Sự kiện hot
11 tháng trước

Sản xuất công nghiệp Hà Nội vượt khó trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu

Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực thiếu đơn hàng, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao. Hà Nội đã và đang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng.

Hà Nội hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ
Sản xuất công nghiệp Hà Nội vượt khó trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng trở lại, nhưng nhìn chung ngành Công nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới được dự báo là cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, góp phần phục hồi đà tăng trưởng của ngành Công nghiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể là theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước cũng là giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho.

Đồng thời, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm...; thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", xúc tiến đưa sản phẩm vào kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới...

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục yêu cầu các sở, ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Một năm khởi sắc của sản xuất công nghiệp dệt may Việt Nam

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký đã ban hành kế hoạch số 21/KH-UBND về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 6 tháng cuối năm 2023 và 2 năm cuối nhiệm kỳ.

Theo đó, TP đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023 là khắc phục hạn chế, bất cập trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023; phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu cao nhất để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Năm 2024-2025, thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Xây dựng, phát triển Thủ đô cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu qủa nhiệm vụ đề ra tại các chương trình, kế hoạch của Thành phố thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị mang tính chiến lược phát triển dài hạn; các Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII và của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

TP giao Sở Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát tốt giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là cân đối về xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng; kiên định mục tiêu kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%.

TP giao các sở, ban, ngành TP tiếp tục thu hút đầu tư mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư cả trong và ngoài ngân sách nhằm phát huy hiệu quả động lực tăng trưởng của đầu tư. Rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục xu hướng tăng chậm lại của sản xuất công nghiệp, nâng cao sức mua hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa.

TP tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. TP giao Sở KHĐT định kỳ tham mưu tổ chức giao ban để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc với các nhóm vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách (giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đơn giá, định mức, công bố giá, các vấn đề về quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, cấp phép phòng cháy chữa cháy…).

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: