Dù chỉ được cấp phép là mỹ phẩm tuy nhiên, sản phẩm phụ khoa Sắc Ngọc Đơn đang được bày bán tràn lan trên thị trường với số lượng lớn lại được quảng cáo như “thần dược” chữa bệnh phụ khoa.
Có dấu hiệu lừa người tiêu dùng
Chị Lê Thị Hà (trú tại Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) tìm tới phòng khám sản khoa của bác sĩ Lê Thị K.D với triệu chứng ngứa, đau rát ở vùng kín. Ban đầu, chị nghĩ là viêm nhiễm phụ khoa bình thường nên chỉ sử dụng lá chè xanh rồi lá trầu không rửa nhưng tình trạng không cải thiện.
Sau đó, chị lên mạng và được các “dược sĩ online” bán sản phẩm Sắc Ngọc Đơn chẩn đoán: Viêm âm đạo, cổ tử cung do tạp khuẩn và cho thuốc đặt, đồng thời hướng dẫn chị Hà sử dụng thực phẩm chức năng viên uống điều huyết Sắc Ngọc Đơn và đặt kén Sắc Ngọc Đơn là sẽ hết bệnh.
Sau khi sử dụng bộ Combo Sắc Ngọc Đơn bao gồm Điều huyết Sắc Ngọc Đơn và kén đặt Sắc Ngọc Đơn xong, chị Hà chưa kịp vui thì 1 tháng sau lại bắt đầu có dấu hiệu ngứa.
Chị Hà có phản ánh với đại lý phân phối sản phẩm Sắc Ngọc Đơn thì được các đại lý giải thích: “Ngứa là sắp khỏi vì đang đẩy các chất viêm nhiễm ra ngoài”. Thế nhưng, tình trạng khó chịu nên chị lại tiếp tục vào bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán tình trạng viêm của chị càng ngày càng nặng hơn.
“Tôi cảm thấy hoang mang vì khi dùng viên đặt phụ khoa Sắc Ngọc Đơn cũng như uống thực phẩm chức năng điều huyết Sắc Ngọc Đơn, tôi nghi ngờ trong viên đặt hoặc viên uống có thành phần không đảm bảo chất lượng. Khi có phản ánh, phía công ty cũng không có phương án giải quyết thỏa đáng, lúc chưa mua thì tư vấn nhiệt tình bảo thuốc tốt lắm, lúc bán được rồi thì lại quay lưng với người tiêu dùng”.
Theo tìm hiểu, kén đặt phụ khoa Sắc Ngọc Đơn do Công ty TNHH dịch vụ và Phát triển thương mại Nhật Linh (Số 32, ngõ 1081, đường Hồng Hà, Phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội) do bà Phạm Nhật Linh làm Giám đốc. Sản phẩm được bán ra thị trường theo hệ thống bán hàng Đại lý và nhà phân phối và văn phòng giao dịch tại tầng 7 tòa nhà P.Tower 52 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Sắc Ngọc Đơn có số công bố là 37/19/CBM-Hnam với dạng sản phẩm chỉ là mỹ phẩm dùng để vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài. Thế nhưng khi sản xuất và bán ra thị trường, công ty vẫn làm kén đặt dùng để đặt vào bên trong âm đạo như thuốc bất chấp nguy hiểm.
Một bác sĩ phụ khoa cảnh báo: “Để sử dụng đặt vào bên trong vùng kín thì phải là thuốc. Nếu là mỹ phẩm thì người dùng không nên đặt vì sẽ gây nguy cơ viêm nhiễm, thậm chí còn gây vô sinh nếu sử dụng sai cách. Thực tế cho thấy, ngứa “vùng kín” là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau. Nếu không qua thăm khám thì rất dễ đến tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia, khiến tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn. Bất cứ sản phẩm nào được quảng cáo làm sạch vùng kín, làm thơm vùng kín, hay se khít hơn… chị em cũng cần hết sức cảnh giác vì có nguy cơ mất cân bằng môi trường âm đạo, dễ viêm nhiễm phụ khoa. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ phụ khoa trước khi định mua dùng và phải đến các trung tâm y tế để thăm khám”.
Sắc Ngọc Đơn vi phạm quy định ghi nhãn
Trong Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá đã quy định rõ, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá bao gồm: Tên hàng hoá; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm hàng hoá; định lượng hàng hoá; ngày sản xuất, hạn sử dụng; số lô sản xuất, thông tin cảnh báo... Tuy nhiên, nhãn sản phẩm kén đặt phụ khoa Sắc Ngọc Đơn cũng như điều huyết Sắc Ngọc Đơn đã không thể hiện đúng nội dung như vậy mà theo thông tư 06 Bộ Y tế thì số lô sản xuất là một trong những nội dung phải được thể hiện trên nhãn.
Quan sát sản phẩm độc giả cung cấp, nhãn sản phẩm kén đặt phụ khoa Sắc Ngọc Đơn chỉ ghi hồng âm tiêu viêm Sắc Ngọc Đơn, điều đó đã thể hiện không đúng so với công bố.
Ngoài ra, ở mặt sau cũng không ghi rõ hàm lượng, định lượng thành phần, không có thông tin về người chịu trách nhiệm khi đưa sản phẩm ra thị trường và thông tin nhà sản xuất cũng không có. Phía trong góc phải chỉ ghi thông tin là K-Gangnam Trading Promotion Company Limited VPDD ở 52 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội chung chung, không rõ là đơn vị sản xuất hay phân phối.
Ở một khía cạnh khác, sản phẩm bán cùng với kén đặt có tên gọi là thực phẩm chức năng “Điều huyết Sắc Ngọc Đơn” do Công ty TNHH xúc tiến thương mại K-Gangnam đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thu Hương (địa chỉ số nhà 11/20/823 Hồng Hà, Phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn.
Điều đặc biệt là hai sản phẩm kén đặt Sắc Ngọc Đơn và viên uống điều huyết Sắc Ngọc Đơn đều ghi trên nhãn là văn phòng đại diện tại số 52 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thông tư số 43/2014 của Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng yêu cầu nội dung cần được công bố với sản phẩm thực phẩm chức năng gồm: Hàm lượng; khuyến cáo về sức khoẻ; đối tượng sử dụng.
Tại Điều 11 của Thông tư trên quy định sản phẩm phải ghi cụm từ: Chú ý: "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác nếu có. Thế nhưng sản phẩm cũng không có cụm từ khuyến cáo người tiêu dùng. Điều đặc biệt là sản phẩm điều huyết Sắc Ngọc Đơn có số công bố ghi trên nhãn là 14630/2017/ATTP-XNCB nhưng tra cứu trên dữ liệu của Cục An toàn thực phẩm thì sản phẩm điều huyết Sắc Ngọc Đơn không có dữ liệu gì về sản phẩm cũng như tên công ty.
Để sản phẩm thực phẩm chức năng được phép lưu hành hợp pháp trên thị trường Việt Nam yêu cầu bắt buộc nhà sản xuất hoặc đơn vị phân phối phải công bố thực phẩm chức năng với các cơ quan chức năng, cụ thể là tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y Tế, để cấp Bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP...
Câu hỏi đặt ra trong sự việc này là: Tại sao một sản phẩm được đăng ký công bố sản phẩm và có giấy kiểm nghiệm sản phẩm lại không có thông tin trên trang thông tin của Cục An toàn thực phẩm? Tại sao không có dữ liệu cũng như giấy tờ về bản công bố sản phẩm mà công ty vẫn ngang nhiên bán hàng rầm rộ ra thị trường? Nếu số công bố trên nhãn sản phẩm là có thật, tại sao không thể tìm thấy trong hệ thống dữ liệu của Cục An toàn thực phẩm?
Liệu với các hình thức quảng cáo rầm rộ trên, Công ty TNHH xúc tiến Thương Mại K-Gangnam và công ty TNHH Thương mại và phát triển dịch vụ Nhật Linh có được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đúng theo thông tư của Bộ Y tế?PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, Chủ tịch Hiệp hội TPCN khẳng định: “Nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng điều huyết Sắc Ngọc Đơn hoàn toàn sai quy định ghi nhãn của một sản phẩm TPCN. Cụ thể, nhãn sản phẩm không được cấp phép lưu hành qua Chứng nhận phù hợp quy định ATVSTP của Cục An toàn thực phẩm. Đây là hàng sản xuất trôi nổi, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được một cơ quan quản lý nhà nước nào công nhận sản phẩm đủ điều kiện để sử dụng, ngoài ra, phải đáp ứng các yêu cầu về ghi nhãn khác, như: Chỉ định, chống chỉ định, cách sử dụng, số lô sản xuất, hạn dùng, điều kiện bảo quản...”.
Ở một khía cạnh khác, luật sư Đỗ Toàn Thắng - Công ty luật An Dân cho biết: "Về nguyên tắc, bất kỳ sản phẩm thực phẩm chức năng nào cũng phải được cấp Số đăng ký lưu hành trước khi đưa ra thị trường. Số đăng ký như một sự cam kết về chất lượng sản phẩm trước khi được bán rộng rãi. Tại Thông tư 43/2014 quy định về Quản lý thực phẩm chức năng nêu rõ, để được cấp Số đăng ký lưu hành đối với thực phẩm chức năng tự sản xuất, đơn vị sản xuất phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đối với ngành nghề sản xuất thực phẩm chức năng, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do Cục An toàn thực phẩm cấp. Ngoài ra, nhãn sản phẩm phải phù hợp với các quy định về ghi nhãn thực phẩm chức năng, cung cấp mẫu thử để kiểm nghiệm sản phẩm và tài liệu chứng minh công dụng sản phẩm". Cũng theo Luật sư Thắng, trường hợp sản phẩm thực phẩm chức năng chưa được cấp Số đăng ký lưu hành mà vẫn được lưu hành trên thị trường thì cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, thu hồi và lập biên bản xử phạt.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về việc!
Minh Châu
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng