Sự kiện hot
13 năm trước

Sâm và những cơn “sóng ngầm”

Những dự án nghiên cứu khoa học, đầu tư kinh tế, phát triển hàng trăm hécta trồng mới đã “hồi sinh” cây sâm Ngọc Linh - dược liệu quý từng có nguy cơ tuyệt chủng.

Những dự án nghiên cứu khoa học, đầu tư kinh tế, phát triển hàng trăm hécta trồng mới đã “hồi sinh” cây sâm Ngọc Linh - dược liệu quý từng có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhưng cuộc “hồi sinh”ngoạn mục ấy giữa đại ngàn Ngọc Linh cũng cuốn theo nó những cơn “sóng ngầm”, trong đó có cả tranh chấp địa giới, thương hiệu lẫn những vụ đột kích, trộm sâm táo bạo…


Sâm dây bị khai thác theo kiểu tận diệt, bày bán công khai cả tấn tại Măng Ri (Kon Tum).

 Tận diệt sâm tự nhiên

A Tiến - gã thợ rèn sành điệu ở làng Đắk Dơn, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - khoe với tôi là đã “giẫm nát” trên 5.000ha rừng tự nhiên Ngọc Linh. Tiến và nhóm thanh niên thợ rèn làng Đắk Dơn thường mang cuốc, dao rựa... rèn được để đến các bản làng người Xê Đăng tận Mường Hoong, Đắk Glie, Nam Trà My, Phước Lộc (Quảng Nam) để bán, đổi sản vật. Trong đó, sâm là sản vật quý hiếm mà nhóm này săn lùng, đổi bằng nông cụ và cả mua theo kiểu bán buôn.

Tôi gọi Tiến là “gã thợ rèn sành điệu” bởi hình thức bên ngoài của cậu ta đã “thoát ly” khỏi tộc người Xê Đăng. Nhưng, cái sành hơn là những thông tin “lượm nhặt” được trên cung đường buôn bán nông cụ của mình. Tiến kể, dù sâm có giá trị cao chẳng khác gì trầm, kỳ, huỳnh đàn, trắc thối có ở núi Ngọc Linh, nhưng chưa xảy ra những cuộc chém giết, thủ tiêu nhau để cướp hàng giữa rừng như các loại lâm sản kia.

Bởi lẽ đơn giản là rất ít người còn săn lùng được sâm tự nhiên. Gần như sâm Ngọc Linh đã mất sạch từ những năm đầu thập niên 1980. Những người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông trước đây may mắn có được củ sâm lớn, có tuổi đời lâu năm thì cũng đã bán với giá rẻ mạt vì không biết giá trị thật của nó.

Tiến kể: “Trước đây, nhân sâm mọc tự nhiên trên rừng, cha ông mình biết nhưng luôn xem là “cây thuốc dấu”. Những khi thật cần thiết để chữa bệnh thì mới lấy về sử dụng. Thanh niên trong làng, mỗi năm khi đi thi thố các môn thể thao, điền kinh đều được... ngậm sâm, hoặc uống nước, ăn canh nấu từ lá, hoa sâm nên khi nào cũng giành được giải cao cấp huyện, tỉnh”. Với đồng bào Xê Đăng sống quanh đỉnh Ngọc Linh bây giờ vẫn trông chờ vào vận may đối với cây sâm. Họ căng mắt khi đi rừng, nhưng trường hợp được sâm “khủng” tự nhiên bây giờ là rất hiếm.

Điều đáng nói là loại thuốc quý hiếm, bên bờ tuyệt chủng như sâm lại không chịu quy định cấm buôn bán, sở hữu như trầm hương, kỳ nam, huỳnh đàn... Bởi vậy hiện vẫn có nhiều người sưu tầm, sở hữu sâm “khủng” trong cộng đồng, làm quà biếu cao cấp. Riêng sâm dây - một loại sâm tự nhiên - đã được đưa vào “sách Đỏ” năm 1996, hiện vẫn còn khá nhiều trên rừng tự nhiên Ngọc Linh.

Tuy vậy, hiện chưa có quy định nào về việc nghiêm cấm khai thác theo kiểu tận diệt, bảo vệ khoanh nuôi loài thuốc quý này. Khắp các hàng quán tạp hoá từ Tê Xăng, lên Măng Ri, Ngọc Lây (thuộc huyện Tu Mơ Rông), nơi nào cũng bày bán công khai sâm dây với số lượng cả tấn. Giá 1kg sâm dây tươi chỉ 50.000-100.000 đồng; 350.000-700.000 đồng/kg sâm dây khô, phục vụ chủ yếu cho các nhà thuốc đông y, cổ truyền. Không chỉ đào bới sâm dây dọc bờ rào các rẫy như trước đây, mà người Xê Đăng bây giờ còn cất công vào sâu trong rừng để khai thác triệt để loại sâm này.

Cam go bài toán bảo vệ

Sau khi vượt hết quãng dốc dựng ngược, đến khu vực rừng nguyên sinh ở độ cao trên 1.700m, chúng tôi phải qua thêm 2 cổng kiểm soát nghiêm ngặt mới chính thức bước vào khu vực quản lý của Trung tâm sâm Ngọc Linh, thuộc Cty TNMTV lâm nghiệp Đắc Tô. “Chủ vườn” sâm Nguyễn Mạy nhắc nhở mọi thành viên là hãy cẩn thận, bám sát sự hướng dẫn của nhân viên theo cơ chế “một kèm một”.

Theo ông Mạy, việc “chăm sóc” đặc biệt kỹ khách lạ đến vườn sâm có nhiều lý do, trong đó có việc bảo vệ cho cây sâm và sự an toàn của khách. Đã từng xảy ra nhiều vụ việc người lạ “tiện tay” nhổ trộm sâm. Chỉ cần một củ 6 - 7 năm tuổi thì đã có cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, hệ thống hầm chông, bẫy, thò... mà nhân viên là người Xê Đăng gài theo truyền thống người dân tộc rất nguy hiểm. Đặc biệt, đối với vườn sâm thuần chủng ở Ngọc Linh, nhà vườn rất sợ các đối tượng mang các loại thảo dược, nguồn gene biến đổi với mục đích phá hoại.

 


Gã thợ rèn A Tiến (trái) ở làng Đắk Dơn.

 Thật vậy, những năm gần đây các vườn sâm ở Quảng Nam, Kon Tum liên tục bị đột kích, thậm chí tấn công lực lượng bảo vệ để nhổ trộm. Mới đây, tháng 10/2011, tại tiểu khu 217, thuộc xã Măng Ri, “lâm tặc” đã tấn công, cướp đi 1.000 cây sâm, loại 5 - 6 năm tuổi. Cả diện tích hơn 400m2 đã bị nhổ sạch nhẵn. Trước đó, nổi lên vụ trộm sâm hơn 50kg, trị giá tiền tỉ ở Trạm dược liệu Trà Linh (Quảng Nam).

Các đối tượng Nguyễn Hữu Vương, Huỳnh Hữu Lực, Nguyễn Hữu Toàn, A Vinh, Nguyễn Văn Tuấn đã bị TAND Quảng Nam năm 2010 tuyên án 10 năm tù. Rồi năm 2011, TAND huyện Tu Mơ Rông cũng đã xét xử, tuyên 1 năm tù giam đối với Hồ Nhất Linh - công nhân lái xe một công trình gần núi Ngọc Linh vì hành vi trộm 84 cây sâm non (2kg), bán 15 triệu đồng...

Hiện, các vườn sâm luôn là tâm điểm thu hút các đối tượng săn trộm. Riêng thông tin về “cuộc đại náo” của người dân Tu Mơ Rông, cướp phá trên 12ha sâm mới rộ ra. Với một vụ cướp xảy ra trong rừng cao gần 2.000m thì không thể chứng kiến được, chúng tôi tập trung thu thập thông tin từ các nguồn tin tại hiện trường và cơ quan chức năng, có trách nhiệm. Tuy nhiên, cho đến lúc này, các cơ quan này vẫn chưa xác nhận các thông tin râm ran khắp nơi trong khu vực. Ngoài các vụ trộm cướp, những cuộc chiến ngầm tranh chấp địa giới, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm mang tên sâm Ngọc Linh là có thật...

Sâm và giá trị tiềm năng

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng cho biết, khôi phục và phát triển cây sâm Ngọc Linh có nhiều ý nghĩa đối với địa phương. Nhiệm vụ lớn, đã thành công là bảo tồn được nguồn gene cây thuốc quý tự nhiên, tạo điều kiện và phát huy được kiến thức dân gian sử dụng loại dược thảo này. Trong chuyến viếng thăm “vương quốc sâm” lần này, tôi đã gặp ít nhất 2 đoàn doanh nghiệp đến khảo sát, đặt vấn đề đầu tư.

Trong đó một đoàn đến từ Cty CP dược phẩm Hà Tây, một nhóm DN tại Đà Nẵng là những người trong Câu lạc bộ “Chơi sâm” (choisam.org). Ông Hoàng Trọng Nguyên - GĐ Cty CP dược phẩm Hà Tây - cho biết, sau chuyến khảo sát, làm việc với UBND tỉnh Kon Tum lần này, Cty dược Hà Tây sẽ quyết tâm đầu tư vườn sâm ngay tại Tu Mơ Rông để làm vườn nguyên liệu. Chỉ ở đỉnh Ngọc Linh mới hội đủ các điều kiện để cây sâm sinh trưởng, phát triển và phát huy tác dụng dược lý của nó.

Ông Nguyễn Thanh Tuyền - một thành viên Câu lạc bộ “Chơi sâm” ở Đà Nẵng, người đang sở hữu nhiều củ sâm tự nhiên có nguồn gốc từ Ngọc Linh - cho biết, kết quả nghiên cứu khoa học của các chuyên gia trên thế giới cũng như những phân tích trên từng củ sâm Ngọc Linh của Trung tâm Nghiên cứu sâm TPHCM đã chứng minh giá trị dược lý vượt trội của sâm Ngọc Linh so với các loại sâm ở Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ. Tuy nhiên, hiện có nhiều củ sâm trên thị trường, giới thiệu gốc ở Ngọc Linh, nhưng qua phân tích thì không đủ các thành tố giống cây sâm bản địa.

Ông Tuyền nghi ngờ có thể vì lợi nhuận, các đối tượng đã khai gian nguồn gốc, mạo nhận là sâm Ngọc Linh để nâng giá, nhưng cũng có khả năng người ta mang giống sâm từ nơi khác đến để trồng tại Ngọc Linh...

Trong lúc này, Cty dược phẩm Quảng Nam - địa phương đã có sẵn vườn sâm, trung tâm dược liệu trên đỉnh Ngọc Linh - đang chuẩn bị kế hoạch cho ra hàng loạt sản phẩm liên quan đến sâm. Trong đó có các loại nước uống tăng lực, giải khát mang thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đây không chỉ là ý tưởng riêng có của Cty dược phẩm Quảng Nam. Các doanh nhân thăm vườn sâm ở Kon Tum cũng cho biết ý định tương tự. Trong số 5.000ha rừng tự nhiên, có độ che phủ 70 - 80%, ở độ cao xấp xỉ 2.000m hiện nay ở Ngọc Linh, có đến 3.000ha có khả năng trồng, phát triển cây sâm.

Số diện tích này phân bổ quanh đỉnh Ngọc Linh, trên địa phận tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum với sự tham gia trồng sâm của nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và cả tư nhân. Song thương hiệu và chỉ dẫn địa lý về cây sâm Ngọc Linh và các sản phẩm liên quan đến nó hiện nay vẫn là “cuộc chiến” ngầm. Tại hội nghị liên kết kinh tế miền Trung cách đây 2 năm, ông Hà Ban - Bí thư Kon Tum - đã từng nêu ý kiến là Quảng Nam và Kon Tum cần phải “ngồi lại”, bắt tay trong việc đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ về thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với cây sâm và các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh.

Thế nhưng, những động thái này cho đến thời điểm hiện nay vẫn diễn ra độc lập ở cả hai địa phương. Bởi vậy, những cuộc xung đột liên quan đến bản quyền thương hiệu trong tương lai là điều có thể dự đoán trước.

Theo Lao Động


Từ khóa: