Sự kiện hot
6 năm trước

Sai phạm nối tiếp sai phạm ở phòng khám MD Beaute: Ai bảo vệ khách hàng?

Quảng cáo sai sự thật, nhập nhằng tên gọi… thậm chí, Cơ sở thẩm mỹ MD Beaute (344 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) còn có những vi phạm nghiêm trọng khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng khách hàng…

Báo Đời sống và Tiêu dùng số 304 ra ngày 23/5/2019 có bài viết phản những sai phạm liên quan đến việc quảng cáo sai sự thật, nhập nhằng tên gọi và sử dụng bác sĩ chưa có bằng cấp phẫu thuật tạo hình của cơ sở thẩm mỹ MD Beaute.

Chưa dừng ở đó, cơ sở thầm mỹ này còn có dấu hiệu vi phạm liên quan đến giấy phép hoạt động và nhân sự của phòng khám đằng sau những sai phạm của Cơ sở thẩm mỹ MD Beaute.

Nhân sự “ma”?

Để thâm nhập cơ sở, trong vai trò khách hàng, PV đến tư vấn nâng mũi tại MD Beaute. Tại đây, nhân viên tư vấn tên Hải cam kết bác sĩ trực tiếp thực hiện phẫu thuật chứ không phải là kỹ thuật viên và người thực hiện có thể là bác sĩ Thành hoặc bác sĩ Nguyên.

Ảnh cắt từ Livestream tạo hình phẫu thuật nâng ngực của trang “Phẫu Thuật Thẩm Mỹ A&K”
Ảnh cắt từ Livestream tạo hình phẫu thuật nâng ngực của trang “Phẫu Thuật Thẩm Mỹ A&K”

Theo tìm hiểu, người được nhắc đến, bác sĩ Nguyên tên đầy đủ là Bùi Hải Nguyên sinh năm 1988. Thông tin được lưu trữ ở Cổng thông tin của Sở Y tế thì Bùi Hải Nguyên đăng ký hành nghề là “Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Nội tổng hợp!”. Trường hợp, nếu để một bác sĩ Nội tổng hợp phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi là vi phạm pháp luật!

Giấy phép hoạt động số 05533/SYT-GPHĐ mà Cơ sở thẩm mỹ quảng cáo trên các trang Facebook đúng là đã được đăng ký ở Sở Y tế. Trong giấy phép, có tên “Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH MD Beaute” ở địa chỉ 344 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Theo giấy phép, người phụ trách chuyên môn kỹ thuật là ông Nguyễn Văn Phượng (sinh năm 1955), số chứng chỉ hành nghề là 013776/HCM-CCHN phạm vi hành nghề là “Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình”.

Bên cạnh đó, theo giấy phép nhân sự của phòng khám còn có bà Đinh Thị Lan có số chứng chỉ hành nghề là 0032025/HCM-CCHN phạm vi hành nghề theo Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV ngày 22/04/2005 (Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế điều dưỡng).

Rõ ràng, danh sách nhân sự ở phòng khám đăng ký ở Sở Y tế chỉ có 2 người đó là ông Nguyễn Văn Phượng và bà Đinh Thị Lan. Các bác sĩ khác như: Bác sĩ Ngô Kiều Khanh (người trực tiếp tiêm Filler cho khách hàng được nhắc đến ở kỳ 1), bác sĩ Bùi Hải Nguyên, bác sĩ Thành không có trong danh sách nhân sự.

Phẫu thuật nâng ngực, tiêm Filler khi chưa được cấp phép

Trong giấy phép hoạt động 05533/SYT-GPHĐ của Sở Y tế quy định rõ danh sách phạm vi hoạt động đã đăng ký. Cụ thể: “Chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ. Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, tạo hình cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, sửa da ở vùng cổ. Tạo hình mí mắt, tạo hình mũi, tạo hình môi, tạo hình tai”. Và cùng quy định rõ những việc không được làm bao gồm: “Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú; núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể”.

Không chỉ có bác sĩ Ngô Kiều Khanh tiêm Filler khi chưa được cấp phép, MD Beaute còn tổ chức thực hiện phẫu thuật nâng ngực. Ngày 13/05/2019, trang “Phẫu Thuật Thẩm Mỹ A&K” tiến hành phát trực tiếp (livestream) với thời lượng hơn 5 phút về việc bác sĩ Thành (mặc áo mổ, đeo khẩu trang) vẽ tạo hình ngực cho một vị khách chuẩn bị “trùng tu” vòng một.

Chiều cùng ngày, trang này cũng chia sẻ livestream dài hơn 3 phút với nội dung ngực trước và sau khi thẩm mỹ của khách hàng. Bỏ qua việc bác sĩ Thành có bằng cấp về phẫu thuật tạo hình hay không, việc Cơ sở thẩm mỹ số 342 – 344 Cao Thắng thực hiện phẫu thuật nâng ngực là nằm ngoài giấy phép, vi phạm pháp luật.

Phẫu thuật nâng ngực khá phức tạp thường phải gây mê khi tiến hành, các phòng khám cơ sở thẩm mỹ nhỏ lẻ không đủ điều kiện cũng như trang thiết bi y tế cần thiết để tiến hành. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai biến thậm chí tử vong do phẫu thuật ở các cơ sở nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm. Để đảm bảo an toàn phẫu thuật nâng ngực phải được thực hiện trong các bệnh viện lớn được Sở Y Tế cấp phép, đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và kinh nghiệm chuyên môn cao.

Quảng cáo sai sự thật, nhập nhằng tên gọi, sử dụng bác sĩ chưa có bằng cấp phẫu thuật tạo hình, tổ chức tiêm Filler, tổ chức nâng ngực khi chưa được cấp phép…. Với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng vậy mà phòng khám MD Beaute vẫn ngang nhiên thực hiện trong một thời gian dài, lừa dối hàng trăm thậm chí hàng nghìn khách hàng. Vậy vai trò cơ quan quản lý nhà nước ở đâu trong vụ việc này? Nếu xảy ra sự cố y khoa, ai là người phải chịu trách nhiệm hay để khách hàng “tiền mất, tật mang”?

Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: