"Vừa dỗ cậu anh nín thì cô em khóc, quay sang dỗ thì phát hiện đứa út tè dầm trong quần, may mà lúc đó một bé đã ngủ", chị Trinh ở An Giang, người sinh tư vào năm 2011 cho biết gần một năm nay chị luôn tất bật như vậy.
Cuối năm 2010, do quá mong con, chị Lê Thị Việt Trinh đến phòng mạch tư kích thích trứng. Đi siêu âm, thai phụ phát hiện mình mang đến bốn bé. Tháng 8.2011, tại Bệnh viện Nhân dân Gia định, TP HCM, chị được các bác sĩ mổ bắt con.
Khi được hỏi về chuyện nuôi con, người phụ nữ 21 tuổi đáp: "Vui thì có vui nhưng quá cực".
|
Các con của chị Trinh khi mới chào đời.
|
"Bối rối đầu tiên khi xuất viện về đến nhà là chỗ nằm. Nhà nhỏ, chiếc giường chỉ đủ cho hai vợ chồng, giờ có thêm đến bốn bé, ông xã tôi phải kê thêm một chiếc giường to hơn và anh ấy ra ngủ riêng. Mà thực ra có ngủ được đâu, bởi suốt 10 tháng qua các bé thường xuyên thức đêm", chị Trinh nói.
Từ sau khi sinh, nhà chị Trinh gần như lúc nào cũng có tiếng trẻ con. Tiếng cười đùa thì ít mà tiếng khóc quấy thì nhiều. Lắm lúc các bé luân phiên khóc cả đêm khiến cả nhà phải thức dậy. Bà nội bế một bé, bà ngoại bế một bé, hai vợ chồng mỗi người một bé.
"Có khi chúng khóc đồng loạt. Có lúc hết đứa này khóc rồi đến đứa kia. Nằm nghỉ dưỡng sau sinh chưa được ba ngày, thấy ông xã cứ loay hoay dỗ mãi con không nín, tôi đành ngồi dậy giúp chồng. May là có bà nội bà ngoại ở cạnh, nếu không, hai vợ chồng không biết phải làm sao", chị Trinh kể.
May mắn, sau vài tháng, có kinh nghiệm nên khi nghe các bé khóc, chị và ông xã đã biết cách dỗ và biết đoán bé khi vì đói, đau bụng hay muốn bệnh. Hoặc khi một bé khóc, họ lập tức tách ly khỏi các bé còn lại để không bị khóc lây.
Ngoài chuyện khóc, chuyện ngủ, người mẹ trẻ cho hay chuyện ăn cũng lắm công phu. Do sữa mẹ không đủ cho cả 4 bé bú nên chị Trinh phải dùng sữa công thức. Bốn bình sữa luôn được rửa sạch sẽ để chờ sẵn. Chiếc bình thủy chứa nước sôi loại to cũng luôn được châm đầy, thế nhưng vẫn không kịp để đáp ứng khi các bé đồng loạt khóc vì đói.
"Vất vả nhất là khi ông xã đi làm, nội ngoại cũng bận. Tôi phải hết đút bình cho bé này đến bé khác. Lại phải trông chừng để con không bị sặc. Giờ các bé đã ăn dặm, việc cho ăn bớt cực hơn nhưng để các con no bụng, tôi phải quần quật mất hơn 2 tiếng đồng hồ", chị Trinh nói.
Để chăm các con, bà mẹ trẻ cho hay chị không còn có thời gian dành cho mình. "Nấu ăn mất vài tiếng, cho con ăn, tắm con mất vài giờ, có khi chỉ chạy theo từng đứa khi chúng đùa nghịch thôi cũng khiến tôi hoa mắt. Chỉ 10 tháng mà tôi đã sụt gần 10 kg", chị này cho biết.
Một trong những khó khăn đối với đôi vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm nuôi con là các bé quá nhẹ cân. Khi sinh, bé trai chỉ nặng 1,7 kg và ba bé gái lần lượt là 1,2 kg, 1,1 kg và 1,6 kg. May mắn suốt 10 tháng qua, các bé thi thoảng chỉ ho, sốt hay sổ mũi. Đến nay bé trai Huỳnh Thanh Nam nặng 9,4 kg, bé gái thứ hai là Huỳnh Kim Tuyến nặng 7,4 kg, bé Huỳnh Kim Hương nặng 8 kg và Huỳnh Kim Cương nặng 8,2 kg.
"Để con được như hôm nay, nhà nghèo, hai vợ chồng phải chắt chiu đừng đồng từng cắc. Nếu không có vài chục triệu của các nhà hảo tâm đóng góp, mấy tháng đầu không biết hai vợ chồng phải làm sao bởi các bé phải thường xuyên trở lại Sài Gòn để khám. Tiền sữa, tiền áo quần, mọi thứ cũng tốn nhiều hơn", chị Trinh nói.
Dù trong tuổi ăn dặm nhưng hiện nay, một hộp sữa loại 900 gr các bé chỉ dùng trong 2 ngày là hết. Một mình ông xã đi làm không đủ tiền chi tiêu, chị Trinh phải chọn mua loại sữa có giá rẻ nhất.
Khi được hỏi về nỗi vất vả chăm con, chị Trinh bày tỏ: "Cực thì cực thiệt, nhưng nhìn thấy các con khỏe mạnh tôi cũng vui. Giờ chỉ mong các con đến độ tuổi đi nhà trẻ để tôi có thể đi làm kiếm tiền cùng với ông xã. Một mình anh ấy đi làm không đủ tiền lo cho các con, nhất là khi chúng càng ngày càng lớn, mọi nhu cầu ngày càng cao".
Không kích thích trứng để mang thai như chị Trinh, ngày 20.6, chị Trần Thị Tình, 33 tuổi nhà ở Đồng Tháp mang thai tự nhiên đã được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) mổ bắt 4 bé gái. Các bé đang được chăm sóc đặc biệt và chờ ngày xuất viện.
Theo Vnexpress