Sự kiện hot
13 năm trước

Sẽ xây dựng đề án giảm tải bệnh viện lớn

“Mong muốn của chúng tôi là sẽ xây dựng đề án trình Chính phủ về vấn đề giảm tải các bệnh viện lớn, và cái này phải có Nhà nước đầu tư ngân sách, vì đấy là bệnh viện công lập”.

 “Mong muốn của chúng tôi là sẽ xây dựng đề án trình Chính phủ về vấn đề giảm tải các bệnh viện lớn, và cái này phải có Nhà nước đầu tư ngân sách, vì đấy là bệnh viện công lập”.

Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Ngọc Thắng

Ngay sau khi được Quốc hội (QH) bỏ phiếu phê chuẩn chức vị Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang kỳ họp QH chiều 3.8.
 
* Thưa, trên cương vị mới, Bộ trưởng sẽ tập trung ưu tiên vào các nhiệm vụ trọng tâm gì của ngành Y tế trong nhiệm kỳ này?

 
- Y tế là ngành đòi hỏi phải phục vụ với tinh thần trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay có nhiều vấn đề nhân dân đòi hỏi rất chính đáng về dịch vụ chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe. Các vấn đề tôi quan tâm trong nhiệm kỳ này trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, thứ nhất là giảm tải ở các bệnh viện, nhất là ở tuyến T.Ư, tỉnh, các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi.
 
Thứ hai là vấn đề chất lượng dịch vụ y tế mà muốn thế phải đổi mới cơ chế tài chính hiện nay. Hiện nay khung giá dịch vụ y tế đã quá cũ, ban hành từ 1994, với giá đó không thể nào có chất lượng dịch vụ tốt được nên phải đổi mới cơ chế tài chính y tế, nghĩa là phải tính đúng, tính đủ.
 
Thứ ba cần phải quan tâm mạng lưới y tế cơ sở, nhất là xã. Phải tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, phải có bác sĩ, có trang thiết bị, có đủ thuốc, tới đây chúng tôi sẽ thay đổi chuẩn y tế xã, để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Làm sao để người dân bị bệnh nhẹ thì đến cơ sở y tế xã, huyện, vừa giảm tải cho tuyến trên, vừa giúp người dân tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế ở mọi vùng, không phân biệt thu nhập.
 
Thứ tư và cũng bao trùm nhất, đòi hỏi lộ trình thực hiện cũng lâu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân đó là phải thực hiện được bảo hiểm y tế toàn dân. Đó mới là nguồn tài chính y tế vững bền, mới bảo đảm được y tế công bằng, lâu dài, hiệu quả và phát triển. Còn về nhân lực y tế, chúng tôi hy vọng trong mấy năm tới sẽ bảo đảm, dù vẫn phải dùng nhiều chính sách thu hút, cố gắng chế độ bằng bên GD-ĐT.
 
Cần khẳng định, đối với y tế thì Nhà nước, y tế công lập vẫn phải là chủ đạo, Nhà nước vẫn phải lo cho nhân dân là chính. Ngược lại, nhân dân cũng phải có ý thức của mình bằng cách nâng cao ý thức phòng bệnh. Phải kết hợp cả hai, chứ không có ai có thể lo sức khỏe bằng chính bản thân mình. 
 
* Cụ thể sẽ chọn lĩnh vực nào để đột phá? Bệnh viện quá tải, chất lượng khám chữa bệnh hay chấn chỉnh y đức?
 
- Nó là sự tổng hợp, cái nọ nó dích dắc vào cái kia, mà như vừa nãy tôi đã nói, bức xúc của người dân rất chính đáng và ngành y tế phải phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành, của các ban ngành khác, của cả hệ thống chính trị để từng bước giải quyết dần, bởi vì đất nước chúng ta trải qua chiến tranh, cũng mới vừa thoát khỏi nước thu nhập trung bình, sức đầu tư của Nhà nước có tăng nhưng rất hạn chế, người dân thu nhập còn thấp cho nên không thể bỏ tiền túi cao được. Cái đó phải có lộ trình thời gian dần dần, cần giai đoạn nhất định thì mới đáp ứng được mà ngay cả khi đáp ứng rồi thì nhu cầu khác lại phát sinh.
 
Phải đầu tư ngân sách mở rộng bệnh viện công
 
* Bộ trưởng vừa nói giảm tải cũng là một trong các nhiệm vụ phải thực hiện trong nhiệm kỳ mới, vậy có thể cụ thể hóa mục tiêu giảm tải của từng giai đoạn không, vì quyết tâm ngành Y tế đặt ra người dân biết nhưng họ trông chờ vào một cam kết mạnh mẽ, rõ ràng hơn?
 
- Vừa qua cũng đã đạt được một số yêu cầu về giảm tải một số bệnh viện lớn. Trung ương thì chúng ta biết rằng, dân số chúng ta 30 năm trở lại đây tăng nhiều nhưng số bệnh viện công mở ra không đáng bao nhiêu, vừa rồi có nguồn trái phiếu Chính phủ thì mới sửa chữa, nâng cấp, xây mới rất ít một số bệnh viện huyện, bệnh viện trung ương hầu như chỉ mở rộng. Cho nên mong muốn của chúng tôi là sẽ xây dựng đề án trình Chính phủ về vấn đề giảm tải các bệnh viện lớn, và cái này phải có Nhà nước đầu tư ngân sách, vì đấy là bệnh viện công lập mà, chứ nếu không đầu tư, không mở thêm bệnh viện, không tăng thiết bị, không mở rộng ra, và chính quyền không dành thêm quỹ đất để xây các bệnh viện thì rất khó. Hiện nay vấn đề đất đai cho xây dựng bệnh viện cũng rất khó khăn.
 
* Thay vì đầu tư ngân sách xây dựng bệnh viện công tại sao chúng ta không có cơ chế ưu đãi khuyến khích xây dựng bệnh viện tư và rà soát lại chính sách xã hội hóa về lĩnh vực này? 
 
- Có cơ chế xã hội hóa như các bệnh viện ngoài công lập thì vừa rồi cũng xây dựng nhiều nhưng số hoạt động quy mô cũng rất nhỏ.
 
* Vậy nên có cơ chế như thế nào để thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện quy mô lớn hơn, góp phần giảm tải?
 
- Đã có Nghị định 69 dành riêng cho vấn đề đầu tư y tế ngoài công lập, có cơ chế khuyến khích về đất, về vốn, về cơ chế nhưng giải quyết vấn đề đất đai, mặt bằng rất khó.
 
Đang phối hợp để trình lại Đề án tăng viện phí
 
* Một vấn đề bất cập hiện nay là bao cấp dịch vụ y tế của Nhà nước dành cho cả người nghèo lẫn người giàu trong khi người giàu cần y tế kỹ thuật cao, không có lại phải ra nước ngoài để chữa trị. Cần phải thay đổi cơ chế tài chính như nào để giải quyết được vấn đề này?
 
- Chính phủ phải xây dựng nghị định, vừa rồi Bộ Chính trị đã cho ý kiến về nghị định này và sắp tới Chính phủ ban hành nghị định đó để thực hiện, nhưng phải có sự đồng lòng của người dân. Người dân mới nghe dịch vụ tăng giá thì phản đối nhưng phải hiểu là khi tăng giá hầu hết các dịch vụ đó thì đã được bảo hiểm y tế chi trả, mà mình lại được hưởng dịch vụ tính đúng tính đủ. Còn như hiện nay, tính không đúng không đủ nên chất lượng không tốt, không thể đáp ứng được. Vậy nhưng vừa rồi định thay đổi 350 dịch vụ y tế trong tổng số 3.000 dịch vụ cơ bản thì công luận không đồng ý.
 
* Bao giờ vấn đề tăng giá dịch vụ y tế được trình lại, thưa Bộ trưởng?
 
- Hiện Bộ Tài chính và Y tế đang phối hợp chặt chẽ để Chính phủ ra một nghị định, nhưng thực hiện thay đổi giá dịch vụ đó vào thời điểm này cũng là thời điểm nhạy cảm trong bối cảnh lạm phát, người dân không bằng lòng, nhưng truyền thông phải giúp người dân thay đổi tư duy rằng giá dịch vụ đó ban hành từ năm 1994 đến nay quá lỗi thời rồi nên cần điều chỉnh, mà giá đó hầu hết đã được bao phủ trong BHYT của người dân. Người dân nếu tham gia BHYT càng nhiều càng có lợi.

Bảo Cầm
theo thanh niên online

Từ khóa: