Người dân Quảng Bình thường cho rằng, năm nào đầu vụ gieo trồng khó khăn do thời tiết, thiên tai thì cuối vụ thắng to. Tất nhiên, nhà nông phải mất thêm chi phí về giống, phân bón để khắc phục lại diện tích gieo trồng đã hư hỏng do thời tiết. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Vừa gieo xong trà lúa đầu thì gặp rét đậm, nhiều nơi lúa chết rụi khi vừa lên vài ba lá. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chỉ đạo bằng mọi cách phải gieo lại diện tích lúa chết, không bỏ hoang diện tích. Các huyện hỗ trợ giống lúa, động viên bà con gieo lại lần hai trên gần 500 ha lúa chết do rét đậm.
Kết quả, toàn tỉnh gieo cấy được 28.137 ha, đạt 102% so với kế hoạch, chủ yếu là các giống: IR353-66, Xi23, X21, NX30, HT1, nếp IJ352, Nhị ưu 838... Nhờ chủ động được nước tưới, và diệt trừ sâu bệnh, hơn 28 nghìn ha lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất bình quân đạt 57,07 tạ/ha, vượt kế hoạch đề ra hơn ba tạ/ha và cao hơn vụ trước gần hai tạ/ha. Có một số địa phương đạt cao như huyện Lệ Thủy năng suất đạt hơn 62 tạ/ha, Quảng Ninh đạt 60,2 tạ/ha.
Từ năm 2010 đến nay, dù thiên tai luôn xảy ra khắc nghiệt nhưng người dân vùng rốn lũ Quảng Bình luôn được mùa, nhờ vậy đời sống người dân cơ bản ổn định.
Thế nhưng niềm vui được mùa không làm vơi đi nét âu lo trên từng khuôn mặt của người nông dân Quảng Bình khi giá lúa trên thị trường liên tục sụt giảm, nhất là thời điểm thu hoạch rộ, lúa chỉ còn ở mức 4.300 đồng/kg, thấp hơn 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2011.
Vụ lúa đông xuân năm nay, tỉnh Quảng Bình được mùa toàn diện, năng suất lúa đạt hơn 57 tạ/ha, tăng gần hai tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Được mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa xuống thấp. Nhiều người than: "Giá lúa thấp bán ra thì lỗ, nhưng không bán thì...cũng khổ"!
Chị Nhung, HTX Đại Phong, nói với giọng buồn buồn: "Mấy chú xem, chi phí lúa giống, nước nôi, phân bón, công chăm sóc, gặt hái, vận chuyển vụ này cao hơn năm trước, nhưng chừ (giờ) giá lúa rớt thê thảm, tính ra lỗ. Gia đình tui (tôi) có năm người, sống dựa vào toàn bộ diện tích đồng ruộng này. Mọi chi tiêu từ cuộc sống hàng ngày đến tiền chữa bệnh cho chồng đau ốm triền miên, tiền học cho hai đứa con cũng trông cả vào tiền bán lúa... Giá lúa hơn 4.000 đồng/kg bán ra thì lỗ, nhưng không bán thì cũng khổ"!
Chủ tịch UBND xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy Nguyễn Cao Côi cho biết, vụ lúa này Phong Thủy đạt năng suất 70,10 tạ/ha thế nhưng, tính đi đi tính lại mới đủ chi phí cho ruộng đồng. Giá phân bón tăng gần 10%, giá điện tăng nên thủy lợi phí cũng bị điều chỉnh, chi phí làm đất cũng tăng do giá xăng dầu đầu vụ tăng. Ngay chi phí thuê máy gặt hoặc công lao động thu hoạch cũng tăng từ 150 nghìn lên 250 nghìn/ngày, thậm chí có nơi còn cao hơn.
Trong khi đó, giá lúa giảm đã cho người nông dân khó khăn hơn. Lẽ ra họ chỉ bán một hai tấn lúa là đủ trả chi phí thì nay phải bán với số lượng nhiều lúa hơn. Điều này làm cho nông dân phải cân nhắc đến việc sản xuất vụ hè thu. Và phương án mà người dân lựa chọn để giảm chi phí là làm lúa tái sinh.
Cùng chung tâm trạng như ông Nguyễn Cao Côi, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Nguyễn Quốc Huy nói: Vụ đông xuân 2011- 2012, địa phương chúng tôi gieo cấy gần 988 ha lúa, năng sất bình quân đạt 70,50 tạ/ha. Được mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa "rớt" quá.
Vào thời điểm này năm ngoái, mỗi tấn lúa giá xấp xỉ bảy triệu đồng. Giờ mỗi tấn chỉ khoảng 4,3-4,5 triệu đồng. Nhiều người trong xã còn trữ hơn 20 tấn lúa từ vụ trước đến nay đưa ra bán thì lỗ to nhưng không bán thì cùng với lượng lúa của vụ này thì không có chỗ để cất giữ, bảo quản. Trong khi mùa mưa lũ đã sắp cận kề.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều được mùa, nhưng giá lúa giảm mạnh đã khiến nông dân rất lo lắng. Việc giá lúa sụt giảm mạnh kéo theo nhiều vấn đề như nông dân thiếu tiền trả nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công gặt hái, trang trải chi tiêu hàng ngày...
Lúa tái sinh thay vụ hè thu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân cho rằng, hiện nay trên thị trường của tỉnh, một số giống lúa có chất lượng như HT1... đang được tư thương thu mua với giá khá cao nhưng nông dân không có để bán.
Trong khi đó, hiện ở Quảng Bình vẫn gieo trồng bằng nhiều bộ giống lúa kém chất lượng, lúa khó bán ra vì giá giảm mạnh. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần sớm thay đổi bộ giống có chất lượng để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị sản xuất.
Yếu tố năng suất, sản lượng lúa luôn tăng là dấu hiệu tích cực, nhưng quan trọng hơn là chất lượng, hiệu quả phải được nâng cao, có như vậy, sản xuất mới có lãi. Cần phải từng bước đưa hạt lúa Quảng Bình trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, như thế thì đời sống người nông dân mới được nâng lên.
Trong khi "điệp khúc" được mùa, mất giá; mất mùa, được giá vẫn còn diễn ra dài dài mà chính quyền và ngành chức năng ở Quảng Bình chưa có biện pháp khắc phục thì người nông dân trong tỉnh, nhất là tại hai huyện trọng điểm lúa của tỉnh là Lệ Thủy và Quảng Ninh đã lựa chọn làm lúa tái sinh thay cho lúa vụ hè thu để giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Năng suất bình quân của một vụ lúa tái sinh khoảng 30 tạ/ha. Tuy có thấp hơn vụ lúa hè thu nhưng nông dân gần như không phải chịu các khoản chi phí cho sản xuất, cho nên gần như 30 tạ đó người nông dân được hưởng trọn vẹn.
Xét về bản chất, lúa tái sinh là quy trình "gieo một vụ thu hoạch hai lần" rất đơn giản nhưng hiệu quả cao. Giá lúa cao hơn cả lúa chính vụ vì được xem là lúa "sạch" vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích đẻ nhánh.
Khoảng 60 ngày, lúa tái sinh sẽ cho thu hoạch. Bằng cách này, người nông dân Lệ Thủy, Quảng Ninh đã rút ngắn được thời gian sản xuất, tránh được thiệt hại trong mùa mưa lũ, nhưng quan trọng hơn là không phải mất một khoản đầu tư lớn về giống, công chăm bón và các khoản chi phí dịch vụ nông nghiệp khác như vụ lúa hè thu.
Từ thành công của huyện lúa Lệ Thuỷ trong làm lúa tái sinh, đến nay, hầu hết các địa phương ở Quảng Bình đều sản xuất lúa tái sinh.
Nông dân Nguyễn Văn Hảo ở thôn 8, xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, năm nay, lần đầu tiên thôn anh làm lúa tái sinh. Làm như vậy vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, chắc ăn hơn và tranh thủ lúc nông nhàn để làm thợ xây kiếm thêm thu nhập.
Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình khuyến cáo nông dân tuân thủ một số biện pháp kỹ thuật để bảo đảm cho vụ lúa tái sinh có năng suất cao.
Qua gặp gỡ, trao đổi chúng tôi nhận thấy, làm lúa tái sinh trong vụ hè thu này đối với người nông dân Quảng Bình là giải pháp hợp lý nhất để mang lại hiệu quả kinh tế nhưng tối đa giảm chi phí sản xuất, giảm khó khăn cho người nông dân.