Sự kiện hot
13 năm trước

Quá tải bệnh viện, nặng gánh giá thuốc

"Tiếp quản" nhiệm vụ từ người tiền nhiệm với hàng loạt vấn đề ngổn ngang: giá thuốc trên trời, bệnh viện quá tải, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tuyên bố ngay trong những ngày đầu trên cương vị mới rằng: "Bệnh viện sẽ tiến tới không còn nằm ghép". Nhưng sau 5 năm các vấn đề đó vẫn còn thời sự.

"Tiếp quản" nhiệm vụ từ người tiền nhiệm với hàng loạt vấn đề ngổn ngang: giá thuốc trên trời, bệnh viện quá tải, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tuyên bố ngay trong những ngày đầu trên cương vị mới rằng: "Bệnh viện sẽ tiến tới không còn nằm ghép". Nhưng sau 5 năm các vấn đề đó vẫn còn thời sự.

"Chung giường" là căn bệnh mãn tính ở hầu hết các bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện tuyến T.Ư. Tại nhiều bệnh viện, giường thực kê được huy động với nhiều hình thức: cáng, giường gấp và tận dụng hành lang, thu hẹp diện tích lối đi để lấy chỗ cho bệnh nhân nội trú.

Tất nhiên trên giường bệnh 90 cm-100 cm chiều ngang không thể quá hai người nằm theo cách trở đầu, nhưng danh sách 4 người/giường đang là cách "xếp hàng" để bệnh nhân được có trong danh sách điều trị hoặc chờ phẫu thuật.

 
Bệnh nhân nằm ghép trên cả những chiếc giường xếp ngoài hành lang bệnh viện - Ảnh: Ngọc Thắng

Các bé mới chào đời cũng đã phải làm quen với nằm ghép ở bệnh viện phụ sản. Hay những bệnh nhân ung thư héo mòn vì bệnh hiểm nghèo vẫn phải khó nhọc ngồi tạm bợ hoặc đi lại ngoài hành lang với chai thuốc và dây truyền dịch vốn không phải là hình ảnh hiếm gặp.

Giá thuốc tăng là nỗi ám ảnh của người bệnh. Hầu như năm nào, cơ quan quản lý cũng đều có các văn bản chỉ đạo "tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy định quản lý giá thuốc". Cam kết về bình ổn giá thuốc với giải pháp "kiểm soát giá gốc, chống buôn bán lòng vòng đẩy giá cao bất hợp lý" luôn được hứa sẽ thực hiện. Nhưng xem ra, quản lý giá thuốc là vấn đề nan giải và là bài toán khó với Bộ Y tế.

Hàng loạt sự cố ngộ độc tập thể, phát hiện chất gây hại cho sức khỏe: melamine - chất gây sạn thận bị bỏ lén trong sữa; chất nghi ngại gây ung thư rhodamine nhuộm đỏ trong hạt dưa, tương ớt; gần đây nhất là sự xuất hiện của DEHP trong nước ép hoa quả, thạch rau câu, thậm chí trong thuốc chữa bệnh... Nhưng hầu như trước các sự cố, cơ quan quản lý vẫn chạy theo để khắc hậu quả.

 
Đồ họa: Hồng Sơn

Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Trong 5 năm qua tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) liên tục tăng lên và đến nay tỷ số này vẫn chưa dừng lại.

Những điểm sáng, tối trong nhiệm kỳ 2006-2011

 Điểm sáng

- Tốc độ gia tăng dân số nhanh được kiềm chế. Quy mô dân số VN hiện là 87 triệu người, ít hơn 2 triệu người so với mục tiêu đặt ra.

- Lần đầu tiên đề án 1816 với việc luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới, giúp chuyển giao kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị cho tuyến dưới, giảm 20-30% bệnh nhân phải vượt tuyến điều trị.

- Tỷ trọng tài chính công cho y tế đã tăng lên: từ 38,2% năm 2007, đạt trên 50% vào năm 2011.

- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án quản lý giá thuốc bằng áp dụng thặng số bán buôn tối đa toàn chặng (90%). Kỳ vọng sẽ không còn mức giá thuốc chênh lệch bất hợp lý.

- Lần đầu tiên ATVSTP đã thiết lập được hệ thống cảnh báo các nguy cơ. Trước mắt sẽ tập trung với các thực phẩm thiết yếu nguy cơ cao: sữa, thịt, rau quả, nước giải khát, thực phẩm chế biến.

- Đã sản xuất được 10 loại vắc-xin phòng bệnh.

Điểm tối

- Chất lượng dân số còn thấp: Mỗi người dân có tới 12 năm ốm đau, bệnh tật so với 72,2 tuổi thọ bình quân.

- Mất cân bằng giới tính tăng nhanh nhưng chưa có cơ sở y tế nào bị xử phạt vì áp dụng các phương pháp cho chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi.

- Chi phí thuốc cho điều trị còn quá lớn: chiếm 60% so với tổng chi phí điều trị. Báo động tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng chỉ định xét nghiệm đối với bệnh nhân BHYT.

- Còn tỷ lệ khoảng 10-20% các vụ ngộ độc chưa tìm ra nguyên nhân.

- Xã hội hóa y tế đang đứng trước nguy cơ thương mại hóa y tế với việc xuất hiện “khoán” chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu tại một số cơ sở y tế công.

- Chênh lệch lớn về năng lực chẩn đoán, điều trị các tuyến y tế.

Kỳ vọng

Hãy làm cụ thể thay vì chỉ có chiến lược!

Những áp lực với ngành y tế hiện còn quá lớn, như quá tải bệnh viện, y đức cán bộ y tế, quản lý giá thuốc, thiếu hụt cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế ở chuyên khoa tâm thần. Có một việc thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế là hướng dẫn thế nào là hoạt động y tế dự phòng (để các tỉnh biết mà thực hiện quy định của NQ18/QH12 là dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng) thì đến nay đã 3 năm vẫn chưa ban hành hướng dẫn.

Vì vậy, tôi rất mong muốn vị Bộ trưởng Y tế sắp tới sẽ quan tâm đến vấn đề này, nhưng phải bằng các biện pháp quản lý nhà nước, thông qua quy định của luật, nghị định, thông tư chứ không phải chỉ có các chiến lược. Thực tế, các vụ việc như ở Bệnh viện Năm Căn ở Cà Mau, vấn đề quản lý giá thuốc, vấn đề triển khai Nghị quyết của Đảng về công bằng trong chăm sóc sức khỏe, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân là phải ban hành quy định bằng pháp luật để các cơ quan, người dân chấp hành.

Về giá thuốc, theo tôi, điều quan trọng là tập trung mọi biện pháp để làm minh bạch giá thuốc nhập, không để thuốc nhập mua 1 bán 4-5 thậm chí 10 lần.

 Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH

Thêm các trung tâm y tế kỹ thuật cao vào hoạt động

Chúng ta đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, nhiều phương pháp điều trị với thiết bị hiện đại giúp cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Có một điều chúng tôi rất trăn trở là đáng ra đã thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống nếu được ghép tạng. Về kỹ thuật chúng ta đã đảm đương rất tốt: ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép van tim với tỷ lệ thành công cao (tại BV Việt Đức, tỷ lệ thành công đạt 100%), nhưng nguồn tạng hiến rất ít. Chúng tôi mong có chính sách cũng như sự thay đổi trong quan niệm của người dân để nhận được nguồn tạng hiến nhiều hơn.

Bên cạnh nhiều người nghèo có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ trong chăm sóc y tế, tôi mong muốn trong vòng 1-2 năm tới sẽ có các trung tâm y tế kỹ thuật cao đi vào hoạt động, khi đó chắc chắn y tế trong nước sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị cho mọi tầng lớp nhân dân, giảm được người trong nước phải ra nước ngoài điều trị.       

Ông Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội

Thủ tục khám chữa bệnh bớt phiền hà hơn

Chúng tôi nhận thấy, nhiều BV lớn đã có những hình thức cải tiến thủ tục để bệnh nhân đến khám đỡ vất vả hơn, đặc biệt bệnh nhân ngoài tỉnh, ngoại thành. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều loại thủ tục vẫn cần phải đơn giản, thuận lợi hơn nữa. Đơn cử như nộp tiền viện phí cũng rất vất vả, xếp hàng chờ đợi khá lâu, mệt mỏi; các khoa phòng bố trí rất khó tìm. Đặc biệt, cần xem xét về quy định chuyển bệnh từ các địa phương lên. Đây là vấn đề rất khổ cho người bệnh nặng ở tuyến dưới. Tôi có người nhà bị bệnh thận, lên được đến Bạch Mai thì đã trong tình trạng nguy hiểm vì dưới tỉnh cứ chần chừ không muốn chuyển lên.

  Ông Trần Trúc Thanh - khu tập thể Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội

Cần giảm nhập viện và giảm ngày điều trị trung bình

 Các vấn đề lớn mà ngành y tế cần giải quyết đó là: tài chính bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, bảo hiểm y tế. Cần tìm một phương thức mới để chi trả cho một cơ sở cung ứng dịch vụ y tế nhằm khuyến khích các đơn vị này hoạt động tiết kiệm hơn chứ không phải để tối đa hóa doanh thu. Cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc ban hành các chính sách sao cho các bệnh viện chủ động giảm nhập viện khi không cần thiết và giảm ngày điều trị trung bình cho người bệnh giống như các nước giàu đang làm.

       Ông Dương Huy Liệu - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế VN

 Liên Châu - Tuệ Nguyễn (ghi)

Liên Châu
theo Thanh niên online

Từ khóa: