Quản lý phòng khám có bác sĩ nước ngoài hành nghề, nổi cộm nhất ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM chưa bao giờ hết 'nóng'.
Phòng khám tư nhân 168 Hà Nội, nơi xảy ra vụ việc thai phụ tử vong.
Ngay tại thời điểm này, vấn đề trên lại tiếp tục được đưa ra tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM ngày 5.12.
100% phòng khám Trung Quốc ở TPHCM kém chất lượng
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết, gần đây rộ lên việc bệnh nhân tố cáo phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lừa đảo. Sau đó, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc vi phạm và tước giấy phép có thời hạn của một số phòng khám.
ĐB Trâm đặt vấn đề, việc xử lý có vẻ quyết liệt nhưng liệu các phòng khám này có chấp hành hay không? Bởi cứ sau mỗi lần phạt, các phòng khám này lại vi phạm, rồi người dân lại tố cáo và Thanh tra Sở Y tế lại kiểm tra xử lý. Trong khi người dân rất bức xúc thì tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trả lời việc này, GĐ Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, TPHCM có 192 phòng khám đa khoa thì 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Cuối năm 2016, Sở thành lập đoàn kiểm tra 192 phòng khám. Việc kiểm tra kéo dài tới tháng 10.2017 để đánh giá chất lượng, chia thang bậc theo thang điểm 5.
“Đáng buồn là 25% phòng khám yếu kém, còn 25% là tốt. Trong đó, các phòng khám Trung Quốc đều kém cả, thang điểm 5 nhưng họ chỉ đạt 1,7 điểm. Các thông tin này chúng tôi công khai luôn trên trang web Sở Y tế để người dân biết” - ông Bỉnh nói.
Sau khi kiểm tra, 8 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tự đóng cửa, chỉ còn 9 phòng khám. Sau đó, Thanh tra Sở Y tế tiếp tục kiểm tra thì đóng cửa thêm 4 phòng khám nữa. Trong số 5 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động, 4 phòng khám đã được điều chỉnh thu hẹp phạm vi hoạt động. Tới nay, tổng số tiền phạt các phòng khám Trung Quốc là 715 triệu đồng.
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế TPHCM, những phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thường hay vẽ vời, lần đầu là 5 triệu đồng sau vẽ lên 10 triệu đồng. Đang trong phòng thủ thuật thì tiếp tục kê khai thêm nhiều khoản, người bệnh không làm không được. Ngành y tế phát hiện và yêu cầu, khi khám ban đầu phải ấn định giá rồi mới điều trị.
“Chúng tôi đã yêu cầu chỉ tư vấn một lần, có sự đồng ý của bệnh nhân mới làm tiếp”, ông Bỉnh cho biết. Nhưng ông cũng nói thêm, hiện nay nhiều bệnh nhân vẫn chưa có điều kiện và thói quen tra cứu thông tin về các phòng khám Trung Quốc.
Xử phạt rồi lại tái phạm
Còn tại Hà Nội, tháng 3.2017, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội do TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn vừa kiểm tra đột xuất và phát hiện nhiều sai phạm tại Phòng khám đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đặc biệt, trong giấy phép đăng ký hoạt động có 3 bác sĩ quốc tịch Trung Quốc, 2 bác sĩ về nước trước Tết không tham gia làm nữa nhưng chưa rút giấy phép hoạt động tại phòng khám. Bác sĩ Trung Quốc còn lại không có mặt tại phòng khám dù trong giấy đăng ký có hoạt động.
Phòng khám đăng ký hoạt động 6 chuyên khoa, nhưng tại thời điểm kiểm tra trong giờ hành chính chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa nội và chuyên khoa ngoại có mặt, do vậy không đủ điều kiện hoạt động của phòng khám đa khoa.
Với những sai phạm của phòng khám, đoàn kiểm tra đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám và yêu cầu làm việc với thanh tra Sở Y tế để làm rõ sự việc.
Với những sai phạm của phòng khám, đoàn kiểm tra đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám đã 4,5 tháng, nhưng chỉ sau đó 1 tháng, cơ quan chức năng phát hiện phòng khám này đã mở cửa trở lại.
Hay trường hợp phòng khám Thiên Tâm ở Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa cuối năm 2016, đã bị xử phạt 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng do thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, song đến tháng 4.2017 tiếp tục tái phạm.
Tháng 3.2017, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của Phòng khám Đa khoa Thái Hà (11 Thái Hà, Hà Nội) do có 3 vi phạm tại thời điểm kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám Đa khoa Thái Hà không đảm bảo điều kiện nhân lực trong quá trình hoạt động. Phòng khám này đăng ký 12 bác sĩ (đảm bảo hoạt động cho 4 chuyên khoa cơ bản đối với 1 phòng khám đa khoa), nhưng ngoài 2 bác sĩ người Trung Quốc xin nghỉ phép thì phòng khám này thiếu 7 bác sĩ tại thời điểm kiểm tra.
BS Vương Sùng Anh (người Trung Quốc) đã hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép (thực hiện siêu âm sản phụ khoa trong khi chứng chỉ cấp phép là khám sản phụ khoa). Vi phạm thứ 3 là không lập sổ khám theo dõi của phòng khám theo quy định.
Với các vi phạm trên, Sở Y tế quyết định phạt 91 triệu đồng và tước chứng chỉ hành nghề của BS Vương Sùng Anh 12 tháng. Việc đình chỉ sẽ chấm dứt khi nào phòng khám có đủ các điều kiện nhân sự của một phòng khám đa khoa.
Gần đây, thai phụ Trần Thị T.T (29 tuổi, Quảng Ninh, mang thai 22 tuần) đến tại phòng khám đa khoa 168 (Thanh Trì - Hà Nội), bác sĩ người Trung Quốc Trịnh Túc Vinh đã thăm khám và cho rằng chị T. bị viêm âm đạo, có nhiều khí hư, chỉ định xét nghiệm, siêu âm và tư vấn sử dụng máy rung để rửa âm đạo. Tuy nhiên, chỉ 3 phút sau khi bắt đầu sử dụng máy rung thì bệnh nhân khó thở, lên cơn co giật, sau đó sùi bọt mép, được tiêm thuốc an thần chống co giật rồi chuyển lên Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, BS Vinh “mất tích”, không thể triệu tập để điều tra được.
Chỉ sau khi gia đình nhờ luật sư vào cuộc, đại diện phòng khám 168 đã tới gặp gỡ gia đình, “nói khó” rằng bác sĩ Trung Quốc đã bỏ trốn nên phòng khám sẽ chịu trách nhiệm, họ yêu cầu được bồi thường 1 tỉ đồng cho gia đình nạn nhân.
“Mạng người mới là quan trọng, nhưng cũng phải lo lắng cho đứa cháu tôi còn nhỏ dại. Sự bồi thường của phòng khám cũng chỉ bù đắp được phần nào nỗi đau của gia đình tôi”- đại diện gia đình nói.
Xử phạt chỉ như “muối bỏ bể”
Ngày 5.12, khi được hỏi về tình hình giải quyết sự việc xảy ra tại phòng khám 168, đại diện của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Sở Y tế không thụ lý giải quyết vụ việc mà đơn vị xử lý là cơ quan công an huyện Thanh Trì. Theo tiết lộ của vị cán bộ thanh tra này thì Phòng khám 168 đã xin rút giấy phép hoạt động nhưng chưa được cơ quan chức năng đồng ý, với lý do phải chờ kết luận của cơ quan điều tra về vụ việc, anh không thể thích xin cấp giấy phép rồi lại thích thì xin rút như vậy được.
Theo thống kê, lực lượng thanh tra của Sở Y tế Hà Nội hiện chỉ có 14 người nhưng phải quản lý tới 3.200 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, 76 đơn vị trong ngành có chức năng khám chữa bệnh và 54 phòng khám y tế phường xã. Chưa kể nhiều cơ sở khám chữa bệnh chui... Công việc quá tải nên khó khăn trong quản lý, kiểm soát. Trong khi đó, các phòng khám tư nhân hoạt động rất tinh vi, ngày càng có nhiều “mánh khóe” để qua mặt cơ quan chức năng, nếu không “bắt tận tay, day tận trán” thì khó xử phạt.
Một bất cập nữa là hình phạt chưa đủ sức răn đe, các phòng khám sẵn sàng nộp phạt rồi tái phạm vì lợi nhuận thu về lớn hơn nhiều số tiền nộp phạt. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ và phải niêm yết công khai giá dịch vụ. Còn cơ quan chức năng chỉ có trách nhiệm giám sát nên không kiểm soát được tình trạng “chặt chém” khách hàng.
Trong năm 2016 và quý I/2017, Sở Y tế đã kiểm tra 170 lượt cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó xử lý vi phạm hành chính 102 lượt với số tiền phạt gần 2,6 tỉ đồng. Đã có 5 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, tước giấy phép có thời hạn 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 bác sĩ, thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở.
Đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2017 đến nay đã kiểm tra 26 cơ sở, trong đó thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở, xử phạt hành chính 4 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ người nước ngoài.
Theo các chuyên gia, với quy định hiện nay khó răn đe được phòng khám tư nhân cho dù có liên tiếp tái diễn vi phạm. Do đó cần có mức xử phạt cao hơn với các phòng khám tư phạm lỗi nhiều lần. Chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, do vậy, các phòng khám này cứ vi phạm, chấp nhận bị xử phạt và rồi tái phạm. Vì thế, cần phải bổ sung quy định một phòng khám nếu sai phạm nhiều lần liên tiếp sẽ phải đóng cửa. Lãnh đạo ngành y tế Hà Nội thì cho rằng, nếu có sự chung tay, tham gia giám sát, quản lý hoạt động khám chữa bệnh của người dân thì tình trạng vi phạm sẽ giảm.
Đức Vân
Theo Lao động