Thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng liên tiếp xảy ra khiến người dân lo lắng và bất an. Bên cạnh câu chuyện ý thức người tham gia giao thông, dư luận cho rằng nguyên nhân khác phải chăng nằm ở khâu quản lý về đào tạo lái xe đang tồn tại những bất cập giữa lý thuyết và thực tế?
Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua, ngoài những nguyên nhân khách quan và chủ quan, dư luận gần đây cũng cho rằng công tác quản lý đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe hiện nay ở nước ta còn nhiều bất cập… Chương trình lý thuyết chưa sâu sát với thực tế, cơ quan quản lý có hiện tượng phó mặc chất lượng cho các trung tâm, học viên học thiếu giờ thực hành, thiếu bài… Nhiều học viên chỉ có ý thức học để có bằng, chưa ý thức đúng mức việc học và thi bằng lái…
Chị Nguyễn Thùy Dung (30 tuổi, trú ở quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) cho biết, chị đăng ký học lái xe ô tô tại một trung tâm nằm ở quận Hà Đông vào tháng 01/2019. Để tiện cho việc sử dụng các loại ô tô sau này, chị Dung đã đăng ký học lái xe số sàn bởi theo quy định hiện nay, nếu đăng ký học bằng B2, thì người học được phép lái cả ô tô số sàn lẫn xe số tự động. Còn nếu học bằng B1, chỉ được phép lái xe số tự động.
“Bây giờ dù đã cầm trong tay giấy phép lái xe B2, tôi thực sự mới biết, nó gây ra không ít phiền toái vì ban đầu gia đình sử dụng xe ô tô số sàn, nhưng gần đây đã đổi sang ô tô số tự động. Chính vì vậy, để điều khiển được chiếc xe mới mua, tôi đã phải bỏ ra một khoản tiền kha khá nhờ “bổ túc” kiến thức điều khiển xe ô tô số tự động, nhờ đó tôi mới phần nào đủ tự tin ngồi cầm lái”, chị Dung kể.
Ông Ngô Văn N., giáo viên dạy lái tại một trung tâm ở quận Hà Đông (Hà Nội) cảnh báo, nếu người lái không am hiểu về kỹ năng lái xe số tự động sẽ rất nguy hiểm. Khi điều khiển xe ô tô số sàn, chân trái nhấn chân côn, chân phải điều khiển hai vị trí còn lại, trường hợp đạp nhầm chân phanh sang chân ga thì xe cũng không thể vọt lên. “Nhưng với xe tự động, nếu vô tình đạp chân ga thay vì phải phanh thì khi ấy xe sẽ tăng tốc đột ngột, dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, ông N. phân tích.
Đánh giá về chất lượng dạy học lái xe tại các trung tâm, nhiều học viên đã qua đào tạo đều có chung nhận xét cho rằng, chương trình đào tạo còn đơn điệu, học viên không được dạy kỹ năng xử lý tình huống phức tạp hay gặp trong quá trình lưu thông trên đường. Phương pháp giáo dục còn nặng về hình thức, chưa chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức người lái xe.
Bên cạnh câu chuyện liên quan đến bất cập trong việc chọn và cho phép lái xe ô tô số sàn và số tự động, dư luận cũng chỉ ra nhiều điểm khác gây tranh cãi trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô hiện nay. Trong đó, đáng chú ý nhất là về thời gian học thực hành lái...
Là giáo viên có thâm niên hơn 20 năm công tác giảng dạy lái xe, ông Nguyễn Văn H. (50 tuổi, huyện Thanh Oai) thừa nhận, việc quản lý điều kiện về thời gian học của các học viên còn lỏng lẻo, đôi khi là hợp thức hóa hồ sơ để học viên đủ điều kiện thi sát hạch.
Ông H. cho biết thêm, theo quy định hiện nay, để được đăng ký thi giấy phép, ngoài đảm bảo sức khỏe, học viên phải trải qua một khóa kéo dài 93 ngày (không kể ngày lễ và chủ nhật), bao gồm 84 giờ học thực hành. Thế nhưng trên thực tế, nhiều trung tâm dạy đã “tạo điều kiện” cho học viên rút ngắn số giờ học xuống còn 12 đến 15 giờ. “Cả khóa học kéo dài đến 3 tháng, gồm khoảng 84 giờ thực hành lái xe. Nhưng vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi đành phải xin thầy cho rút ngắn giờ học, đợi đến lúc đủ thời gian khóa học sẽ được đăng ký sát hạch”, một học viên tiết lộ.
Giáo viên H. thừa nhận, lâu nay rất ít học viên nào trải qua được 84 giờ thực hành lái như theo quy định. Việc cắt xén thời gian như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến giáo trình học, cán bộ đào tạo buộc phải tập trung dạy những kiến thức chính và cắt bỏ những phần phụ như: thực hành tháo lắp bánh xe, dạy cách đặt dụng cụ cảnh báo, nhập làn, chuyển làn…
“Mỗi giờ học hiện nay có phí 200 - 250 nghìn đồng, vì vậy không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để theo học tới 84 giờ thực hành. Dẫu biết việc cắt xén là vi phạm nhưng chúng tôi cực chẳng đã phải chiều theo nguyện vọng của học viên”, ông H. thừa nhận.
Luật sư Nguyễn Hải Nam (Văn phòng Luật sư Trí Việt, thuộc đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, quy định hiện nay của pháp luật về sát hạch giấy phép lái xe đã có những điểm cải tiến, song vẫn còn nhiều bất cập cần được nghiên cứu thêm. Đối với câu chuyện để học viên học ít hơn số giờ quy định, đây là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng cần được ngăn chặn.
“Học không hết giáo trình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, học viên không tiếp thu đủ bài nên thiếu kiến thức, từ đó dẫn đến vi phạm trật tự giao thông”, luật sư Nam phân tích.
Một đại diện của Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội thừa nhận, hiện nay, có một thực tế đào tạo về sử dụng những phương tiện trong bài học tại các trung tâm đào tạo so với những phương tiện mới mà người dân đang sử dụng bây giờ nó khác nhau hoàn toàn. Phương tiện mình đang sử dụng rất hiện đại về các tính năng như tính năng an toàn, tính năng về sử dụng phương tiện, tính năng về camera lùi hay về tất cả mọi cái, rất là nhiều tính năng hoặc dừng đỗ, ngang dốc... Tuy nhiên, đối với những phương tiện đang sử dụng trong bài học tại các trung tâm thì toàn mô hình cấu tạo cũ, nó không đáp ứng được với thực tế nên nhiều người lái xe họ không biết sử dụng loại đấy.
“Hay như bài học về cấu tạo ô tô, việc đào tạo chỉ mang tính hình thức, nó là một trong những hạng mục để học. Tuy nhiên rất nhiều người sử dụng khi xe gặp sự cố trên đường, ví dụ xịt lốp, tháo lốp xe là cũng không biết cách tháo lốp, kích lốp hay vị trí đặt kích lốp ở đâu đều không được dạy, không được hướng dẫn cụ thể. Đấy là một ví dụ liên quan đến cấu tạo hay các nguyên lý hoạt động của phương tiện, một trong những nội dung liên quan đến đào tạo lái xe”, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay.
V. Anh – Biển Đông
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng