Sự kiện hot
3 năm trước

PV Power: 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được khoảng 58% mục tiêu doanh thu năm và vượt 5% kế hoạch lợi nhuận năm

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) vừa công bố chi tiết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 16.456 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế (LNST) ước đạt 1.393 tỷ đồng, tăng khoảng 2%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng điện ước đạt 9.844 Tr.kWh, bằng 96% kế hoạch 6 tháng và 87% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 51% kế hoạch cả năm (18.700 tr.kWh).

Trong báo cáo mới đây cập nhật về PV Power, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, với cơ cấu điện khí chiếm tỷ trọng lớn, sản lượng 6 tháng đầu năm đạt mức thấp là do nhu cầu thị trường điện không cao, trong khi đó, thủy điện và năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động. Điểm sáng là các nhà máy thủy điện Hủa Na, DakDrinh hoạt động với sản lượng cao 123%-133% kế hoạch, nhà máy Vũng Áng 1 cũng hoàn thành 106% kế hoạch khi đạt đến 3.959 triệu kwh.

Doanh thu ước đạt 16.454 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch 6 tháng, hoàn thành 58% kế hoạch năm và bằng 105% cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.613 tỷ đồng, đạt 176% kế hoạch 6 tháng, hoàn thành 104% kế hoạch năm và bằng 105% cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.393 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch cả năm.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty cũng thực hiện thoái vốn thành công ở Công ty con PVMachino, mang lại lợi nhuận cho công ty mẹ là khoảng 358 tỷ đồng, lợi nhuận sẽ được hạch toán trong quý II/2021.

Doanh nghiệp sản xuất điện TOP 5 tại Việt Nam. POW xếp thứ 4 các nhà sản xuất điện lớn nhất Việt Nam, sở hữu và vận hành 6 nhà máy điện với tổng công suất là 4.205 MW, trong đó 3 nhà máy nhiệt điện khí (2700MW), 01 nhà máy nhiệt điện than (1200 MW) và 02 nhà máy thủy điện công suất 305 MW.

Cũng theo thông tin từ MBS, trong giai đoạn 2021-2025, POW tiếp tục đầu tư thêm 02 nhà máy nhiệt điện khí là NT3&4 với tổng công suất 1.500 MW, trong đó NT3 dự kiến hoạt động thương mại từ quý III/2023, NT4 từ quý III/2024. Ngoài ra còn đầu tư khoảng 50 MW nguồn điện năng lượng tái tạo.

Chiến lược phát triển dài hạn dự kiến đến 2025 tổng công suất là khoảng 5.760 MW, đến năm 2030 là 8.960 MW, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điện khí.

Hiệu quả kinh doanh tốt lên khi khấu hao và nợ vay giảm. Các nhà máy của TCT đã đi vào giai đoạn trả nợ xong vốn vay đầu tư, khấu hao giảm (CM1&2, NT1) dự kiến sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn trong những năm tới cùng với sản lượng điện gia tăng. 

MBS dự báo năm 2021 lợi nhuận kinh doanh sẽ đạt mức 2.684 tỷ đồng, tăng 64% so với 2020 (năm 2020 lợi nhuận gồm 1.028 tỷ chênh lệch tỷ giá bán điện được hồi tố trong giai đoạn trước 2018.

Tình hình tài chính lành mạnh. Tổng tài sản đến cuối quý I/2021 đạt 57.569 tỷ đồng, trong đó tiền tương đương tiền và đầu tư tài chính (tiền gửi) đạt 8.761 tỷ đồng (15,2% tổng tài sản). Nợ phải trả đạt 26.026 tỷ đồng (45,2% tổng nguồn vốn), trong đó vay và nợ ngắn hạn các TCTD chỉ là 12.746 tỷ đồng (22,1% tổng nguồn vốn), đây là tỷ lệ rất thấp và an toàn để Tổng công ty hoạt động ổn định và có điều kiện đầu tư các dự án mới.

Dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh hàng năm luôn dương lớn nhờ quản trị tốt hoạt động kinh doanh, khấu hao lớn đảm bảo chất lượng lợi nhuận hàng năm, mặt khác giúp công ty thực hiện trả nợ vay đúng hạn và số dư tiền, tương đương tiền luôn lớn.

Nhu cầu điện tiếp tục tăng lên trong trung dài hạn. Nhu cầu điện tăng chậm trong 2020 với 2.9%, nhưng tăng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm 2021 với 8,8%, đặc biệt là trong quý II. Trong năm 2020, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 247 tỷ kwh, tăng 2,9% khá thấp do dịch Covid-19. Năm 2021, EVN đặt kế hoạch sản lượng điện toàn hệ thống 262 tỷ kwh, tăng 6,2% đáp ứng nhu cầu phụ tải hệ thống.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 128,1 tỷ kwh, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2020. Cơ cấu sản lượng nghiêng hẳn về nhiều điện than với 52%, thủy điện và điện khí vẫn đang ở mức thấp so với kế hoạch.

Hiện tượng ENSO trung tính: vào đầu tháng 7 được dự báo ở mức trung tính đến cuối tháng 9 với xác suất 75-80%, sau đó giảm xuống và tiếp tục tăng lên trong năm 2022. Hình thái LaNina nhiều khả năng xảy ra từ tháng 8 và tăng lên vào cuối năm, khi Việt nam đã bước vào mùa khô. Như vậy lượng mưa có thể không lớn để thủy điện có thể duy trì lợi thế như năm 2020 trước khi bước vào mùa khô từ 2021-2022. Trong điều kiện như vậy, nhiệt điện có thể sẽ phát huy năng lực.

Nhật Minh

Theo KTDU

Từ khóa: