Dựa vào vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, những năm gần đây thị trường bất động sản (BĐS) Bình Dương liên tục được các nhà đầu tư cá nhân tạo những cơn sốt đất liên tục. Sau cơn sốt đi qua thị trường BĐS Bình Dương đã bắt đầu có dấu hiệu ‘chững’ lại, khiến tình trạng ‘cung nhiều hơn cầu’ dẫn đến nguy cơ thành ‘nấm mồ’ cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư "mắc kẹt"
Giai đoạn 2020 - 2021, thị trường bất động sản Bình Dương chứng kiến các cơn "sốt" đất và sự ‘thổi giá’ liên tục. Giá đất nền tại một số khu vực "nhảy múa" liên tục và thậm chí tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Cụ thể, tại một số khu vực ở Bình Dương liên tục được ‘cò’ thổi giá, nhiều nơi giá được đẩy lên cao gấp 4,5 lần so với giá thực tế. Nhiều dự án nhà ở Cao tầng ở trục đường quốc lộ 13 có giá lên đến 50 – 60 triệu/m2.
Trước tình trạng trên, chính quyền ở Bình Dương đã ra văn bản cảnh báo người dân cần tỉnh táo trước các giao dịch bất động sản, cũng như cơn "sốt" ảo mà giới "cò" đất tạo ra.
Sau sự vào cuộc của cơ quan chính quyền tỉnh Bình Dương, cơn sốt đất đã dừng lại và tình trạng ‘bán tháo’ đã xảy ra. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư thứ cấp không kịp ‘bung hàng’ đã phải ôm quả ‘bom’ nổ chậm. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận ‘cắt lỗ’ để bán tháo nhưng cũng không thể ra hàng do nhà đầu tư không còn mặn mà vào thị trường BĐS Bình Dương nữa.
Trong khi đó, một số khu vực như ở huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, Tân Uyên… nhiều nhà đầu tư rao bán dưới hình thức cắt lỗ để nhằm thu hôì vốn nhưng vẫn không ‘kịp’.
Đơn cử như ở khu vực thị trấn Lai Uyên của huyện Bàu Bàng (Bình Dương) nhiều khu đất có diện tích khoảng 100m2 giai đoạn 2021 bán với giá từ 900 đến hơn 1 tỷ đồng. Nhưng giai đoạn hiện nay những lô đất này chỉ có giá 700- 800 triệu đồng. Như vậy nhà đầu tư chấp nhận lỗ trên 100 triệu đồng cho mỗi lô đất.
BĐS Bình Dương rơi vào vòng xoáy ‘ảm đạm’
Bước vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 thì trường BĐS chững lại hoàn toàn, rất ít dự án được chính quyền tỉnh Bình Dương phê duyệt thông qua. Nguyên nhân chính có thể do hàng loạt cựu lãnh đạo Bình Dương bị đề nghị truy tố...
Nhiều nhà đầu tư thứ cấp còn ‘dính bẫy’ bởi ôm hàng giá cao mà không thể ra hàng. Bên cạnh đó, do yếu tố giá bị đẩy lên khá cao so với thực tế dẫn đến nhà đầu tư không còn ‘mặn mà’ xuống tiền ở Bình Dương khiến thị trường BĐS Bình Dương chững lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện thị trường BĐS nơi đây đang xuất hiện tình trạng cung nhiều cầu ít. Nhiều dự án BĐS đất nền chưa thể ra hàng, nhiều nơi dù đã chào bán, 2 đến 3 năm nhưng chưa thể bán hết hàng.
Đơn cử như dự án Đức Phát 3 nằm ở huyện Bầu Bàng giao cho sàn bất động sản mở bán từ năm 2018, mặc dù nhiều lần đổi tên thành The Sun Bàu Bàng, Luxury Golden City nhưng đến nay vẫn chưa thể bán hết. Hay như dự án khu dân cư Đông Bình Dương do công ty TNHH phát triển đô thị Đông Bình Dương làm chủ đầu tư triển khai bán hàng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa thể ra hết hàng.
Một dự án BĐS khác cũng khiến hàng trăm khách hàng "ôm mặt khóc" là dự án khu dân cư Nam Tân Uyên (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên), với khoảng 3.700 nền. Đây là dự án do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư. Hay như dự án bên cạnh khu công nghiệp VSIP 2 cũng có cả 100 căn nhà bỏ không. Một số dãy nhà bỏ hoang cỏ mọc um tùm, bên trong chưa hoàn thiện, cửa kính hư hỏng, xuống cấp.
Theo một số chuyên gia, hấp lực của thị trường Bình Dương đã không còn, tiềm năng đầu tư sinh lời không còn. Nguyên nhân là Bình Dương không còn yếu tố mới để ‘kích cầu’ trong khi quá trình đô thị hóa cao vô tình lại là lực cản khiến giá trị bất động sản địa phương này chững lại. Cùng với đó, giá bất động sản không thực sự phù hợp với túi tiền của lượng người lao động đang đổ về, trở thành lực lượng lao động chính tại các khu công nghiệp như VSIP, Becamex… Mặc dù các khu công nghiệp này cũng có nhiều dự án phục vụ nhu cầu cho cán bộ nhưng giá đưa ra cũng quá cao.
Trước những vấn đề trên, việc Bình Dương không có định hướng mới để các chủ đầu tư tự ý đẩy giá sẽ khiến thị trường BĐS Bình Dương rơi vào vòng xoáy ‘ảm đạm’.
Đăng Trung/KTDU