Sự kiện hot
13 năm trước

Rùng mình chất lượng thịt thú rừng

Tình trạng buôn bán thịt động vật hoang dã tràn lan khắp nơi, từ xa lộ, trên các tuyến phố, vào đến nhà hàng, quán ăn... vùng ven trung tâm TP HCM và các tỉnh lân cận. Nếu biết rõ chất lượng loại thịt này, nhiều người phải rùng mình...

Tình trạng buôn bán thịt động vật hoang dã tràn lan khắp nơi, từ xa lộ, trên các tuyến phố, vào đến nhà hàng, quán ăn... vùng ven trung tâm TP HCM và các tỉnh lân cận. Nếu biết rõ chất lượng loại thịt này, nhiều người phải rùng mình...

Thịt thú rừng bán tràn lan

Dọc theo Hương lộ 3 nối đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, hai bên đường có nhiều sạp quán bán thịt thú rừng tự phát, tạo thành những nhóm "chợ" nhỏ, chuyên kinh doanh đủ loại thịt thú rừng như: heo rừng, dê núi, nai, mễn, sơn dương, chồn, trút, gà rừng, cheo, dúi, rắn, rùa, nhím...

Thịt được làm sẵn, treo lủng lẳng trên các sạp để mời chào khách. Bên cạnh, còn rất nhiều lồng, chuồng đang nhốt thú rừng sống, chờ có mặt khách đặt hàng mới mổ thịt.

 “Muốn mua loại thú rừng nào cũng có, cần phải đặt hàng trước. Thú bình thường thì một hoặc hai hôm, thú quý hiếm thì một tuần, hàng đặt biệt “hiếm” thì phải để lại số điện thoại, chúng tôi thông báo cho thợ săn biết để “lùng hàng”, giá cả thông báo sau...”, một người bán tại đây cho biết.

Người kinh doanh đang bán thịt rừng cho khách trên Hương lộ 3.

Tại đường Tân Chánh Hiệp, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, nơi chuyên bán thịt heo rừng, dê rừng..., một chủ hàng "quảng cáo": “Người đến mua thịt rừng nơi đây rất nhiều. Thịt ở đây rất ngon, bổ dưỡng…”.

Chúng tôi cầm phần thịt rừng được treo từ lúc sáng sớm, trở qua, trở lại xem chất lượng, chủ hàng này trấn an: “Anh đừng lo ngại, chúng tôi bán thịt rừng từ lâu, thịt chính gốc, không phải thịt dỏm, thịt “nhái” đâu mà sợ”.

Khi được hỏi, bán thịt thú rừng không sợ vi phạm pháp luật, người đàn ông trên thản nhiên đáp: “Vi phạm thì vi phạm, nhưng ở đây nhiều người bán thịt thú rừng, và họ vẫn cứ bán bình thường, chứ đâu phải riêng tôi” . 

Người đàn ông gom thú rừng vào nhà khi thấy PV ghi hình các sạp tại tuyến đường Tân Chánh Hiệp.

Dọc dài theo hai bên quốc lộ 1A (thuộc ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), có hàng chục điểm bán chim hoang dã thui rơm. Chim cứ nằm trơ phơi nắng, phơi gió và khói bụi của xe qua lại, màu thịt tươi hồng chuyển sang thâm tím.

Chim thui rơm được đặt bán trên thùng xốp, trong mỗi thùng xốp luôn trữ sẵn một số lượng lớn đã qua làm thịt.

Một nữ chủ quán giải thích: “Loài chim hoang dã này được săn bắt từ những cánh đồng lúa rộng mênh mông, hay các khu rừng tràm rậm rạp. Sau khi săn bắt, chim sẽ được làm thịt sơ qua tại chỗ, dùng rơm lúa đốt cho thịt chín sơ, rồi đem đi bán”.

Một người xe ôm gần đó cho biết thêm: “Nếu không thui rơm, khi vận chuyển, chim sẽ bị ôi thối, thịt chim bị mềm nhũn...”.

Đi một vòng ven trung tâm thành phố, dễ dàng nhìn thấy hàng loạt quán kinh doanh thịt rừng, như khu vực đầu đường Phạm Viết Chánh (quận 1), hay xa hơn là quốc lộ 22 (đoạn qua quận 12, gần ngã tư An Sương)... Tuy hầu hết các quán chỉ ngụy trang bằng một con bê thui vàng ươm phía trước, nhưng bên trong, những món đặc sản thú rừng, gọi loại nào cũng có...

Thịt bẩn biến thành đặc sản

Anh Nguyễn Văn Th. (37 tuổi, quê Lâm Đồng), thường đi cùng nhóm săn bắn, thỉnh thoảng đi TP HCM giao hàng nếu có “mối” đặt thú rừng sống. Anh này cũng là người hướng dẫn khách cách chăm sóc thú rừng đến lúc chờ làm thịt. 

Những món thịt rừng nhìn hấp dẫn sau khi được chế biến từ thịt thú rừng hôi thối.

Anh Th. cho biết, giá một con thú còn sống khá cao, tùy thuộc vào thời điểm. Còn thịt thú chết giá rất thấp. Thực tế, hầu hết thịt rừng chuyển vể giao cho các bạn hàng mối ở TP.HCM, các nhà hàng, quán nhậu...., chủ yếu là thịt thú rừng đã chết.

Chúng tôi mời anh Th. vào một quán chuyên kinh doanh các món thịt rừng (trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú) để bàn về chuyện các loài thú rừng có mặt trong cuốn thực đơn.

“Thịt rừng từ chính tay săn bắn chúng tôi mới dám ăn, chứ thịt về thành phố không bao giờ dám đụng đến. Thịt thú rừng còn sống, nhờ sau những lần cài bẫy được, nuôi dưỡng, chờ gặp "đại gia" đặt hàng thì giao. Còn những con đã thú chết, cắt thịt thành miếng lớn, cho vào thùng xốp, gửi xe khách chuyển về TP HCM. Sở dĩ phải dùng thùng xốp, nhằm ngăn mùi hôi thối bốc lên, tránh để người dân phát hiện mùi hôi, sẽ bị tố giác...", anh Th. nói.

Theo anh Th., những loại thú rừng có mặt trong các thực đơn của nhà hàng, quán ăn... như heo rừng, nai, mễn, sơn dương... buộc phải săn bắn bằng súng đi săn. Mỗi con thú rừng bị hạ gục, sẽ được dùng một bao bì kín hơi, cho thú chết vào, buộc chặt miệng bao lại, đào đất lên, chôn sâu xuống lòng đất, nhằm tránh bị các con thú lớn phát hiện, ăn mất. Sau đó, đánh giấu vị trí, đợi ngày đi săn quay về  bới lên xử lý, lấy phần thịt mang về, giao đến các nơi tiêu thụ thịt rừng. 

Nếu gặp may, săn được nhiều thú, họ cứ tiếp tục đi, cứ tiếp tục giấu chôn thú ủ xuống đất. Đến ngày về, gom thịt thú ra đầu rừng, có người đón sắp xếp và phân phối hàng, cho thịt vào tủ đông giữ lạnh, xếp tiếp thịt vào thùng xốp, rồi chuyển đi đến các điểm ở TP.HCM bằng xe ôtô. 

Anh Th. cũng cho hay, nguồn cung cấp hàng thú rừng chủ yếu từ rừng Nam Cát Tiên. Mỗi chiều, các thợ săn thường đặt bẫy, đêm đến chờ nghe tiếng âm thanh phát ra từ những con thú bị sập bẫy. “Phải đặt bẫy cho đúng cách để con thú bị “dính” vẫn còn sống, nếu thú bị chết, có giá rất thấp. Thường những thú rừng bị dính bẫy là chỉ những loài thú nhỏ.

Theo PLVN


Từ khóa: