Sự kiện hot
13 năm trước

Rượu cất trên... cây

Nếu đã từng đặt chân lên đỉnh Trường Sơn ở các huyện miền núi Quảng Nam mà chưa một lần nhấp nháp chút rượu Tr’đin hay T’vạc thì coi như bạn vẫn... chưa biết miền núi C’Tu là gì!

Nếu đã từng đặt chân lên đỉnh Trường Sơn ở các huyện miền núi Quảng Nam mà chưa một lần nhấp nháp chút rượu Tr’đin hay T’vạc thì coi như bạn vẫn... chưa biết miền núi C’Tu là gì!

Tr’đin và T’vạc là 2 loại rượu đặc sản có một không hai của người C’Tu. Điều thú vị là toàn bộ “công nghệ làm rượu” đều được thực hiện ngay trên cây, tuyệt nhiên không “vướng” bất kỳ một loại hóa chất nào.

Ở miền xuôi, người ta gọi Tr’đin là cây mốc, gần giống với cây đủng đỉnh; còn T’vạc thì gần giống với cây dừa. Rượu T’vạc thì Thanh Niên đã từng có lần giới thiệu. Nhưng với nhiều người, khi đã uống “ngấm” cả Tr’đin với T’vạc thì thường gật gù dành sự ưu ái hơn cho rượu Tr’đin bởi loại này ngọt và đậm hơn, khiến người uống cảm giác như đang ngất ngây trong điệu t’tung da’dă với sơn nữ C’Tu.

Ảnh: Vũ Phương Thảo

Công đoạn làm rượu Tr’đin bắt đầu từ việc tìm chọn cây to, cao, sao cho lúc đục cây phải đúng thời điểm ra nước thì mới có nhiều rượu. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm biết nhìn đọt cây nên thường chỉ do những người lớn tuổi đảm nhiệm. Tiếp đến, để phục vụ cho việc cất rượu và lấy rượu sau này, người ta bắc giàn bằng tre, nứa từ dưới đất lên tới vị trí đục cây lấy rượu. Từ khi đục thân, bắt buộc ngày nào cũng phải “thăm cây” để cắt mỏng một lớp ngay chỗ vị trí đục để tạo vết. Thường sau từ 3 đến 6 ngày, thân cây bắt đầu chảy ra thứ nước trăng trắng, sệt sệt. Lúc này, người C’Tu chỉ cần làm một máng nhỏ để dẫn nước Tr’đin chảy theo đường máng, nhỉ xuống ống nứa hứng sẵn có chứa vỏ cây chuồn khô cho lên men. Đến đây thì rượu Tr’đin thành phẩm đã ra lò!

Thông thường, một cây Tr’đin có thể khai thác liên lục trong 2 năm. Nước Tr’đin có vị ngọt đòi hỏi người làm rượu phải biết chăm, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ máng và ống nứa vì có rất nhiều ong, bướm, phù du tìm đến. Rượu Tr’đin muốn để trong chum, ché lâu khoảng vài tháng thì phải thay vỏ cây chuồn thường xuyên và châm thêm nước mới. Vào các dịp lễ hội hay có đám, nhà có khách quý, người C’Tu mới mang rượu Tr’đin ra mời. Rượu Tr’đin không uống trong ly mà phải uống bằng ống nứa mới đúng kiểu. Lẫn trong vị ngọt lịm tựa như rượu nếp dưới miền xuôi, thoang thoảng thêm vị chát của vỏ cây chuồn cùng mùi thơm của ống nứa tươi tạo nên hương vị rượu Tr’đin đậm đà “không đụng hàng”.

Được làm bằng hương vị tự nhiên 100% nên rượu rất dễ uống, ít say. Nếu lỡ có quá chén thì tuyệt nhiên không đau đầu mà sáng mai thức dậy còn thấy sảng khoái. Điều thú vị nhưng cũng đầy huyền bí có thực là khi uống Tr’đin, tuyệt đối không được đổ rượu thừa vào bếp lửa vì cây Tr’đin “kỵ” tro bếp nóng, nên vì thế cây sẽ không tiếp tục chảy nước để cất rượu. Bởi vậy mà người C’Tu hay dặn nhau khi chếnh choáng, ngà ngà hơi men cũng phải nhớ rõ điều này. Nếu ai lỡ quên mà đổ rượu thừa vào bếp thì coi như mùa lúa mới năm đó phải quay quắt, chông chênh trong nỗi thiếu vắng rượu Tr’đin.

Còn nếu ai đã từng đặt chân lên nơi lưng chừng trời này cũng phải tìm bằng được rượu Tr’đin để nhấm nháp một lần ước, để rồi vị ngọt chát cứ đeo đẳng mãi trên mỗi bước chân người về xuôi... 

Vũ Phương Thảo
Theo TNO


Từ khóa: