Doanh nghiệp thản nhiên đào móc lòng sông vùng di sản lấy cát, sỏi với số lượng lớn làm thay đổi diện mạo vốn có của dòng sông, gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở và nguy hại cho những người dân xung quanh, tài nguyên dần cạn kiệt tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường.
Sông Bùng là một dòng sông chảy dài qua nhiều địa phận của tỉnh Quảng Bình là một phần trong hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng chảy qua địa phận xã Hưng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2016, dòng sông trong vùng di sản này đã được sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Bình cấp phép 3 doanh nghiệp ở huyện Bố Trạch khai thác cát, sỏi đó là doanh nghiệp Minh Đức (thôn Bồng Lai 1, xã Hưng Trạch), doanh nghiệp Hường Tâm (thôn Khương Hà, xã Hưng Trạch) và doanh nghiệp Nam Khánh (thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch).
Lòng sông trở nên nham nhở…mất mỹ quan
Theo phản ánh của người dân xã Hưng Trạch vào những ngày cuối tháng 8/2018, nhiều người dân bức xúc phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển cát sỏi làm ô nhiễm môi trường diễn ra rầm rộ ở khu vực sông Bùng đoạn qua xã Hưng Trạch trong một thời gian dài nhưng không có cơ quan chức năng nào đứng ra ngăn chặn, xử lý?
Theo quan sát của phóng viên tại các điểm khai thác cát của 3 doanh nghiệp kể trên, cát được các xe máy múc khai thác giữa lòng sông và tập kết ngay tại khu vực đó, với khối lượng khai thác rất lớn các điểm tập kết cát hầu như đều lần chiếm ra đến giữa lòng sông và làm hiện trạng dòng sông thay đổi, vấy đục một đoạn sông dài. Con sông di sản thơ mộng bổng nhiên bị bóp nghẹt và vấy bẩn, mĩ quan vùng di sản cũng không còn được như trước mà trở nên xù xì và ô nhiễm hơn.
Môi trường ô nhiễm, đường làng bị băm nát
Cát khai thác được hàng chục xe tải chở quá tải và không được che chắn cẩn thận luân phiên vận chuyển ra ngoài làm rơi vãi một lượng lớn cát, sỏi gây ô nhiễm môi trường xung quanh và phủ kín cả tuyến đường bê tông. Những xe tải cát này được chở đi bán cho các công trình xây dựng trên địa bàn nhưng điều đặc biệt ở đây là với số lượng lớn xe quá tải đã và đang lưu thông từ điểm khai thác đến các địa điểm thu mua gây ô nhiễm môi trường trên một tuyến đường dài nhưng vẫn không có một lực lượng chức năng nào can thiệp, xử lý?
Tuyến đường bê tông liên thôn từ điểm khai thác ra đến đường mòn Hồ Chí Minh dài khoản 4km đã bị băm nát và phủ một lớp cát, sỏi dày đặc, nguy cơ tai nạn luôn rình rập cho người tham gia giao thông trên tuyến đường này, cả những cây cầu tạm yếu ớt cũng phải gồng mình chống đỡ những chiếc xe tải trọng lớn.
Một thanh niên sống tại khu vực này cho biết: “xe chở cát, sỏi chạy cả ngày lẫn đêm, còi mãi cũng không tránh. Cát rơi dày đặc khiến người tham gia giao thông khi vào tuyến đường này dễ choạng tay lái, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao đặc biệt là trẻ em và người già”
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã đang có 3 đơn vị doanh nghiệp đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác cát vào khoảng cuối năm 2016. Chính quyền địa phương cũng hay cho người ra kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác mỏ”.
“Các hồ sơ thủ lục liên quan đến mỏ do doanh nghiệp giữ, muốn làm việc thì phải gặp chủ doanh nghiệp họ sẽ cung cấp”- ông Thắng nói.
Trao đổi về vấn đề đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm do các lượt xe chở vật liệu có “dấu hiệu” quá tải lưu thông trên tuyến đường này hay không thì vị chủ tịch nói: “tuyến đường bê tông liên thôn này do huyện làm chủ đầu tư, xã chỉ là đơn vị hưởng lợi, hiện tại thì tuyến đường vẫn chưa nghiệm thu và bàn giao cho xã nên chính quyền xã không có cơ sở và thẩm quyền để giải quyết”.
Bùi Tuấn - Thiên Phong
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng