Sự kiện hot
12 năm trước

Quà quê về phố

Cầm miếng bánh bỏng trên tay, tuổi thơ chợt ùa về, giòn tan như những hạt gạo nếp nở bung, ngọt ngào như lớp mật đường màu hổ phách.

Cầm miếng bánh bỏng trên tay, tuổi thơ chợt ùa về, giòn tan như những hạt gạo nếp nở bung, ngọt ngào như lớp mật đường màu hổ phách.

Những sáng mùa đông đi làm trên đường Thanh Niên (Hà Nội), tận hưởng cảm giác gió thổi từ hai mặt hồ, co ro ngắm nhìn mặt hồ trong sương mờ ảo, cuộc sống thanh bình đến lạ. Với tôi, đó cũng là cung đường chứa đựng rất nhiều ký ức tuổi thơ.

Đầu đường có những hàng chong chóng đủ màu sắc, kế đến là những hàng kem ốc quế mà trẻ con ngày bé đứa nào cũng mê. Hai bên đường là những chiếc xe đạp bán những món quà quê rất giản dị. Tôi vẫn thường nhìn ngắm một chị bán các loại bỏng, nào là bỏng ngô, bỏng gạo, kẹo bông... Rồi một chiều tôi dừng chân bên cạnh chiếc xe đạp cà tàng của chị. Ký ức về vùng quê nghèo khó cũng ùa về theo chiếc bỏng tôi cầm trên tay. Ngày đó món bỏng gạo giòn thơm, vàng ruộm là niềm vui của tất cả bọn trẻ con chúng tôi. Mỗi lần đi chợ về, lần nào bà ngoại cũng mua quà cho tôi, khi thì bánh nếp, khi thì bánh tẻ, bánh rán... nhưng món bỏng gạo có cái ngòn ngọt của mật mía vẫn là được mong chờ nhất.

Bỏng gạo trên đường Thanh Niên bây giờ vẫn giống chiếc bánh bỏng ngày bé tôi thường ăn, tuy nhiên cái hương vị thấm đẫm mùi thơm của nếp mới không còn nhiều, vì ngày xưa các bà các mợ quê tôi thường chọn nếp cái hoa vàng mới để làm bỏng. Quy trình làm thì khá đơn giản. Từng hạt nếp sẽ bung nở ra, thơm phức mùi nếp mới. Nếu không thích bỏng đường, bạn có thể cứ thế mà vốc từng nắm bỏng gạo lên ăn cũng ngon vô cùng.

Để có được bỏng gạo vàng ươm, thơm lừng, người dân quê tôi thường lấy mật mía để nấu. Không có mật mía, người ta có thể dùng đường thay thế, thường là loại đường đỏ, thơm hơn đường cát trắng nhiều. Mật mía nấu lên óng ánh màu hổ phách, thêm một chút gừng, thế là mùi thơm tỏa ra thật quyến rũ. Chỉ việc đổ bỏng vào hỗn hợp mật đường vừa chưng xong, đảo đều đến khi hỗn hợp mật đường và bỏng quyện lại với nhau là món bỏng thơm ngon đã thành hình. Khuôn đổ bánh bỏng thường là hình chữ nhật, khi bánh đã sánh chặt lại với nhau, người ta chỉ việc cắt từng miếng bánh nhỏ ra, cho vào túi ni lông để bánh luôn giữ độ giòn thơm.

Cắn một miếng bánh bỏng, nghe hương thơm rất đỗi ngọt ngào của nếp sánh quyện với mật đường, cùng cái vị dẻo quẹo trong miệng, thấy lòng rộn rã hương quê.

Linh Phong
theo iHay

Từ khóa: