Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tham dự Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023

Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam diễn ra từ 9-12/11/2023 vừa qua Tại Hoàng thành Thăng Long, đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân thủ đô và vùng lân cận. Sự kiện diễn ra nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam…

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Tài hoa kết tinh thành giá trị”. Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam trải qua lịch sử phát triển nghìn năm. Bàn tay khéo léo, trí óc sáng tạo của bao thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi dày công “thổi hồn” cho từng tác phẩm độc đáo, tinh tế, chuyển tải di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống của cộng đồng, dân tộc, vừa có tính ứng dụng, gần gũi, vừa có tính thẩm mỹ, nghệ thuật. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Ông bà ta vẫn thường nhắn gửi: “Chỉ có người phụ nghề, chứ nghề không phụ người”. Yêu nghề, kính nghiệp, chúng ta càng bày tỏ sự biết ơn và trân trọng đến mỗi ngành nghề, làng nghề, để mỗi sản phẩm làng nghề càng ngày bay cao, vươn xa.

Picture 6
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo đó, gian hàng Hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt: Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quốc tế; Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Không gian làng nghề di sản; Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền; Gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề của các địa phương trên cả nước; Triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam… 

Picture 5

Trong khuôn khổ Festival, không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền có quy mô 150m2 để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền địa phương nhằm tạo cơ hội cho khách hàng đến tham quan, giao dịch và tham gia các hoạt động của Festival. Các sản phẩm được trưng bày, sắp xếp mang màu sắc đặc trưng vùng miền, thể hiện văn hóa bản địa.

Tại Festival năm nay, các sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Tĩnh khá đa dang và mang lại sự thích thú cho khách hàng khi tới trải niệm và mua sắm. Nổi bật là sản phẩm Tinh bột nghệ nguyên chất của cơ sở sản xuất Thu Hằng tại Hương Sơn - Hà Tĩnh mang đến tại Festival lần này.

Khách hàng tham quan và mua sắm tại gian hàng sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Sản phẩm Tinh bột nghệ nguyên chất được chế biến theo công nghệ sấy lạnh đang là công nghệ sấy tốt nhất hiện nay, tinh bột nghệ của cơ sở sản xuất Thu Hằng có hàm lượng curcumin và chất dinh dưỡng được giữ lại hoàn toàn, vẫn giữ nguyên hương vị và mùa sắc của củ nghệ, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Picture 3
Chị Võ Thị Thu Hằng - chủ cơ sở sản xuất Tinh bột nghệ nguyên chất Thu Hằng

Chị Thu Hằng chủ cơ sở sản xuất chia sẻ, trước đây chị đã từng bị bệnh về đường ruột, dạ dày nên đã sử dụng tinh bột nghệ từ lâu. Xuất phát từ sự tò mò, muốn tìm hiểu để tự mình chiết xuất sản phẩm phục vụ cho bản thân, chị Hằng đã dày công tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và thử nghiệm thành công sản phẩm tinh bột nghệ vào năm 2015.

Sản phẩm tinh bột nghệ do chị sản xuất đã là sản phẩm OCOP đạt chứng chỉ 3 sao có chứng nhận GMP. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất do chị Thu Hằng làm chủ làm ra 25kg tinh bột nghệ nguyên chất (từ 500kg nghệ tươi). So với những sản phẩm cùng loại trên thị trường, tinh bột nghệ của cơ sở có giá tương đối cạnh tranh (400.000 đồng/hộp/kg). Mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 1,8 tấn tinh bột nghệ với doanh thu từ 650 - 700 triệu đồng (chưa kể 400 triệu đồng từ các dòng sản phẩm khác); tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Tháng 6/2023, sản phẩm tinh bột nghệ của Thu Hằng được huyện Hương Sơn công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm cũng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ của Thu Hằng còn đạt giải tại Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2022.

Picture 2
Sản xuất tinh bột nghệ tại cơ sở của chị Hằng

Cùng với sản xuất Tinh bột nghệ nguyên chất, chị còn tận dụng triệt để vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến thêm một số mặt hàng khác như tinh bột sắn dây, bột ngũ cốc, ngâm các loại rượu từ hoa quả có nguồn gốc từ rừng núi như sim, ba kích, chuối hột… Ngoài ra chị còn chế biến các đặc sản của nơi khác ví dụ như hà thủ ô, nụ hoa tam thất, tam thất,...nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con.

Cơ sở sản xuất của chị Hằng đã tiến hành thu mua nguyên liệu của bà con tại địa phương, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao đầu mối cho người dân.

Sản phẩm của chị được phân phối rộng rãi trên cả thị trường trong và ngoài nước. Trong nước đa số sản phẩm đã đến được với tất cả các tỉnh. Bên cạnh đó, tinh bột nghệ của chị cũng được ưa chuộng tại một số thị trường nước ngoài như Đức, Mỹ, Israel, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan,…

Với mục tiêu xuyên suốt “Sự hài lòng về chất lượng của quý khách là niềm hạnh phúc của chúng tôi”, cơ sở luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, cơ sở sản xuất của chị Hằng cũng đã tạo dựng được thương hiệu uy tín chất lượng, sản xuất ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt nhất đưa đến tận tay người tiêu dùng.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: