chúc chưa có hiệu lực, vừa thấy mẹ về, vợ chồng người con đã la ó chửi bới rồi ngang nhiên khóa cửa, kiên quyết không cho mẹ bước vào ngôi nhà của bà. Không nơi nương thân, hàng ngày cu Ngừng già yếu nằm vất vưởng ngoài hiên ngôi nhà của chính mình. Ngay cả di ảnh của hai liệt sỹ cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công cũng không có nơi để đặt. Trước hành vi ngược đãi mẹ già, Ủy ban xã đã lập biên bản hủy bỏ di chúc trước đây của cụ Ngừng.
Đau lòng lời rủa mẹ là “con…”
Bị hủy bỏ di chúc, vợ chồng người con không buông tha mẹ già, chúng giở ra những thủ đoạn bẩn thỉu cùng những câu mạt sát mẹ già trái luân thường đạo lý, chà đạp lên đạo lý làm người.
Nhờ chính quyền can thiệp nhưng bất thành, cụ Ngừng nhờ người phá khóa để đưa di ảnh hai liệt sĩ cùng hai tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng và con trai vào nhà thờ phụng. Thế nhưng, suốt nhiều ngày liền sau đó, vợ chồng và các con của Đỉnh xông vào đập phá cửa kính, chửi rủa mẹ đẻ - bà ngoại mình. Cụ Ngừng khóc: “Nó lớn tiếng gọi người mẹ đẻ ra mình là “con chó già này, con chó già kia”. Để uy hiếp mẹ, cả nhà đứa con út đã dùng thuốc trừ sâu, mảnh thủy tinh trộn với mắm tôm nồng nặc mùi hôi thối đổ khắp ngôi nhà, trong khi bà lão gần 90 tuổi bất lực ngồi một chỗ than khóc. Chưa dừng lại, từ sáng đến tối, gia đình đứa con cho người thay phiên nhau chửi bới, thách thức pháp luật trước mặt cụ Ngừng khiến cụ hoảng loạn phải qua ở tạm nhà cháu nội. Không để yên, chúng nhiều lần tìm đến nơi mẹ ở tạm để đe dọa, yêu cầu mẹ phải lập lại di chúc.
Nhiều người dân địa phương phẫn uất kể: Gần đến ngày giỗ của chồng cụ Ngừng, cụ nhờ người đưa vào nhà để thờ cúng. Khi cụ vừa bước vào nhà, gia đình đứa con lại ngăn cản. Phải đến khi công an huyện đến can thiệp, người dân mới đưa được bà lão tội nghiệp đến bệnh viện.
Đúng như nhiều người dự đoán, kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên buộc vợ chồng đứa con Trương Thị Đỉnh phải hoàn trả cho mẹ ruột của mình toàn bộ đất vườn, đất thổ cư cũng như toàn bộ hiện trạng căn nhà cấp bốn. Dù phần thắng thuộc về mình nhưng cụ Ngừng vẫn khóc nghẹn trong đau đớn, buồn tủi. Cụ lặng lẽ rời phiên tòa, không muốn nói chuyện với ai. Cụ đau đớn vì luân thường đạo lý, tình mẹ con đã bị chính người con gái mà cụ mang nặng đẻ đau, dành hết tình thương chà đạp, khinh bỏ. Trước khi có bản án này, cụ đã đau khổ đến tận cùng, phải trải qua những ngày tháng kinh hoàng khi vợ chồng người con út ấy đang tâm dùng những thủ đoạn mất hết tình người để xua đuổi hành hạ, uy hiếp cụ. Nén cơn đau trong lòng, cụ nghẹn ngào lời cuối trước khi rời phòng xử: “Tôi già yếu rồi, nay sống mai chết, đâu có ham nhà cửa, đất đai làm gì, chỉ cần có nơi thờ phụng, ra vào lúc tuổi già. Điều tôi đau nhất là chỉ vì hám lợi mà con cái nỡ vô đạo, ngược đãi với mẹ già như vậy.
Chính quyền địa phương bất lực
Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu vợ chồng người con phải mở cửa cho cụ Ngừng vào nhà nhưng họ vẫn bất chấp. Thậm chí, trong biên bản hòa giải bất thành, người con gái còn ngang ngược tự ghi thêm vào biên bản: “Tôi không đồng ý mở cửa, vì nhà tranh chấp, khiêu chiến”.
Theo văn phòng UBND tỉnh, đến nay, Chủ tịch tỉnh đã có hai công văn yêu cầu Chủ tịch huyện chỉ đạo giải quyết ngay sự việc nhưng Tỉnh vẫn chưa nhận báo cáo kết quả giải quyết.
Cán bộ ngược đãi mẹ chỉ vì… khiển trách
Người con rể của bà lão Ngừng là Nguyễn Thành Hiếu, là Đảng viên, Đại biểu HĐND xã, Trưởng trạm y tế xã Hòa Mỹ Tây. Đảng ủy xã này vừa ra quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách về mặt Đảng đối với ông Hiếu; cùng thời điểm, người này cũng bị kỷ luật về mặt chính quyền với hình thức tương tự. Theo kết quả xác minh, người này đã đồng tình để vợ con có những hành động xâm hại nhân phẩm, xúc phạm đạo đức đối với cha mẹ. Việc làm này khiến nhân dân địa phương rất bất bình nên hầu hết người dân địa phương đều không đồng tình với hình thức kỷ luật nêu trên.
Theo Đời Sống & Pháp Luật